Cho bản Mường ngày càng yên vui

Trần Quốc Hùng| 27/03/2021 13:37

(HNMCT) - Là một trong ba xã vùng dân tộc miền núi của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, Yên Bình trở thành một phần của huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Đến nay, toàn xã có hơn 7.200 nhân khẩu, với gần 60% là người dân tộc Mường. Sau 12 năm về với Thủ đô, bộ mặt làng xã, thôn bản không ngừng khởi sắc, đời sống của đồng bào Mường ngân vang những giai điệu tươi vui.

Một mô hình trồng bưởi ở xã Yên Bình (ảnh chụp khi dịch Covid-19 chưa tái diễn).

Vượt lên khó khăn

Về Yên Bình hôm nay, dễ thấy nhiều hộ gia đình chăn nuôi hàng trăm, hàng nghìn con gà, lợn... Toàn xã có hơn 20ha chuyên canh cây ăn quả như bưởi Diễn, thanh long ruột đỏ, nhãn muộn, cho năng suất và thu nhập cao. Hầu hết các hộ đồng bào dân tộc Mường trong xã đã sử dụng máy cày, máy bơm, máy gặt lúa trong sản xuất, nhờ đó nâng cao năng suất lao động. Một số sản phẩm nông nghiệp của xã được thị trường đánh giá cao như lợn rừng, bưởi Diễn, đu đủ, chuối tiêu hồng, thanh long ruột đỏ... Có được thành quả ấy là nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của địa phương và sức bật từ chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thật vậy, ngay những ngày đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ và chính quyền xã Yên Bình đã ban hành Nghị quyết chuyên đề xây dựng nông thôn mới, thành lập Ban chỉ đạo xã, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên xuống cơ sở phối hợp với thôn tuyên truyền, vận động nhân dân triển khai thực hiện đúng theo thời gian đã đăng ký. Phải nói rằng, khi bắt đầu triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, Yên Bình gặp không ít khó khăn bởi xuất phát điểm thấp, trình độ dân trí không đồng đều, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao... Trước thực tế đó, trên cơ sở phân tích những khó khăn và các lợi thế của địa phương, Đảng bộ, chính quyền xã đã xây dựng lộ trình thực hiện, đề ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thực hiện hiệu quả chương trình ý nghĩa này.

Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Giáp Dần chia sẻ: Tinh thần sáng tạo trong tổ chức, thực hiện là một trong những yếu tố mang lại kết quả cho chương trình. Trong đó, không thể không nói đến việc tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy nội lực, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn vốn từ Trung ương, thành phố và huyện trong xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế. Sau 10 năm thực hiện chương trình, xã đã huy động các doanh nghiệp và nhân dân đóng góp được trên 9 tỷ đồng, hiến trên 17.000m2 đất và trên 4.200 ngày công để tu sửa, mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, nhà văn hóa các thôn. Trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa, trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn đã được đầu tư xây dựng khang trang sạch đẹp với tổng kinh phí đầu tư trên 200 tỷ đồng. Kinh tế phát triển rõ rệt với tốc độ tăng trưởng 14% năm 2020 (năm 2010 mới đạt 6,8%), thu nhập bình quân đạt 53 triệu đồng/người/năm, thu nhập trên 1ha canh tác đạt hơn 190 triệu đồng/năm.

Đắp bồi đời sống

Song song với phát triển kinh tế, Yên Bình còn chú trọng xóa đói, giảm nghèo bằng cách đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn, giống, khoa học - kỹ thuật, phương tiện sản xuất, góp phần tạo điều kiện để các hộ nghèo phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu bền vững. Từ khi về với Thủ đô, xã đã mở được 46 lớp dạy nghề, giải quyết việc làm cho 726 người trong độ tuổi lao động, tặng 19 con bò sinh sản, sửa 4 nhà xuống cấp cho hộ nghèo. Trong sản xuất kinh tế, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho năng suất và thu nhập cao như: Mô hình chuyển đổi 25ha rừng tạp sang trồng rừng sinh thái; mô hình trồng hoa cao cấp tại thôn Dân Lập, mô hình nuôi gà thả vườn kết hợp với trồng thảo dược... Số hộ thoát nghèo ở Yên Bình ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo vì thế giảm dần. Nếu năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo ở Yên Bình là 14,6% thì tới năm 2020 chỉ còn 0,7%...

Đổi mới thấy rõ ở Yên Bình là những hộ thoát nghèo đang nỗ lực tiếp tục vươn lên, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Không giấu được niềm vui, anh Nguyễn Văn Thịnh người dân tộc Mường, khoe: Khi xã Yên Bình mới được sáp nhập về với Hà Nội, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Nhờ được nhận bò sinh sản theo chương trình hỗ trợ hộ nghèo của Mặt trận Tổ quốc huyện, sự quan tâm của chính quyền địa phương cùng các đoàn thể, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo và nay trở thành hộ có thu nhập khá.

Trưởng thôn 3 Bùi Văn Kết, người dân tộc Mường, cho biết: Chương trình xây dựng nông thôn mới được Đảng ủy, chính quyền xã đặc biệt quan tâm chỉ đạo đội ngũ cán bộ cơ sở chung tay đóng góp tiền (năm 2020, nhân dân ủng hộ 137 triệu đồng xây dựng nông thôn mới), hàng trăm ngày công lao động và cả hiến đất để mở rộng đường làng ngõ xóm, lãnh đạo các thôn xóm vận động nhân dân xây kè vỉa hè, trồng hoa cho môi trường xanh - sạch - đẹp. Xã có 10/10 thôn đạt danh hiệu “Làng văn hóa” cấp huyện, 95% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa”; Trung tâm văn hóa - thể thao xã được xây dựng đạt chuẩn, là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục - thể thao, mang lại không khí gắn kết, phấn khởi cho người dân.

Không chỉ vậy, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Mường cũng được quan tâm. Thực tế cho thấy một bộ phận phụ nữ Mường không còn chuộng mặc trang phục truyền thống, thời gian dành cho phát triển kinh tế nhiều cũng khiến người Mường lãng quên cồng chiêng... Bởi vậy, các nhà quản lý cấp xã và cấp huyện đã tìm đường, mở lối khơi mạch nguồn văn hóa. Ông Đinh Như Môn (dân tộc Mường) chia sẻ: Chương trình Nông thôn mới đã đem lại một luồng sinh khí mới cho dân bản Mường. Văn hóa Mường đã được bà con chú ý khôi phục và duy trì, việc bảo tồn và phát huy giá trị trang phục và ẩm thực dân tộc, lễ hội cồng chiêng... được quan tâm nhiều hơn. Đặc biệt, lãnh đạo xã đã định hướng cán bộ cơ sở động viên người cao tuổi phối hợp với nhà trường trên địa bàn xã tổ chức dạy tiếng Mường cho các em học sinh vào ngày cuối tuần. 

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết thêm: Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, huyện xác định văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường cần phải được bảo tồn, phát triển. Chính vì thế, huyện đã mua tặng 3 xã, mỗi xã 1 bộ cồng chiêng. Được chính quyền các cấp của Hà Nội quan tâm, đầu tư, đời sống đồng bào Mường nơi đây ngày càng được cải thiện, bà con nhận thức rõ rằng các giá trị văn hóa truyền thống cần được gìn giữ. Nhờ được khơi nguồn văn hóa truyền thống mà giờ đây phụ nữ Mường lại muốn mặc trang phục dân tộc, biết đánh cồng chiêng và cất lời ca, tiếng hát thắm đượm tình yêu quê hương... Yên Bình có 10 thôn nhưng có tới 13 bộ cồng chiêng, mỗi thôn đều có một đội cồng chiêng thường xuyên luyện tập, giao lưu với nhau và với các đội cồng chiêng ở những xã, huyện khác.

Yên Bình ngày nay đã có nhiều tuyến đường lớn trải nhựa, tạo thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế. Ven đường, trước cổng nhà của nhiều hộ dân có những vạt hoa rực rỡ khoe sắc thắm. Mỗi chiều, người dân Yên Bình dành chút thời gian để chăm sóc, tưới hoa, tô đẹp thêm cho vùng quê yên bình. 

“Hiệu quả từ các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội dành cho vùng dân tộc, miền núi ở Thủ đô cùng kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới là nhân tố cơ bản thúc đẩy phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc xã Yên Bình chúng tôi” -  bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch HĐND xã Yên Bình khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cho bản Mường ngày càng yên vui