Nơi nông dân không còn ''chân lấm, tay bùn''

Bạch Thanh| 26/03/2021 06:39

(HNM) - Cả cánh đồng phủ màu xanh của lúa đương độ đẻ nhánh, hàng nối hàng, thẳng đều tắp... Đó là ấn tượng của chúng tôi về sự chuyển mình nơi đồng đất trũng Phú Xuyên. Hình ảnh đẹp đẽ về một vùng nông thôn yên bình đang từng ngày trù phú càng ấn tượng hơn khi người nông dân ở nhiều nơi trên địa bàn huyện không còn phải “chân lấm, tay bùn” nhờ việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, nâng cao giá trị canh tác.

Cấy lúa vụ xuân 2021 bằng máy tại xã Nam Tiến (huyện Phú Xuyên).

Hết thời bỏ ruộng hoang

Trò chuyện với bà Trần Thị Chinh ngay trên cánh đồng thôn Văn Minh (xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên) chúng tôi cảm nhận được niềm vui của bà con nông dân nơi đây khi công việc đồng áng của họ giờ đã không còn phải “chân lấm, tay bùn” mà vẫn đạt hiệu quả cao. Chỉ vào ruộng lúa xanh mướt, bà Chinh bộc bạch: "Nhà tôi chỉ có hai người già nhưng vẫn cấy đến 20 mẫu lúa. Nhờ có cơ giới hóa mà mọi khâu, từ làm đất, cấy lúa, chăm sóc, thu hoạch đều không mất công sức...".

Niềm vui của bà Chinh cũng là thành quả của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Phú Hưng. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Phú Hưng Phạm Minh Đức cho biết: "Tôi đã cùng lãnh đạo Hợp tác xã Nam Tiến đi thăm các mô hình mạ khay, cấy máy để học hỏi. Sau khi nghiên cứu kỹ, Hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư cả chục tỷ đồng mua máy móc, trang thiết bị phục vụ cơ giới hóa. Vì thế, vụ xuân này có gần 100% diện tích đất lúa (khoảng 300 mẫu) của xã Nam Tiến được sản xuất bằng cơ giới hóa. Ngoài ra, Hợp tác xã Phú Hưng cũng đã cung ứng dịch vụ mạ khay, cấy máy, gặt đập liên hợp tới một số xã khác ở các huyện Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức… với diện tích trung bình đạt khoảng 1.000 - 2.500 mẫu mỗi vụ".

Bí thư Đảng ủy xã Nam Tiến Nguyễn Văn An thông tin: “Hiện giá làm mạ khay, cấy máy cho một sào lúa trung bình là 250.000-280.000 đồng; nông dân nghiệm thu khi lúa bén rễ, hồi xanh mới thanh toán tiền. Giờ đây, người nông dân vơi bớt nhọc nhằn và đáng nói hơn là không còn chuyện bỏ ruộng hoang”.

Cách xã Nam Tiến không xa, vụ xuân này, nông dân xã Nam Triều cũng đã hoàn thành cấy lúa trong khung thời vụ tốt nhất với mô hình mạ khay, cấy máy. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nam Triều Nguyễn Văn Đức cho biết: “Đến nay, toàn bộ dịch vụ làm đất, cấy lúa và thu hoạch đối với diện tích đất nông nghiệp của xã Nam Triều đều được cơ giới hóa và do hợp tác xã đảm nhiệm. Nông dân chỉ việc thăm đồng, chăm sóc lúa và trả tiền dịch vụ cho hợp tác xã”.

Tương tự ở Nam Tiến, Nam Triều, nhiều xã ở huyện Phú Xuyên có tới hơn 90% diện tích trồng lúa được áp dụng cơ giới hóa toàn bộ.

Nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương

Phú Xuyên là huyện có diện tích đất nông nghiệp lớn của Hà Nội, với gần 10.000ha. “Việc đưa các loại máy móc vào đồng ruộng là điểm đột phá trong sản xuất nông nghiệp”, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh nói.

Riêng vụ xuân này, Phú Xuyên đã có hơn 1.100ha lúa được cấy bằng máy, giải phóng sức lao động cho hàng chục nghìn nông dân. Theo đánh giá của UBND huyện Phú Xuyên, năng suất lúa cấy bằng máy cao hơn cấy bằng tay 10-13%; hiệu quả kinh tế cũng tăng hơn khoảng 7 triệu đồng/ha so với cấy lúa bằng tay.

Theo ông Nguyễn Trọng Vĩnh, để khuyến khích, tiếp tục đưa cơ giới hóa vào sản xuất, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ giống, kinh phí cấy máy (vụ xuân vừa qua hỗ trợ 50.000 đồng/sào) cho người trồng lúa. Cùng với đó là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các cơ chế, chính sách cũng như những hiệu quả kinh tế đạt được khi áp dụng làm mạ khay, cấy máy đến các hợp tác xã, bà con nông dân. Từ đó, giúp bà con sớm tiếp cận với thành tựu khoa học kỹ thuật.

Còn Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Phú Hưng Phạm Minh Đức thông tin đề xuất: “Để tạo điều kiện cho các đơn vị làm dịch vụ tốt hơn, các ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn vay... Hy vọng rằng thời điểm 100% diện tích đất lúa của huyện được cơ giới hóa đồng bộ sẽ không còn xa”.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương thông tin: "Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sẽ đẩy mạnh xúc tiến các hoạt động xã hội hóa, liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ chuyển giao công nghệ, giúp nông dân tiếp cận nhanh với tiến bộ kỹ thuật cũng như vận hành, quản lý hiệu quả trong sản xuất. Tin tưởng, với những hiệu quả kinh tế đã được khẳng định, mô hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Phú Xuyên sẽ được nhân rộng, tiếp tục lan tỏa ra nhiều địa phương khác trên địa bàn thành phố Hà Nội”, bà Vũ Thị Hương nói.

Cũng từ thực tế đồng ruộng ở huyện Phú Xuyên cho thấy, việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng giúp người nông dân không còn phải chịu cảnh “một nắng, hai sương”, “chân lấm, tay bùn”. Từ sự chuyển mình này sẽ hình thành cách thức sản xuất nông nghiệp hiện đại, từng bước mang lại diện mạo mới cho nông nghiệp Thủ đô; giúp kinh tế nông thôn phát triển bền vững, đồng thời nâng cao chất lượng sống của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nơi nông dân không còn ''chân lấm, tay bùn''