Bảo tồn đặc sản trám đen Cổ Loa

Nguyễn Mai| 15/12/2020 17:58

(NSHN) - Nhắc đến cây trám, nhiều người sẽ nghĩ tới vùng đất trung du, miền núi. Song, ít ai biết rằng, ngay giữa lòng Hà Nội, tại xã Cổ Loa (huyện Đông Anh) cũng có rất nhiều cây trám. Trám Cổ Loa là loại trám đen, ăn bùi, béo; đồ xôi, kho thịt, kho cá đều rất ngon. Hiện nay, Cổ Loa đang bảo tồn và nhân giống cây trám, trở thành cây trồng đặc sản của địa phương.

Trám Cổ Loa chín có màu đen, dày cùi, vị bùi và béo. Những cây trám có quả ngon nhất đã được cơ quan chức năng bình tuyển để bảo tồn nguồn gen và nhân giống.

Từ món ăn dân dã đến cây trồng giá trị

Ông Lê Đăng Hồng - nguyên Trưởng thôn Thượng (xã Cổ Loa) cho biết: "Cây trám đen trồng trên đất Cổ Loa từ rất lâu rồi. Khi tôi lớn lên đã thấy trám mọc thành rừng. Nhiều cây trám cổ thụ, cành lá sum suê, quả nhiều vô kể. Hiện nay, thôn còn khoảng 100 cây trám to, có cây 200 năm tuổi". Còn theo ông Hoàng Văn Cảm (thôn Nhồi Dưới), cây trám chịu hạn tốt, thích ứng với nhiều loại đất, chất đất… Có lẽ vì thế, cây trám có mặt khắp các thôn ở xã Cổ Loa.

Trám ra hoa vào tháng 2 và cho thu hoạch quả từ tháng 7 đến tháng 9. Quả trám khi chín có màu đen, cùi màu vàng, hạt nhọn 2 đầu. Người dân sơ chế trám bằng cách cho vào nồi nước sôi lăn tăn rồi om chín, dùng dao tách đôi quả để lấy phần thịt, bỏ hạt. Trám om xong có thể ăn trực tiếp với muối lạc, hoặc chế biến thành nhiều món ăn ngon như: Kho cá, kho thịt, đồ xôi. Đặc biệt, người Cổ Loa có món bánh đúc trám ngon nổi tiếng... Không chỉ là món ăn trong mỗi gia đình, giờ đây, nhiều nhà hàng, khách sạn coi trám đen là món “độc, lạ” để thu hút khách.

Một cây trám hơn 100 năm tuổi tại thôn Thượng, xã Cổ Loa (huyện Đông Anh).

Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Kim Nhật cho biết, thống kê cả xã Cổ Loa hiện có 400 cây trám tuổi đời 30 năm trở lên, trong đó một số cây trên 100 năm tuổi, tập trung nhiều ở khu vực thành Cổ Loa, khu vực vùng bãi của xã. Trám Cổ Loa cùi dày, vị bùi, béo, không khét, giá bán trên thị trường dao động từ 130-150 nghìn đồng/kg. Một cây trám trồng khoảng 5 năm sẽ ra quả. Cây càng to, quả càng nhiều, cây to có thể đạt hơn 100kg quả/năm, mang lại giá trị kinh tế khá cho các hộ dân.

“Trước đây, trám đen được trồng lấy quả để chế biến thành các món ăn dân dã hằng ngày, phục vụ nhu cầu địa phương. Tuy nhiên, khoảng 10 năm gần đây, nhiều người sành ăn đã trả giá cao để mua quả trám. Nhận thấy giá trị kinh tế từ loại cây này, nhiều hộ dân đã chú trọng nhân giống cây để trồng, hướng tới có sản phẩm bán trên thị trường”, ông Nhật nói.

Đặc sản xôi trám.

Nhân giống, bảo tồn, phát triển cây đặc sản

Theo ông Lê Đăng Hồng - nguyên Trưởng thôn Thượng, cách đây khoảng 50-60 năm, trám ở Cổ Loa rất nhiều. Trám mọc thành rừng, trải dài từ Thư Cưu đến xóm Thượng. Tuy nhiên, sau đó nhiều cây trám già cỗi, sâu bệnh, thoái hóa; người dân lại chưa áp dụng quy trình kỹ thuật chăm sóc tăng năng suất, chất lượng quả… nên hiệu quả chưa cao. Nhiều hộ đã chặt hạ cây trám trong các vườn hộ.

“Nhà tôi trước có 7 cây trám nhưng cũng đã chặt hết. Với cả xã, trám chỉ còn tập trung chủ yếu ở khu vực thành Cổ Loa, khu vực xóm Thượng, khu vườn quả Đống Chuông, xóm Chùa, Lan Trì...”, ông Hồng nói.

Những cây trám non được nhân giống và trồng ở Cổ Loa.

Để bảo tồn nguồn gen cây đặc sản, cuối năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã thành lập Hội đồng nghiệm thu cấp thành phố để đánh giá quá trình thực hiện và kết quả của đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây trám, mít bản địa tại khu vực di tích lịch sử Cổ Loa”. Việc nghiên cứu đề tài nhằm hướng đến mục tiêu bảo tồn và khai thác hiệu quả các nguồn gen trám, mít bản địa, góp phần phát triển kinh tế, du lịch tại khu di tích lịch sử Cổ Loa... Cũng thời điểm đó, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chọn lọc, công nhận được 6 cây trám đạt tiêu chuẩn cây đầu dòng trong chương trình bảo tồn gen quý cây truyền thống. 

Xã Cổ Loa cũng đã xây dựng đề án và kế hoạch trồng trám đen, mít trên diện tích các vòng thành giai đoạn 2019-2020 và các năm tiếp theo. Việc trồng cây xanh, trong đó có cây trám có ý nghĩa quan trọng vừa bảo tồn nguồn gen quý, vừa là cây trồng có thể phát triển kinh tế. Hơn nữa, trồng trám nói riêng và cây ăn quả nói chung xung quanh thành Cổ Loa còn có tác dụng bảo vệ thành cổ khỏi xói mòn đất. Về lâu dài, xã Cổ Loa kỳ vọng cây trám, mít sẽ phủ xanh, tạo bóng mát, cảnh quan cho thành cổ và có sản phẩm đặc sản phục vụ du khách tới tham quan...

Ngoài trám, xã Cổ Loa còn bảo tồn và phát triển cây mít bản địa có chất lượng quả rất ngon.

Xã Cổ Loa đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các thôn mời gọi tổ chức, cá nhân đang sử dụng, quản lý diện tích đất công tại các đoạn thành họp và thống nhất nội dung thực hiện trồng cây trám, cây mít. Để có cây giống tốt, từ năm 2019, xã Cổ Loa đã xây dựng vườn ươm ngay trong khuôn viên UBND xã để ươm hạt, sẵn sàng cung cấp nguồn giống.

“Hạt từ cây trám, cây mít ngon được bình tuyển sẽ được ươm trong các bầu đất. Khi cây được khoảng 50-70cm sẽ được đưa ra trồng. Đến nay, toàn xã đã trồng được 14.000 cây mít và trám trên các vòng thành, dự kiến đầu năm 2021, toàn xã sẽ hoàn thành trồng 20.000 cây”, ông Nhật cho biết thêm.

Việc trồng cây trám đen được nhân dân hưởng ứng, nhân rộng đang góp phần bảo tồn và phát huy giá trị cây trồng truyền thống tại địa phương, tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân, đồng thời, kết hợp gắn với bảo tồn nét văn hóa đặc sắc vùng đất kinh đô Cổ Loa giàu truyền thống lịch sử, văn hóa...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn đặc sản trám đen Cổ Loa