Phát triển kinh tế trang trại ở Mỹ Đức

Sơn Tùng| 23/04/2021 07:02

(HNM) - Những năm gần đây và hiện nay, huyện Mỹ Đức đang tích cực hỗ trợ các xã, thị trấn trên địa bàn để tiếp tục phát triển các mô hình trang trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị canh tác, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn…

Mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Thơi, xã Lê Thanh (huyện Mỹ Đức) cho hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ phát triển mô hình gia trại tổng hợp, gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Huyền ở thị trấn Đại Nghĩa từ hộ khó khăn đã thoát nghèo, ổn định đời sống. Với quy mô hơn 2,4ha, ngoài sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao khoảng 1,4ha, gia đình chị Huyền thiết kế chuồng trại nuôi 2.000 con gà thả vườn/lứa kết hợp trồng cây ăn quả trên diện tích 1ha. Mỗi năm, từ các nguồn, gia đình chị thu gần 500 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động.

Tương tự, trang trại chăn nuôi khép kín của gia đình ông Nguyễn Văn Dần ở Đội 3 Tế Tiêu (thị trấn Đại Nghĩa) quy mô 2,1ha cũng cho thu nhập hơn 2 tỷ đồng/năm. Hay hộ ông Nguyễn Văn Thơi ở xã Lê Thanh nhờ đầu tư 3ha trang trại, sau khi cải tạo, kè bờ, mua giống cây ăn quả, giống cá và các loại vật nuôi... đến nay, trang trại của gia đình ông Thơi đạt hơn 300 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa trước đây...

Theo UBND huyện Mỹ Đức, ngoài trang trại, gia trại tổng hợp tại thị trấn Đại Nghĩa và xã Lê Thanh, trên địa bàn còn có nhiều mô hình trang trại đặc thù như: Mô hình trồng rau sắng đặc sản kết hợp trồng cây ăn quả (nhãn, vải, na, mơ...) tạo thu nhập cao cho nhiều nông hộ ở xã Hương Sơn; các trang trại chăn nuôi lợn gia công tại xã An Mỹ, chăn nuôi gà siêu trứng ở xã Phúc Lâm, chăn nuôi lợn bản địa ở xã An Phú... cũng đều cho thu nhập cao. Đến nay, toàn huyện Mỹ Đức có 150 trang trại, gia trại, trong đó, 78 trang trại đạt tiêu chí mới của Bộ NN&PTNT với gần 810ha. Các trang trại, gia trại trên địa bàn huyện đạt doanh thu 300-900 triệu đồng/ha/năm, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5-8 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, hiện nay, các trang trại, gia trại của Mỹ Đức còn một số khó khăn. Theo ông Lê Văn Tươi, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đại Nghĩa, việc vay vốn để phát triển sản xuất đối với các trang trại chưa thuận lợi. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ của Nhà nước đối với các trang trại ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thơi, chủ trang trại tại xã Lê Thanh cho biết, phần lớn đất đai của nhiều trang trại còn sử dụng theo hình thức tạm giao, ký hợp đồng thầu/thuê dài hạn ở các địa phương, tính pháp lý chưa cao, do vậy, các chủ trang trại chưa thực sự yên tâm, chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất lâu dài, khó ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất... Ngoài ra, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý của các chủ trang trại còn hạn chế khiến việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất gặp khó khăn; công tác xúc tiến thương mại cho nông sản chưa được chú trọng...

Để tiếp tục tạo lực đẩy phát triển kinh tế trang trại ở Mỹ Đức, thời gian tới, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, chăn nuôi; hình thành các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm có kiểm soát chất lượng các khâu, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn cho biết, đối với nhóm trồng trọt, huyện sẽ tập trung phát triển trang trại cây ăn quả, dược liệu… phù hợp lợi thế địa phương. Về chăn nuôi, hướng nông dân phát triển các trang trại chăn nuôi truyền thống (lợn, gia cầm, trâu, bò...) và đặc sản (dê, hươu...).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế trang trại ở Mỹ Đức