Trát Cầu ngày mới

Thùy Liên| 16/01/2021 11:22

(HNNN) - Từ chỗ “sống được” nhờ nghề bật bông truyền thống, sau khi mở rộng sản xuất chăn, ga, gối, đệm..., 90% số hộ gia đình ở làng Trát Cầu (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội) đã “sống khỏe”, có nhiều hộ giàu lên. Sản phẩm làng nghề đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong nước và ở Lào, Campuchia. Thương hiệu làng nghề Trát Cầu đã khẳng định được vị thế trên thị trường rộng lớn.

Sản phẩm đa dạng của cơ sở sản xuất Mai Hương.

Làng nghề trăm tuổi

Những ngày giáp Tết Tân Sửu 2021, lưu lượng người, phương tiện đi, đến Trát Cầu tăng cao. Trưởng cụm dân cư Đội 6 Phạm Văn Sáng dẫn tôi đi thăm các cơ sở sản xuất trên địa bàn. Chỉ hai năm nữa là “bách tuế” nhưng cụ Nguyễn Cao Bìm, người thợ bật bông giàu kinh nghiệm vẫn rất minh mẫn.

Theo cụ Bìm, từ hàng trăm năm trước, nhiều người dân Trát Cầu đã rong ruổi tứ xứ, mưu sinh bằng nghề bật bông. Họ quan niệm: “Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay”; việc ruộng vườn chỉ theo mùa vụ, thời gian còn lại là “đi lấy tiền thiên hạ”. Có thể đi một mình, nhưng thường đi hai người để làm nhanh hơn. Dụng cụ thì chỉ cần một cây sa cán và dây cung, một ít vải xô để làm vỏ bao ngoài, tạo hình ruột chăn bông và kim chỉ để cố định bông trong ruột chăn không bị xô lệch. Họ vừa đi vừa rao: “Bật bông đê!”, nhà nào có ruột chăn bông dùng lâu đã bị xẹp, giữ nhiệt kém thì gọi thợ vào giúp bật lại cho ruột bông tơi xốp, khi đắp chăn sẽ giữ ấm tốt hơn. Ban đầu chỉ đi bộ, sau này là xe đạp, người làng có mặt khắp mọi miền, đáp ứng nhu cầu tại chỗ của khách hàng nên rất được tín nhiệm, làm không hết việc.

Nói là làm nghề bật bông nhưng người làng Trát Cầu xưa chủ yếu làm chăn, gối bông, việc bật bông chỉ là giúp khách hàng tái sử dụng sản phẩm mà thợ làng đã sản xuất và bán ra trước đó. Cụ Bìm cho biết: Muốn làm được những chiếc chăn bông siêu bền thì phải tuân thủ 20 công đoạn hoàn toàn thủ công, mất rất nhiều thời gian và công sức. Trước tiên là dùng loại máy thô sơ để tách hạt và hoa bông, rồi dùng dây cung bật để đám bông tơi trở thành những tựa bông dài. Tiếp đó, dùng cung “lải” (cán lướt, căn ke) để hình thành khuôn khổ mặt chăn và mỗi chiều làm dư 20 phân làm bìa gấp. Sau đó, “teng” (là, lướt) nhẹ trên mặt chăn sao cho lớp lông tơ mịn mà vẫn xốp. Đến khâu dùng sợi để mạng chăn thành 4 cấp thì chỉ những thợ lành nghề mới làm được.

Các khâu sau đó cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Thợ dùng bàn xoa bằng gỗ là lướt nhẹ cả hai mặt để ngọn bông quyện với sợi mạng, sau đó lồng ruột chăn vào vỏ bằng vải hoặc sa tanh. Kết thúc là khâu “chần” (khâu thưa mũi) xuyên qua hai lớp vỏ chăn. Sau khoảng chục năm, nếu bông trong ruột chăn bị xẹp, giữ ấm kém thì khách hàng lại gọi thợ Trát Cầu đến bật lại tại nhà.

Cuối câu chuyện, cụ Bìm cho biết người nông dân Trát Cầu từ chỗ làm thợ thủ công đã biết tận dụng, hồi sinh và cải tiến những máy dệt của Nhật để lại sau năm 1945 thành máy làm chăn gối. Không chỉ phục vụ nhu cầu dân sinh, thợ làng còn được tín nhiệm giao nhiệm vụ sản xuất quân trang (áo bông, chăn bông) cho bộ đội ta trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trước đây. Chỉ vào ông Phạm Văn Sáng, cụ Bìm cười rất vui: “Mừng nhất là làng có những thế hệ tiếp nối và vươn cao như thế này. Truyền thống không mất mà còn được kết hợp với công nghệ cao để làng nghề ngày càng phát triển”.

Máy thêu tự động 20 đầu kim của cơ sở sản xuất Hoành Diễn.

Bắt mạch thị trường

Bước vào thời kỳ hội nhập, không ít làng nghề truyền thống lao đao, mai một, thậm chí mất dấu trên thị trường. Để tồn tại và phát triển, Trát Cầu đã nhanh chóng cập nhật tiến bộ khoa học công nghệ và mở rộng ngành hàng sản xuất. Từ chỗ chỉ bật bông, làm chăn, gối hoàn toàn bằng phương pháp thủ công..., các hộ đã tiếp thu kỹ thuật mới và mạnh dạn đầu tư nhiều loại máy móc phục vụ  sản xuất.

Ghé thăm gian hàng Chính Loan ở Đội 6, chúng tôi được chủ cơ sở sản xuất giới thiệu rất nhiều loại sản phẩm, ngoài chăn, ga, gối, đệm còn có thú nhồi bông, khăn, đồ lưu niệm... Chị Loan tự tin khẳng định: Nhờ có máy móc hiện đại nên các loại sản phẩm của làng nghề đã đạt độ tinh xảo, có thể sánh ngang với hàng ngoại cùng loại và thỏa mãn cả những khách hàng khó tính nhất. Điều này đã được chính khách hàng thừa nhận.

Đội 6 của ông Phạm Văn Sáng có 387 hộ với 2.100 nhân khẩu, 100% số hộ làm nghề, doanh thu năm 2020 đạt 600 - 700 tỷ đồng. Doanh thu bình quân mỗi hộ sản xuất quy mô nhỏ trong năm 2020 ước đạt 200 triệu đồng, hộ sản xuất quy mô trung bình đạt trên dưới 1 tỷ đồng, hộ sản xuất quy mô lớn có doanh thu cả chục tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 40 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Hưng Kha, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, hiện nay làng Trát Cầu có trên 1.200 hộ với gần 6.000 nhân khẩu thì có trên 90% số hộ tham gia làm nghề, trên 90% lao động có việc làm thường xuyên. Hầu như hộ nào cũng có máy cán bông và cào bông. Đón bắt xu thế phát triển và thị hiếu khách hàng, từ chỗ chỉ có một vài hộ đầu tư công nghệ thiết kế mẫu trên máy vi tính ở thời điểm 20 năm trước, đến nay đã có gần 100 hộ có máy thiết kế mẫu mã, máy dệt vải và in, phun, thêu trên vải... Có hộ đầu tư cả chục tỷ đồng mua sắm dây chuyền công nghệ mới, mỗi ngày xuất hàng trăm đệm, chăn, ga, gối. Đơn cử mặt hàng “ăn” nhất là đệm, có đủ loại sản phẩm cho khách hàng lựa chọn: Loại đệm xốp có giá chỉ 200 nghìn - 400 nghìn đồng, loại đệm bông trung bình có giá trên dưới 1 triệu đồng, đệm bông cao cấp nhất giá trên 2 triệu đồng. Có hộ gia đình một ngày xuất hàng trăm bộ đệm, chưa kể tiền bán các mặt hàng khác thì đã có doanh thu rất “khủng”.

Từ nhiều năm qua, sản phẩm của làng nghề Trát Cầu đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong nước và ở Lào, Campuchia. Thương hiệu làng nghề Trát Cầu đã khẳng định vị thế trên thị trường rộng lớn. Ngoài hàng trăm hộ sản xuất theo quy mô gia đình thì đã có trên 50 cơ sở sản xuất hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hưng Kha cho biết: Ngoài việc khuyến khích tinh thần nỗ lực tự thân của các cơ sở sản xuất, UBND xã tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để các hộ dân vay vốn đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ hiện đại để vừa mở rộng sản xuất vừa nâng cao chất lượng sản phẩm. Năm 2021, xã đặt chỉ tiêu phấn đấu thu nhập bình quân đạt 53 triệu đồng/người và tin tưởng có thể đạt được mục tiêu đó.

Nói về những băn khoăn, trăn trở trước yêu cầu phát triển làng nghề, ông Nguyễn Hưng Kha bộc bạch: Có 3 vấn đề chính. Thứ nhất, chính quyền xã và người dân Trát Cầu mong được các cấp phê duyệt mở rộng thêm quy mô, mặt bằng sản xuất của làng nghề. Thứ hai, bảo vệ tốt hơn môi trường làng nghề. Thứ ba là làm sao để có thương hiệu thuần Việt. Bởi hiện vẫn có những cơ sở sản xuất mang tên “lai” như Pusanvi, Handada, Sinhcohan, Vicohan, Kosamy..., nếu đổi tên khác thì ảnh hưởng thế nào đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm? Giải pháp hợp lý nhất là khuyến khích các doanh nghiệp thành lập tới đây mang tên thuần Việt; còn các cơ sở đã ổn định sản xuất với nhãn hiệu hàng hóa đã đăng ký thì tiếp tục mang tên cũ.

Theo ông Kha, vấn đề lớn nhất vẫn là tạo ra mẫu mã mới và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Ông Kha nhấn mạnh: Chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền cho nhân dân hiểu và cùng chung tay xây dựng làng nghề phát triển vững vàng, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân cả về vật chất lẫn tinh thần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trát Cầu ngày mới