Thanh Trì xây dựng vùng sản xuất rau an toàn

Thanh Bắc| 21/04/2021 07:08

(HNM) - Trong những năm qua, nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất rau an toàn, huyện Thanh Trì đã có hơn 90% diện tích trồng rau đủ điều kiện chứng nhận an toàn với 109ha rau được cấp chứng nhận VietGAP. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của nông dân; góp phần tăng năng suất, nâng cao hiệu quả và giá trị sản phẩm.

Mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì).

“Vùng rau này khác rất nhiều so với hơn chục năm trước" - đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Văn Bảy, một trong những hộ trồng rau tiêu biểu của xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) về khu sản xuất rau an toàn của xã. Để có thành quả này là nhờ nỗ lực vượt bậc của người dân và chính quyền địa phương, bởi thời điểm trước năm 2015, việc sản xuất và tiêu thụ rau an toàn của nông dân rất khó khăn. Thậm chí, có hộ nản, trở lại cách làm truyền thống vì trồng rau an toàn giá cả bấp bênh...

Năm 2016, huyện Thanh Trì triển khai đề án "Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của vùng sản xuất rau an toàn tập trung giai đoạn 2016-2021". Đây là tiền đề quan trọng để người dân sản xuất rau an toàn thay đổi tư duy và thu nhập cao từ sản xuất rau sạch. Chung sức với huyện, những hộ tham gia các đội sản xuất tích cực hơn từ khâu học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật đến hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Nông dân ở các vùng chuyên canh rau đã áp dụng thành công ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, như:

Mô hình thử nghiệm sử dụng màng phủ passlite, che vòm ni lông trong sản xuất rau trái vụ nên đã hạn chế sâu bệnh, giảm thiểu điều kiện bất thuận của thời tiết, hạn chế đối tượng sinh vật gây hại, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, phát huy hiệu quả sử dụng phân bón, tăng hệ số sử dụng đất, giảm công chăm sóc, tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường...

Ngoài ra, nông dân Thanh Trì còn nhân rộng các mô hình phân loại, xử lý và sử dụng rác hữu cơ làm phân bón cho cây rau với hàng trăm hộ tham gia; sử dụng bẫy dính màu để phòng trừ sâu hại. Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ Trần Quang Khánh chia sẻ, từ khi địa phương phát triển vùng rau an toàn, thu nhập người trồng rau ổn định, số hộ nghèo trong xã hiện chỉ còn 0,91%, các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới được duy trì và nâng cao.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng, triển khai đề án “Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của vùng sản xuất rau an toàn tập trung giai đoạn 2016-2021”, huyện đã chọn xã Yên Mỹ và Duyên Hà để tập trung sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, với mục tiêu đạt 70ha, năng suất 400 tạ/ha/năm, 80% sản lượng rau được gắn thương hiệu có liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện cũng duy trì sản xuất 140,5ha rau an toàn, trong đó có 109ha rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, tăng 77ha so với trước khi lập đề án; năng suất bình quân đạt 495 tạ/ha/năm, giá trị đạt khoảng 610 triệu đồng/ha/năm, vượt mục tiêu của đề án về diện tích và giá trị... Để tăng thương hiệu cho vùng trồng rau, huyện cũng bố trí hai điểm trưng bày, giới thiệu, cung ứng nông sản an toàn có kiểm soát.

Thời gian tới, để vùng rau an toàn phát huy hiệu quả, Thanh Trì tiếp tục hỗ trợ các xã tuyên truyền, tập huấn cho nông dân kết hợp tư vấn, giám sát quá trình sản xuất nhằm duy trì 109ha rau theo tiêu chuẩn VietGAP; thực hiện kiểm tra dư lượng nitrat trong sản phẩm; kiểm tra việc cung ứng, sử dụng thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trên địa bàn; tiếp tục hỗ trợ kinh phí rau giống cho nông dân nhằm mở rộng quy mô nhóm liên kết chuỗi trồng rau an toàn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Trì xây dựng vùng sản xuất rau an toàn