Nhiều giải pháp hỗ trợ làng nghề ở Thường Tín

Nguyễn Mai| 12/03/2021 07:17

(HNM) - Những năm qua, các làng nghề truyền thống của huyện Thường Tín đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của huyện nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung. Song, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động của các làng nghề trên địa bàn gặp không ít khó khăn. Huyện Thường Tín đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ làng nghề phát triển gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Các sản phẩm sơn mài đặc sắc của làng nghề Hạ Thái, xã Duyên Thái (huyện Thường Tín).

Khó khăn trong khâu tìm đầu ra cho sản phẩm

Toàn huyện Thường Tín có 126 làng nghề, trong đó có 1 làng nghề tiêu biểu cấp thành phố là làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái) và 48 làng nghề truyền thống đã được thành phố công nhận. Trong đó có nhiều làng nghề nổi tiếng như: Mây tre đan Ninh Sở, điêu khắc Hiền Giang, tiện Nhị Khê... Trước những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường trong thời kỳ hội nhập, nghệ nhân các làng nghề đã sáng tạo ra nhiều mặt hàng mới và áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Theo đó, một số sản phẩm làng nghề của Thường Tín đã xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Mỹ, Trung Quốc...

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Uông Thị Phượng cho biết, huyện có 16.000 cơ sở sản xuất và hàng trăm doanh nghiệp tư nhân với khoảng 40.000 lao động hoạt động trong lĩnh vực nghề truyền thống. Các hoạt động làng nghề mang lại thu nhập 4-10 triệu đồng/người/ tháng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế địa phương và bảo đảm an sinh xã hội...

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số làng nghề trên địa bàn huyện Thường Tín đang gặp nhiều khó khăn, nhất là làng nghề sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. Theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề sơn mài Hạ Thái Nguyễn Thị Hồi, sản phẩm sơn mài chủ yếu phục vụ xuất khẩu nhưng từ năm 2020 đến nay do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 nên gặp rất nhiều khó khăn, sản xuất đình trệ. “Để hỗ trợ các hộ, cơ sở, doanh nghiệp phát triển nghề truyền thống trên địa bàn, chúng tôi mong muốn thành phố và huyện mở các hội chợ giới thiệu, quảng bá nhằm đẩy mạnh xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm...”, bà Nguyễn Thị Hồi kiến nghị.

Không chỉ vậy, các sản phẩm thường tiêu thụ trong nước của làng nghề thêu truyền thống xã Thắng Lợi cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ông Lê Văn Nguyên, chủ cơ sở thêu tay Xuân Nguyên cho biết, doanh số bán hàng gần đây rất thấp bởi sản phẩm thêu không phải là hàng thiết yếu, khi kinh tế khó khăn người dân sẽ cân nhắc kỹ trước khi mua sắm. Ngày công của mỗi thợ thêu thời điểm này chỉ đạt 150.000-200.000 đồng, thấp hơn so với mặt bằng chung trong huyện.

Tiếp sức cho làng nghề vượt khó

Để chung tay, giúp sức cho các làng nghề vượt qua khó khăn, huyện Thường Tín đã và đang huy động nhiều nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, huyện đã hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các nghề: Sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái), thêu Thường Tín và chăn, ga, gối đệm Trát Cầu (xã Tiền Phong).

Sở Công Thương Hà Nội cũng đã hỗ trợ xây dựng 6 thương hiệu làng nghề: Đồ gỗ cao cấp Vạn Điểm (xã Vạn Điểm), điêu khắc Nhân Hiền (xã Hiền Giang), lưới cá Trần Phú (xã Minh Cường), hoa cây cảnh Hồng Vân, hoa cây cảnh Nội Thôn (xã Vân Tảo) và mộc mỹ nghệ Phúc Trạch (xã Thống Nhất).

Song song đó, huyện Thường Tín cũng đã phối hợp với các xã, hiệp hội làng nghề triển khai nhiều hoạt động mang tính dài hạn hỗ trợ hộ dân, cơ sở sản xuất, như: Xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực quản lý, đầu tư thiết kế mẫu; chuẩn bị các điều kiện khôi phục sản xuất…

Theo bà Uông Thị Phượng, năm 2021, huyện Thường Tín sẽ tổ chức 24 lớp khuyến công bằng nguồn kinh phí của huyện để đào tạo, nâng cao tay nghề cho 800 lao động địa phương; đồng thời, tổ chức hội thi tay nghề và sản phẩm công nghiệp giúp các nghệ nhân có thêm "sân chơi", tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Còn Chủ tịch UBND xã Hòa Bình (huyện Thường Tín) Hoàng Văn Thắng thông tin: "Để hỗ trợ làng nghề truyền thống trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn, xã khuyến khích hộ dân làng nghề chuyển từ sản xuất các sản phẩm xuất khẩu sang các sản phẩm tiêu thụ nội địa như đũa, kệ để đũa... và đẩy mạnh quảng bá, bán hàng trực tuyến".

Về lâu dài, Thường Tín đặt mục tiêu phát triển kinh tế làng nghề theo hướng thân thiện với môi trường, khai thác hiệu quả du lịch làng nghề gắn với truyền thống văn hóa, khoa bảng của địa phương. Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho biết, huyện sẽ đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề cho người dân; đồng thời tạo điều kiện về xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nhằm phát huy các thương hiệu sản phẩm đã có; ưu tiên xây dựng thương hiệu tập thể cho một số làng nghề; đồng thời gắn phát triển kinh tế làng nghề với Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP của huyện.

Bên cạnh nỗ lực của địa phương, huyện Thường Tín mong được thành phố hỗ trợ tổ chức các hội chợ; đưa công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất; xây dựng nhãn hiệu tập thể... để các làng nghề trên địa bàn huyện nhanh chóng phục hồi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều giải pháp hỗ trợ làng nghề ở Thường Tín