Phú Xuyên gỡ khó cho kinh tế trang trại

Sơn Tùng| 04/06/2021 07:20

(HNM) - Huyện Phú Xuyên hiện có hàng nghìn gia trại tổng hợp. Để khai thác tiềm năng địa phương, Phú Xuyên khuyến khích các hộ phát triển mô hình trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp. Nhiều hộ đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đất đai và ứng dụng khoa học kỹ thuật tạo ra sản phẩm đặc trưng, mang tính hàng hóa giá trị cao.

Điển hình như gia trại nuôi gà sinh học của gia đình anh Bùi Đức Xuất ở thôn Thành Lập, xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên) có diện tích 1.600m2, quy mô 3 khu chuồng nuôi hiện đại, xa khu dân cư, bảo đảm vệ sinh môi trường. Hiện, đàn gà 12.000 con của gia trại mỗi ngày cung cấp cho thị trường 5.400-5.500 quả trứng thương phẩm và hơn 3.000 trứng để ấp con giống. Với giá bán bình quân 1.800 đồng/quả trứng thương phẩm và 7.000 đồng/quả trứng để ấp bán con giống, gia đình anh thu về 5-7 triệu đồng/ngày.

Tuy nhiên, thực tế có một vấn đề đặt ra là để đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận trang trại thì nhiều hộ còn vướng mắc do diện tích mặt bằng hẹp, nguồn vốn ít, hoạt động thiếu tính ổn định... Hầu hết các hộ chỉ dừng ở phát triển kinh tế gia trại. Bà Đặng Thị Minh ở thôn Lưu Xá, xã Phú Túc (đang phát triển gia trại tổng hợp hơn 1,2ha) cho hay, theo quy định, để đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận, trang trại phải bảo đảm các tiêu chí, trong đó, cơ sở trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất tổng hợp tối thiểu là 2,1ha trở lên, giá trị sản lượng hàng hóa đạt 700 triệu đồng/năm. Các cơ sở chăn nuôi phải đạt giá trị sản lượng hàng hóa trên 1 tỷ đồng/năm.

"Do đó, không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ khác trong vùng khó đáp ứng tiêu chí về diện tích nên chỉ dừng lại ở hoạt động theo mô hình gia trại, rất khó tiếp cận với vốn ưu đãi và ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất" - bà Đặng Thị Minh chia sẻ.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân, nhằm khắc phục khó khăn, tạo điều kiện cho các gia trại phát triển quy mô trang trại, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn người dân thực hiện dồn thửa, tích tụ ruộng đất; chủ động hướng dẫn, tạo điều kiện cho các trang trại hợp tác, liên doanh với doanh nghiệp có vốn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ.

Cùng với đó, để sản phẩm bảo đảm năng suất, chất lượng, gia tăng giá trị, các địa phương hướng dẫn chủ trang trại thực hiện ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn; hướng dẫn chủ gia trại cách chăn nuôi an toàn như: Sử dụng đệm lót sinh học, xây hầm biogas, sử dụng máy ép tách phân, ủ phân bằng chế phẩm sinh học...

"Đối với trồng trọt, huyện tích cực hỗ trợ chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ như mô hình trồng măng tây xanh, rau trái vụ, rau cần an toàn, dưa leo, bí xanh... cho thu nhập bình quân 200-500 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện giúp chủ trang trại thêm vốn đầu tư, tổ chức tín dụng tại địa phương tạo điều kiện tiếp cận các nguồn tín dụng với thủ tục vay đơn giản, hợp lý, có thể tín chấp bằng công trình đầu tư trên đất như thiết bị chuồng trại, nhà lưới, nhà màng…", ông Lê Tiến Xuân cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Xuyên gỡ khó cho kinh tế trang trại