Võng La làm giàu từ nghề truyền thống

Nguyễn Mai| 14/05/2021 06:58

(HNM) - Xã Võng La (huyện Đông Anh) nổi tiếng với nghề làm đậu phụ. Hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn phát triển nghề truyền thống này, tạo việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng quê hương...

Nghề làm đậu phụ ở Võng La có lịch sử hơn 100 năm. Năm 2019, Võng La được UBND thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống”. Hiện nay, cả xã Võng La có khoảng 70 hộ làm đậu phụ và một hợp tác xã chuyên sản xuất, cung ứng đậu phụ cho thị trường.

Theo bà Trần Thị Tư ở thôn Võng La (xã Võng La), ban đầu làm đậu phụ chỉ là nghề làm thêm, giúp người dân tăng thu nhập, sau đó trở thành sinh kế của nhiều thế hệ người dân Võng La. Người làm nghề hiện đã có máy móc hỗ trợ sản xuất theo quy trình liên hoàn từ khâu xay hạt, lọc bỏ bã đến đun chín, pha chế… Ngoài đậu phụ trắng truyền thống, người dân Võng La còn chế biến thêm nhiều loại: Đậu nướng, đậu phụ nhân cháy thịt. Người dân Võng La còn tận dụng bã đậu để phát triển chăn nuôi lợn với tổng đàn lợn toàn xã hiện có hơn 1.500 con. Nhờ nghề, nhiều gia đình có thu nhập ổn định, xây dựng nhà cửa khang trang.

Không chỉ có các hộ làm đơn lẻ, xã Võng La còn có Hợp tác xã Thanh niên Võng La sản xuất đậu phụ quy mô lớn, từng bước tham gia tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm truyền thống. Anh Phan Văn Đạt, Giám đốc Hợp tác xã Thanh niên Võng La cho biết, bằng cách làm bài bản từ lựa chọn nguyên liệu, quy trình sản xuất đến xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, sản phẩm đậu phụ của hợp tác xã đã được thành phố Hà Nội công nhận "3 sao" trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

“Trước khi tham gia Chương trình OCOP, mỗi ngày, chúng tôi chỉ sản xuất khoảng 100kg đậu phụ mà tiêu thụ cũng khó khăn. Từ khi tham gia và được chứng nhận sản phẩm OCOP của thành phố, mỗi ngày, chúng tôi sản xuất gần 1 tấn đậu phụ, cung cấp cho các bếp ăn tập thể, hệ thống nhà hàng. Cũng nhờ đẩy mạnh khâu tiêu thụ, hơn 10 thành viên của hợp tác xã có việc làm và thu nhập ổn định”, anh Phan Văn Đạt khẳng định.

Còn theo anh Nguyễn Mạnh Đức, thành viên Hợp tác xã Thanh niên Võng La, nghề truyền thống đã mang lại thu nhập cho người làm nghề từ 6 triệu đến 7 triệu đồng/tháng, giúp các thành viên ổn định cuộc sống. "Thế hệ thanh niên chúng tôi mong muốn tiếp tục phát triển nghề truyền thống của quê hương theo hướng đi mới, đó là sản xuất sạch và có thương hiệu", anh Đức nói.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hoàng Thị Huyền, những năm qua, thành phố Hà Nội có rất nhiều chính sách quan tâm, hỗ trợ, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ nhiều sản phẩm làng nghề hoàn thiện quy trình sản xuất, củng cố chất lượng sản phẩm để tham gia Chương trình OCOP, trong đó, Hợp tác xã Thanh niên Võng La là một điển hình. Với cách làm bài bản thông qua chế biến, áp dụng khoa học kỹ thuật, sản phẩm đậu phụ Võng La đang có cơ hội phát triển, qua đó, góp phần nâng cao đời sống cho người làng nghề và tạo thêm nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Võng La làm giàu từ nghề truyền thống