Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản của Phúc Thọ

Sơn Tùng| 09/12/2020 07:06

(HNM) - Hiện nay, nhiều loại nông sản của huyện Phúc Thọ được người tiêu dùng ưa chuộng, như: Bưởi Vân Hà, chuối Vân Nam, rau an toàn Thanh Đa, thịt lợn rừng Cẩm Đình, thịt lợn sinh học Thọ Lộc… Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, khâu tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện vẫn gặp không ít khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Sản ở thôn 10, xã Sen Phương cho biết, gia đình ông có 3 mẫu rau các loại. Từ năm 2013 trở lại đây, gia đình thường xuyên được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tập huấn cách trồng rau an toàn. Mặc dù tuân thủ đúng quy trình sản xuất rau an toàn, nhưng hầu hết sản phẩm làm ra, đặc biệt là rau muống “tiến vua” - đặc sản của địa phương vẫn khó tiêu thụ.

Tương tự, ông Dương Văn Nghi, Tổ trưởng Tổ sản xuất chăn nuôi VietGAP, xã Phụng Thượng cho biết, tổ sản xuất đang chăn nuôi 29.000 con vịt đẻ với sản lượng trứng trung bình 8,3 triệu quả/năm. Năm 2018, sản phẩm của tổ đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, song đến nay, giá trị sản phẩm mang lại vẫn rất thấp. Nguyên nhân là do sản phẩm chưa vào được chuỗi giá trị nên giá cả bấp bênh. “Mong muốn của các hộ nuôi vịt theo tiêu chuẩn VietGAP ở Phụng Thượng là liên kết được với các doanh nghiệp, hợp tác xã để ổn định đầu ra cho sản phẩm”, ông Nghi bày tỏ.

Mới đây, khi tham dự Diễn đàn Hỗ trợ nông dân huyện Phúc Thọ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân cho rằng, Phúc Thọ đang có nhiều mô hình sản xuất an toàn. Để sản phẩm vào được siêu thị, kênh bán lẻ thì việc doanh nghiệp liên kết, hợp tác với nông dân, hợp tác xã cần trên cơ sở hợp đồng quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm các bên tham gia, trong đó rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, nhà khoa học…

Theo Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp và Phát triển (IDE) Phạm Thị Lý, Phúc Thọ đã có chuối Vân Nam, cà dầm tương Tam Hiệp đạt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) "3 sao". Những sản phẩm này cần sớm đưa vào hệ thống tiêu thụ chung của Hà Nội; công khai điện thoại, địa chỉ email trên sàn giao dịch điện tử, qua đó giúp người tiêu dùng căn cứ vào thông số sản phẩm trên bao bì (cả tiếng Việt và tiếng Anh) để lựa chọn... 

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, đến nay toàn huyện đã chuyển đổi được hơn 480ha rau an toàn, 454ha cây cảnh, 1.200ha cây ăn quả và gần 3.500ha lúa chất lượng cao. Thực tế, phần lớn nông sản trên địa bàn vẫn do thương lái thu mua nên giá cả không ổn định, giá trị đạt thấp. Để nâng cao giá trị, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, khắc phục tình trạng "được mùa - mất giá", Phúc Thọ xác định rõ phải phát triển mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, thu hút doanh nghiệp đầu tư.

"Trước mắt, huyện tiếp tục hỗ trợ các tổ, nhóm sản xuất, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp để đẩy mạnh hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng bá, phân phối sản phẩm nông nghiệp an toàn. Đây là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao giá trị nông sản và hài hòa lợi ích giữa các thành phần tham gia chuỗi", ông Nguyễn Đình Sơn thông tin thêm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản của Phúc Thọ