Ðộc đáo phiên chợ gà đầu xuân

Bài: Đăng Phú - Ảnh: Nguyễn Thắm| 11/02/2021 07:53

(HNNN) - Về thăm xã Canh Nậu (huyện Thạch Thất, Hà Nội) vào ngày mùng 6 tháng Giêng, du khách sẽ được tham dự chợ gà độc đáo mỗi năm chỉ họp một phiên duy nhất. Những du khách lưu lại đến ngày hôm sau sẽ được dân làng mời dự “Tết gà”, một sinh hoạt văn hóa riêng có ở nơi đây.

Gà bán tại chợ luôn khỏe mạnh và có chất lượng tốt nhất.

Từ trong truyền thống

Xã Canh Nậu nằm ở phía nam huyện Thạch Thất, có diện tích 5,06km², chia thành 4 thôn, tổng dân số trên 16.000 người, đông dân thứ hai ở huyện.

Tên gọi các xóm cho thấy Canh Nậu là vùng đất cổ. Những cái tên như xóm Tây Thượng, xóm Tây Hạ, xóm Núi Trong, xóm Chiền, xóm Nội Ngòi... vẫn giữ nguyên như từ mấy trăm năm trước. Theo ông Nguyễn Kiến, hội viên Câu lạc bộ Văn nghệ sĩ xứ Đoài, làng Canh Nậu xưa có tên Nôm là kẻ Núc, về sau gọi là Canh Nậu, là một làng thuần nông đúng nghĩa. Từ giữa thế kỷ XIX, làng mới có thêm nghề mộc, làm các dụng cụ phục vụ nhà nông, sau mở rộng làm đồ gỗ dân dụng, đồ thờ, đồ gỗ mỹ nghệ... và có thêm nhiều nghề khác.

Trong số các tập tục lâu đời tại xã Canh Nậu còn lưu truyền đến nay, độc đáo nhất là “Tết gà” được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Để phục vụ cho ngày “Tết gà”, người làng tổ chức hẳn một phiên chợ gà tại làng vào ngày mùng 6 tháng Giêng.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Kiến, chợ Gà ở Canh Nậu họp rất sớm, từ khoảng cuối giờ Dần (5h), cho đến đầu giờ Ngọ (11h) là đã vãn. Chợ đông nhất vào quãng từ 7 - 8h. Ai cũng muốn lựa chọn thoải mái để có được những con gà vừa đẹp mã vừa ngon thịt để hôm sau làm lễ dâng cúng tổ tiên thụ hưởng, phù hộ cho con cháu luôn được may mắn, có sức khỏe và làm ăn thuận lợi. Du khách ghé chơi chợ cảm thấy vui tai khi được nghe tiếng địa phương Thạch Thất ra giá và “đánh bóng” gà của người bán gà, rồi tiếng trả giá của người mua. “Lời qua tiếng lại” có thể kéo dài mươi phút nhưng tuyệt nhiên không có ai gắt gỏng, tất cả đều vui vẻ. Thực chất, việc ra giá hay trả giá là theo “tục” chợ quê, còn gà đem bán tại chợ luôn là những con gà khỏe mạnh và có chất lượng tốt nhất mà người bán đã chọn lựa kỹ càng trước khi mang vào chợ. “Chợ gà bán đắt, mua may” là vì thế. “Đắt” là đắt hàng, bán “chạy” chứ không phải là đắt giá, còn “mua may” là mua được gà như ý để làm lễ cúng ngày Tết.

Sang ngày mùng 7, từ sáng mọi nhà đã tất bật chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên và món thịt gà được coi là trung tâm với chú gà trống thờ được luộc chín vàng, đầu ngẩng cao, miệng ngậm bông hoa trang trí, trông rất đẹp.

Phát huy nét đẹp văn hóa trong thời đại mới

Chăn nuôi gà thịt.

Ông Nguyễn Thế Hùng, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, nhận định: Phiên chợ gà ngày mùng 6 và “Tết gà” ngày mùng 7 tháng Giêng hằng năm là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân xã Canh Nậu, từ lâu đã lan tỏa khắp vùng. Vì thế, chợ gà Canh Nậu có rất nhiều người từ các xã lân cận đến mua hàng vào ngày mùng 6. Còn việc dâng mâm cơm cúng trong ngày “Tết gà” mùng 7 tháng Giêng ở Canh Nậu nhằm thể hiện lòng hiếu kính, biết ơn tổ tiên đã sinh thành, dưỡng dục các thế hệ cháu con; cùng với đó là thể hiện lòng biết ơn các vị thần thánh, các đấng bề trên đã luôn phù trợ, che chở cho mọi người trong gia đình được khỏe mạnh và làm ăn may mắn. Trong bài cúng có lời mời ông bà về nhà, cùng con cháu vui đón Tết, xuân và ngự ở ngôi cao để thưởng thức các món ăn ngày Tết gồm xôi, cơm trắng, giò, thịt gà luộc, bánh chưng, canh, nem, rượu... Sau khi cúng xong, hương trên ban thờ đã cháy hết thì cả nhà hạ cỗ và thụ hưởng lộc mà tổ tiên ban cho.

Lý giải sâu hơn về ý nghĩa “Tết gà” ở Canh Nậu, ông Nguyễn Kiến cho rằng đây là một hiện tượng văn hóa bắt nguồn từ quan niệm truyền thống về vai trò của con gà trong đời sống cư dân nông nghiệp nói chung mà người dân Canh Nậu đã “đẩy” lên thành một tập tục đẹp. Với người nông dân, gà là một giống vật nuôi gần gũi và thân thiết nhất từ xa xưa. Trong quan niệm của người Việt, trong một con gà trống khỏe mạnh hội đủ 5 đức tính tốt của người quân tử là “văn, võ, dũng, nhân, tín” nên gà trống trở thành vật cúng tế cổ truyền. Việc người dân Canh Nậu tổ chức “Tết gà” cũng nằm trong trường nghĩa đó và là một nét đẹp văn hóa truyền thống cần tiếp tục được bảo tồn và phát huy trong thời đại mới.

Mấy chục năm trở lại đây, ngoài chợ gà, “Tết gà” truyền thống thì ở Canh Nậu, nhiều hộ dân đã tổ chức chăn nuôi gà với quy mô lớn, có cả những trang trại chuyên chăn nuôi gà, bán thịt gà thương phẩm trên thị trường rộng lớn. Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của quê hương, người chăn nuôi gà ở Canh Nậu luôn bảo đảm quy trình chăn nuôi khoa học để có sản phẩm đầu ra là gà sạch và ngon, lại có thể đáp ứng yêu cầu, thị hiếu đa dạng về chủng loại gà, cân nặng, số lượng... từ phía khách hàng. Vì thế, gà Canh Nậu được khách hàng tín nhiệm. Theo thương nhân Nguyễn Văn Tiến ở Cụm công nghiệp Canh Nậu, nguồn gốc gà thịt bán trong phiên chợ gà đầu năm hay bán đại trà trong năm đều có nguồn gốc rõ ràng từ các hộ gia đình và các trang trại, được nuôi với quy trình chuẩn, thực đơn khoa học nên bảo đảm cả yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm. Để vươn ra thị trường rộng lớn hơn, một số chủ kinh doanh còn lập trang web bán hàng và tổ chức ship hàng cho khách trong thời gian ngắn nhất.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, chợ gà, “Tết gà” ở xã Canh Nậu là một nét đẹp văn hóa, được nhân dân truyền đời lưu giữ và được địa phương cổ vũ, động viên, tạo điều kiện để tiếp tục phát huy giá trị trong thời đại mới. Tuy nhiên, Canh Nậu cần có giải pháp đúng, cách làm hay để lan tỏa nét đẹp văn hóa đó ra cộng đồng. Một trong những việc cần và có thể làm ngay là thực hiện lồng ghép nội dung giới thiệu chợ gà, “Tết gà” vào việc quảng bá, giới thiệu các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể nói chung ở địa phương để thu hút du khách đến chiêm ngưỡng những dấu ấn lịch sử - văn hóa, hưởng thụ và trải nghiệm một không gian làng quê yên bình, nhân văn... Đó sẽ là một cách làm hay và hiệu quả, thiết thực đóng góp cho nguồn lực phát triển du lịch ở vùng đất phía tây của Thủ đô Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðộc đáo phiên chợ gà đầu xuân