Hiệu quả từ trồng hoa mai trắng ở Tản Lĩnh

Ánh Dương| 15/01/2021 07:14

(HNM) - Hợp thổ nhưỡng, khí hậu nên từ khi đưa về trồng trên đất xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì), cây hoa mai trắng giúp nhiều hộ gia đình vùng này có thu nhập từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm. Nhờ vậy, cuộc sống người dân nơi đây ngày càng được nâng cao.

Người dân xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) chăm sóc hoa mai trắng, chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Từ khoảng cuối năm 1998, ông Đỗ Văn Thơ ở thôn An Hòa (xã Tản Lĩnh) đã mạnh dạn đưa cây mai trắng từ tỉnh Nam Định về trồng ở vườn nhà. Ông Thơ cho biết, mai trắng là giống cây rất khó trồng, khó chăm sóc; phải sau 4-5 năm mới cho thu hoạch. Ban đầu, gia đình ông Thơ trồng khoảng 100 gốc. Nhờ sự chăm chút tỉ mỉ, cùng thổ nhưỡng và khí hậu vùng núi Tản phù hợp, vườn mai trắng nhanh chóng bén rễ, tươi tốt...

Sau hơn 4 năm, ông Thơ bắt đầu xuất bán lứa mai đầu tiên. Cũng theo ông Thơ, mai ở độ tuổi từ 7 đến 10 năm đã rất đẹp, nhưng từ 20 năm trở lên thì cây càng quý hiếm, giá trị cao. Mỗi cây mai có giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng; với cây mai thế, lâu năm, giá có thể lên đến 15-20 triệu đồng. Sau hơn 20 năm gắn bó, gia đình ông Thơ đã phát triển diện tích trồng cây hoa mai trắng lên hơn 2ha, mỗi năm xuất bán khoảng 2.000 cây, thu nhập từ 1 đến 2 tỷ đồng/năm.

Từ hiệu quả mô hình trồng mai của gia đình ông Thơ, anh em trong gia đình ông cùng nhiều hộ dân thôn An Hòa cũng học tập, làm theo. Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn An Hòa Nguyễn Đức Tề cho biết, cả thôn có 240 hộ thì hơn 60% số hộ trồng mai trắng, tận dụng từ đất vườn nhà hoặc đất thuê thầu, cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với loại cây khác. Bình quân, các hộ trồng mai có thu nhập từ 300 triệu đồng/năm, cá biệt một số hộ doanh thu từ hơn 1 tỷ đến 2 tỷ đồng/năm. Điển hình là hộ các ông: Đỗ Văn Thơ, Khuất Duy Thế, Đỗ Tuấn Hải, Bùi Văn Hà…

Nhận thấy thế mạnh của loài mai trắng ở An Hòa, nhiều hộ dân ở các thôn: Cẩm Phương, Tam Mỹ, Yên Thành… đã tới học hỏi kinh nghiệm. Ông Đỗ Văn Tuấn ở thôn Hiệu Lực cho biết, đã đến thôn An Hòa làm thuê, học cách trồng và chăm sóc mai. Năm 2007, sau 4 năm tích lũy kinh nghiệm, ông về dỡ bỏ vườn tạp, trồng hơn 1.000 gốc mai trên diện tích gần 4 sào đất. Đến nay, vườn mai của gia đình ông Tuấn đã mở rộng lên 2ha, cho doanh thu khoảng 700 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 4 lao động địa phương với thu nhập 4,5-5 triệu đồng/người/tháng.

Hay như hộ gia đình ông Cao Xuân Tiến ở thôn Hát Giang, trồng mai từ năm 2017 trên diện tích 2 sào đất, nay đã phát triển lên 3 mẫu với hơn 10.000 gốc mai. Ông Tiến cho biết, năm 2021, gia đình sẽ mở rộng diện tích trồng mai lên 5 mẫu. Hiện, gia đình đã đưa hơn 400 cây mai thế lên chậu để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ước thu mỗi cây hơn 1 triệu đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh Nguyễn Thị Kim Yến, hiệu quả kinh tế cao từ mô hình trồng cây mai cảnh, mai thế đã giúp nâng thu nhập bình quân cho người dân toàn xã lên 50 triệu đồng/người/năm, nhiều hộ đã trở thành triệu phú, tỷ phú. Xã cũng đã đưa vào quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây mai cảnh cho hiệu quả kinh tế cao thuộc địa bàn thôn An Hòa và đất xen kẹt ở các thôn khác (tổng diện tích 20ha).

"Nếu quy hoạch này được UBND huyện Ba Vì phê duyệt sẽ góp phần giúp địa phương khai thác, sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp, mang lại thu nhập cao cho nông dân", Phó Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh Nguyễn Thị Kim Yến chia sẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ trồng hoa mai trắng ở Tản Lĩnh