Hiệu quả từ mô hình liên thế hệ tự giúp nhau

Thùy Ngân| 01/01/2021 06:26

(HNM) - Sáng kiến dựa vào cộng đồng để góp phần chăm sóc, phát huy và tận dụng nguồn nhân lực cao tuổi trong giai đoạn già hóa dân số đã hình thành nên những câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau. Chỉ trong 3 năm, Hà Nội đã có 94 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau với hơn 5 nghìn thành viên, đang chứng minh hiệu quả thiết thực góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng văn hóa tương thân tương ái.

Thành viên Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Lầy (xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ) chăm sóc, giúp đỡ bà Đặng Thị Mai.

Nâng cao chất lượng sống

Chuyến đi thực tế đến thôn Lầy, xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ giúp phóng viên Báo Hànộimới hiểu rõ hơn về những hoạt động của các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau. Bà Đặng Thị Dần, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Lầy cho biết, câu lạc bộ được thành lập từ năm 2018 với 50 thành viên, nay đã thu hút được 71 thành viên tham gia thuộc nhiều đối tượng, trong đó phần lớn là người cao tuổi, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn... Không chỉ chăm sóc, giúp người cao tuổi nâng cao tinh thần, câu lạc bộ còn tiến hành các hoạt động chia sẻ, tập huấn các mô hình tốt, chuyển giao khoa học kỹ thuật và cho vay vốn để hội viên phát triển kinh tế.

Trong gian nhà nhỏ ở thôn Lầy, bà Đặng Thị Mai (sinh năm 1953), bị bệnh tim bẩm sinh, tuy sống neo đơn nhưng thường xuyên được các tình nguyện viên câu lạc bộ phân công nhau đến chăm sóc, đỡ đần việc nhà. Bà Mai cho biết, không có con cái, mỗi lần ốm đau bà đều nhờ cậy các tình nguyện viên trong câu lạc bộ chăm sóc. Nhờ đó, cuộc sống của bà đã tốt hơn rất nhiều. Còn bà Đặng Thị Nguyên, 70 tuổi, cũng là thành viên câu lạc bộ lại phấn khởi khoe vườn rau xanh mơn mởn nhờ áp dụng phương pháp chăm sóc bằng chế phẩm trừ sâu tự nhiên. “Trong 3 năm tham gia câu lạc bộ, tôi đã được tiếp cận nhiều kiến thức để áp dụng vào trồng rau sạch. Tôi đã mạnh dạn vay vốn 5 triệu đồng từ quỹ câu lạc bộ để trồng rau sạch và hiện có thu nhập ổn định hơn 6 triệu đồng/tháng.

Một phần không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt định kỳ của Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) là hướng dẫn cách trồng trọt, làm chế phẩm sinh học dùng trong gia đình... Bà Đào Thị Hoa, Chủ nhiệm câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau cho biết, câu lạc bộ của phường Khương Đình là câu lạc bộ đầu tiên của quận Thanh Xuân gồm 52 thành viên, trong đó có 12 thành viên thuộc hộ cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn, với đặc thù là câu lạc bộ ở nội thành nên rất khó làm kinh tế. Tuy nhiên, câu lạc bộ đã linh hoạt, tiếp thu kỹ thuật làm giá đỗ mới nên đã sản xuất hàng tạ giá đỗ sạch mỗi tháng, cung cấp cho bếp ăn trường học, khu chung cư quanh vùng để tăng nguồn thu cho quỹ. Hiện câu lạc bộ tiếp tục nghiên cứu trồng rau mầm và trồng nấm.

Nhiều câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn thành phố đã trở thành “sân chơi” bổ ích thiết thực, phù hợp với nhu cầu, tâm lý, lứa tuổi của người cao tuổi. Như Câu lạc bộ Cổ Chế (xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên) có đội văn nghệ thường xuyên đi biểu diễn, giao lưu, nâng cao đời sống tinh thần. Câu lạc bộ Ngọc Hà (quận Ba Đình) hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho một số thành viên có hoàn cảnh khó khăn. Câu lạc bộ Xuân Lai (xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn) làm than sinh học, làm phân bón hữu cơ cho cây trồng, cải tạo đất, có lợi cho môi trường...

Nhân rộng mô hình 

Nhìn những mẻ giá đỗ trắng ngần, bà Đào Thị Hoa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau phường Khương Đình chia sẻ về những thách thức buổi ban đầu khi câu lạc bộ đi vào hoạt động. Dù kinh phí hoạt động khó khăn, nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của tình nguyện viên Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi quốc tế (HAI)... đã truyền tải những hoạt động, kỹ thuật tăng thu nhập không cần vốn lớn như trồng giá đỗ, làm chế phẩm sinh học, chế biến sản phẩm ăn sáng... nên câu lạc bộ đã trở thành một trong những câu lạc bộ có hoạt động mạnh trên địa bàn thành phố.

Phó Chủ tịch UBND xã Vân Phúc (huyện Phúc Thọ) Đặng Quang Tuyên đánh giá, đây là mô hình cơ bản đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, thích ứng với tình hình già hóa dân số, phù hợp với tâm lý, sức khỏe, nhu cầu của người cao tuổi và điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa xã hội.

Ông Trần Công Nguyên, Thường trực Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội cho biết, từ 16 câu lạc bộ tiêu biểu làm nòng cốt, với ý nghĩa thiết thực, hiện mô hình này đã được nhân rộng thành 94 câu lạc bộ trên khắp địa bàn thành phố, thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc về vật chất và tinh thần cho nhiều người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Điều quan trọng là những câu lạc bộ này đã xây dựng được tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết ở cộng đồng để người cao tuổi sống vui, sống khỏe và có ích. Thời gian tới, việc nhân rộng những mô hình này đang là hướng đi được Hội Người cao tuổi thành phố chú trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ mô hình liên thế hệ tự giúp nhau