Xuân no ấm trên các miền quê

Nguyễn Mai| 06/02/2021 06:22

(HNM) - Xuân ấm áp đang khoác lên nhiều làng quê những tấm áo mới. Năm nay, nhiều xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, làng xóm khang trang hơn, đời sống ổn định, sung túc hơn nên đón Xuân Tân Sửu 2021, nông dân Thủ đô vui hơn, với nhiều kỳ vọng mới...

Đồng bào dân tộc Mường ở thôn Đồng Bèn, xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) phát triển chăn nuôi gà thả vườn. Ảnh: Mạnh Dũng

Mùa xuân kết trái, đơm hoa

Những ngày cuối cùng của năm Canh Tý, đến với các làng quê nông thôn mới Hà Nội, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, đâu đâu cũng náo nức không khí đón xuân.

Những ngày cận Tết, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) rực rỡ sắc hoa. Vườn cây cảnh của gia đình ông Vũ Văn Úy (thôn Cơ Giáo), có hàng trăm cây được cắt tỉa một cách nghệ thuật. Vừa trồng, bán cây cảnh, vừa đón khách du lịch tới tham quan, mô hình này đem lại nguồn thu ngày một cao cho gia đình và quy mô của vườn cây cũng ngày càng được mở rộng.

Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng nói với chúng tôi: “Hoa và cây cảnh không chỉ làm đẹp làng quê mà còn là “cần câu” để người dân phát triển du lịch sinh thái, đón khách về tham quan, trải nghiệm…”. Hơn chục năm nay, Hồng Vân đã chuyển dần từ phát triển nông nghiệp sang du lịch, dịch vụ. Mỗi năm, xã đón khoảng 7 vạn lượt khách du lịch, doanh thu từ hoạt động này đạt hơn 10 tỷ đồng. Đời sống người dân ngày một khấm khá hơn... Xã Hồng Vân đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và đang xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu mang đặc trưng riêng của Hà Nội.

Cũng vào những ngày này, nông dân vùng đất Đan Phượng “quê hương người gái đảm” tất bật, bận bịu hơn nhưng trên mỗi gương mặt đều hiện rõ niềm hạnh phúc. Con đường nội đồng trải bê tông thẳng tắp dẫn ra những vườn rau được canh tác theo hướng hoàn toàn.

Bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất rau hữu cơ Cuối Quý (xã Đan Phượng) nói với phóng viên Báo Hànộimới: “Giờ đây, chúng tôi không phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, “cày sâu, cuốc bẫm” bởi đã có máy móc hỗ trợ. Rau trồng trong nhà kính, làm đất, gieo hạt xong là đóng cửa, hệ thống tưới tự động thay con người chăm sóc rau, đến ngày thì mở ra thu hoạch. Nhà kính kín ngăn côn trùng xâm nhập, giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc... Mỗi năm, hợp tác xã quay vòng 10 vụ rau ăn lá, thu về khoảng 200 triệu đồng/sào/năm, cao gấp nhiều lần so với canh tác các loại rau truyền thống”.

Rõ ràng, tư duy mới, cách làm mới, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất là những đột phá trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Cùng với đó là việc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), khi hơn một nghìn sản phẩm nông nghiệp, làng nghề (được UBND thành phố công nhận) đã mở ra hướng phát triển kinh tế nông thôn bền vững hơn. Đây cũng là thành công đáng ghi nhận của nông nghiệp Thủ đô trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, sản phẩm của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã được hỗ trợ, chuẩn hóa. Sản phẩm OCOP của Hà Nội được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng với “tư cách” là sản phẩm của người Việt, mang thương hiệu Việt, chứa đựng bản sắc Việt... có chất lượng cao và hệ thống quản lý, giám sát chặt chẽ...

Nông thôn mới, sinh khí mới

Công cuộc xây dựng nông thôn mới đã thổi luồng sinh khí mới, tạo nên gương mặt mới cho các miền quê Hà Nội.

Nhiều năm tha phương, trở lại quê hương trong dịp Tết đến, Xuân về, ông Đoàn Văn Tá ở thôn Bảo Lộc, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ xúc động trước sự đổi thay mạnh mẽ của làng quê. Những con đường thênh thang kết nối các thôn xóm; những nhà cao, cửa rộng "mọc" lên ngày một nhiều. Ở nông thôn nhưng một số gia đình đã có ô tô và các đồ dùng sinh hoạt tiện nghi, hiện đại...

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn, 100% thôn, làng trên địa bàn huyện đều có nhà văn hóa, nhà hội họp khang trang. Làng quê sạch đẹp hơn từ các phong trào toàn dân bảo vệ môi trường, bảo đảm trật tự an toàn giao thông... Nhiều con đường trục chính, khu trung tâm của các xã và thị trấn được phủ xanh bằng cây bóng mát và hoa. Như, xã Hiệp Thuận xây dựng vườn hoa rộng 800m2; xã Hát Môn có tuyến đường du lịch trồng hoa ngũ sắc…; chưa kể tuyến đường bích họa từ cầu Phùng đến đê cấp 2 Ngọc Tảo chiều dài 2.200m...

Những ngày giáp Tết, mỗi người đều tất bật với công việc của gia đình, của cộng đồng để chào đón một mùa xuân mới đem theo nhiều niềm tin, hy vọng… Nhà nhà dọn dẹp, trang hoàng, đường làng ngõ xóm rộn ràng cờ hoa, không khí Tết căng tràn trên mỗi miền quê Hà Nội. 

Ở xã Cổ Loa (huyện Đông Anh), những phong tục, tập quán đẹp đã được bảo tồn lưu giữ và phát huy trong đời sống cộng đồng. Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Kim Nhật chia sẻ: “Mỗi dịp Tết đến, xã dựng cây đu và mở hội thi bắn nỏ theo phong tục truyền thống. Sớm mùng Hai Tết, những hộ làm bún ở thôn Mạch Tràng sẽ “mở hàng” những mẻ bún đầu tiên trong năm Tân Sửu. Bún xào rau cần là món ăn thân thuộc của người dân nơi đây trong những ngày Tết đến, Xuân về. Chúng tôi quyết tâm giữ những nét đẹp truyền thống trong xây dựng nông thôn mới để quê hương phát triển hiện đại nhưng không mất đi bản sắc văn hóa riêng có của vùng đất kinh đô cổ”.

Trong câu chuyện bên thềm năm mới, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho chúng tôi biết thêm, trong giai đoạn 2021-2025, huyện sẽ triển khai 94 dự án cải tạo, nâng cấp, xây mới đường giao thông trên địa bàn với kinh phí 2.842 tỷ đồng. Cùng với việc đầu tư xây dựng 6 sân chơi thể thao, sân vận động tại các xã Đại Đồng, Dị Nậu, Thạch Hòa, Yên Bình, Yên Trung và thị trấn Liên Quan với tổng kinh phí 195 tỷ đồng, Thạch Thất tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch và triển khai xây dựng nhà văn hóa trung tâm tại 19 xã với tổng kinh phí 492 tỷ đồng... Tất cả nhằm nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho người dân...

Để đẩy mạnh phát triển “tam nông”, tạo nguồn lực mới, sức sống mới cho các miền quê Hà Nội trong thời gian tới, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: “Thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; phát triển nông nghiệp hữu cơ để khai thác lợi thế thị trường tiêu thụ rộng lớn với hơn 8 triệu dân và hàng triệu khách du lịch mỗi năm. Với Chương trình xây dựng nông thôn mới, Hà Nội sẽ hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở 100% số xã (382 xã) ngay trong năm 2021 và tiếp tục thúc đẩy xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, từ đó nâng cao đời sống tinh thần cho người dân - những chủ nhân của nông thôn mới Thủ đô…”.

Hơi ấm mùa xuân đã len lỏi đến từng ngôi nhà, từng thôn xóm, làng quê, đọng niềm vui trên gương mặt mỗi người. Xuân mới đang về cũng mang theo những dự định mới, kỳ vọng mới về công cuộc đổi mới nông thôn để các miền quê Hà Nội ngày càng trù phú, thật sự là những không gian văn hóa, là nơi đáng sống của mỗi người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuân no ấm trên các miền quê