Môi trường ở Mê Linh chuyển biến tích cực

Hoàng Sơn| 21/05/2021 06:44

(HNM) - Trước đây, trên địa bàn huyện Mê Linh (Hà Nội) có tình trạng rác thải sinh hoạt đổ tràn lan, lưu cữu nhiều ngày tại các trục giao thông, ven đê. Nay, hiện tượng này đã giảm mạnh bởi ngay trong ngày, tất cả rác thải được thu gom, vận chuyển đi xử lý. Nhờ vậy, môi trường ở huyện Mê Linh đang có sự chuyển biến khá tích cực...

Người dân xã Hoàng Kim (huyện Mê Linh) chung tay dọn vệ sinh một tuyến đường trên địa bàn. Ảnh: Đức Duy

Trên quốc lộ 23B, đường 100m và trục đường chính tại các xã: Liên Mạc, Hoàng Kim, Văn Khê, Đại Thịnh, Tiền Phong (huyện Mê Linh) trước đây có nhiều “điểm đen rác thải” thì nay trở nên phong quang, sạch sẽ. Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mê Linh Phùng Đình Quý, kết quả tích cực này là nhờ điểm mới trong hợp đồng vệ sinh môi trường giai đoạn 2021-2023 do huyện ký với đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt. Trong đó, huyện Mê Linh yêu cầu đơn vị vận chuyển duy trì vệ sinh môi trường hằng ngày, thay vì 3 ngày/lần như trước kia và công nhân môi trường phải vào từng ngõ, xóm để thu gom rác, làm vệ sinh...

Bà Phạm Thị Thảo - công nhân Xí nghiệp Môi trường đô thị Mê Linh phụ trách thu gom rác tại địa bàn xã Liên Mạc cho biết: “Bên cạnh việc thu gom rác thải sinh hoạt hằng ngày, chúng tôi còn thường xuyên phối hợp với các hội phụ nữ, nông dân tham gia quét dọn đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh trong khu dân cư, nơi công cộng vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Nhờ đó, trên địa bàn xã Liên Mạc không còn tình trạng rác thải sinh hoạt lưu cữu qua đêm, gây mất vệ sinh môi trường...”.

Tương tự, tại xã Hoàng Kim, công tác vệ sinh môi trường cũng trở thành nền nếp. Theo bà Nguyễn Thị Huệ - người dân trong xã, từ đầu năm 2021 đến nay, người dân xã Hoàng Kim đều được tuyên truyền, hướng dẫn cách phân loại rác, để rác đúng chỗ, đổ rác đúng giờ... nên môi trường sống trong khu dân cư được cải thiện đáng kể.

Không chỉ chuyển biến tích cực trong thu gom rác thải sinh hoạt, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường trong sản xuất nông nghiệp cũng được người dân chú trọng. Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô cho biết, hiện nay, sau khi chăm bón cho hoa màu, cây ăn quả... người dân đều có ý thức bỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật vào thùng chứa trên các xứ đồng. Cùng với đó, huyện yêu cầu các hợp tác xã thành lập tổ thu gom rác thực vật (cành hoa, rau, củ, quả hỏng...) để ủ làm phân vi sinh, hạn chế xả ra môi trường.

Theo Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, để giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường, đầu năm 2021, huyện triển khai đề án xây dựng điểm tập kết rác thải. Trong đó, đã có 7/14 xã bố trí kinh phí xây dựng từ 2 đến 3 điểm tập kết rác thải sinh hoạt xa khu dân cư, bảo đảm phù hợp tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Với những xã còn lại, huyện đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, phấn đấu đưa vào hoạt động trong năm nay. Huyện sẽ yêu cầu đơn vị vệ sinh môi trường chuyển toàn bộ rác thải sinh hoạt cũng như hệ thống máy móc, xe thu gom, chở rác vào điểm tập kết theo quy định để không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng xấu đến cảnh quan địa phương...

Bên cạnh đó, Mê Linh tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao ý thức cho nhân dân về bảo vệ môi trường; vận động người dân tự giác tham gia dọn vệ sinh, trồng hoa, cây xanh trên các tuyến đường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp; UBND huyện giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các xã, thị trấn rà soát, đánh giá những mô hình hay về thu gom rác thải sinh hoạt, tổng vệ sinh môi trường trong khu dân cư để biểu dương, khen thưởng; đồng thời nhân rộng điển hình ra toàn huyện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Môi trường ở Mê Linh chuyển biến tích cực