Đông Anh: Thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang

Đoàn Mai| 06/12/2020 14:12

(HNMCT) - Trước thực tế, quỹ đất dành cho nghĩa trang ngày càng hạn hẹp, nhiều thói quen lạc hậu trong việc tổ chức tang lễ vẫn còn diễn ra, nhiều năm qua, huyện Đông Anh đã đẩy mạnh công tác quy hoạch nghĩa trang song song với việc tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức việc tang. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, việc tổ chức tang lễ tại huyện Đông Anh đã dần đi vào quy củ, với tinh thần gọn nhẹ, đơn giản, không phô trương...

Cán bộ đoàn thể ở thôn Cầu, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh vận động gia đình thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức đám tang.

Sáng tạo trong cách làm

Tính đến thời điểm hiện tại, số hộ gia đình ở Đông Anh thực hiện hỏa táng cho người thân khi qua đời đạt tỷ lệ 95,3%, vượt 1,8% so với năm 2019, trong đó có những thôn đạt 100% như thôn Hà Lỗ (xã Liên Hà). Có thể nói đây là một trong những thay đổi căn bản trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức đám tang ở huyện ngoại thành này. 

Theo Bí thư Chi bộ thôn Hà Lỗ Trịnh Thị Yến, để có được kết quả đó, thôn đã thành lập Ban tuyên truyền vận động gồm đầy đủ các thành phần trong ban lãnh đạo quân - dân - chính kết hợp với các đoàn thể tổ chức các đoàn vận động đến từng gia đình. Là thôn có số đảng viên khá đông, Hà Lỗ đã coi việc thực hiện tang lễ văn minh là một chỉ tiêu đánh giá, phân loại đảng viên cuối năm. 

Ông Nguyễn Thế Mạnh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh cho biết: Thực hiện Đề án số 02/ĐA-UBND ngày 1-7-2008 của UBND huyện Đông Anh (viết tắt là Đề án 02), nhiều xã trên địa bàn huyện đã có cách làm thiết thực trong tổ chức tang lễ văn minh. Như tổ dân phố số 10 ở thị trấn Đông Anh đã duy trì việc sử dụng nhạc tang và vòng hoa luân chuyển tại 100% các đám tang trong tổ; xã Cổ Loa gửi thư chia buồn đến tất cả các gia đình chọn cách hỏa táng cho người thân qua đời; xã Tiên Dương khuyến khích hội viên Hội Người cao tuổi viết di thư thực hiện hỏa táng... 

Trong số cách làm sáng tạo nói trên, đáng chú ý là mô hình hệ thống lưu tro cốt theo công nghệ mới tại chùa Phương Trạch (xã Vĩnh Ngọc). “Hệ thống lưu tro cốt theo công nghệ hiện đại của Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản vừa giúp tiết kiệm tài nguyên đất vừa bảo đảm vệ sinh. Toàn bộ hệ thống được làm theo công nghệ hợp kim nhôm nhẹ, bên trong có hệ thống chống nước, chống cháy, hút mùi, điều hòa... Mỗi gia đình có mã số riêng để mở ô chứa tro cốt của người thân. Gần tới ngày giỗ, ngày lễ, gia đình và người thân sẽ nhận được thông báo nhắc nhở qua tin nhắn điện tử. Mô hình mới này giúp tiết kiệm diện tích đất và kinh phí xây dựng nghĩa trang, phù hợp với nhu cầu trong giai đoạn hiện nay”, ông Nguyễn Thế Mạnh khẳng định.

“Thông” từ nếp nghĩ

Ông Tường Duy Thuận, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Cầu (xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh) phân tích: Khi triển khai Đề án 02 của UBND huyện, có người nghĩ là đề án khó đi vào cuộc sống bởi lẽ người dân nơi đây duy trì nhiều phong tục, tập quán, thói quen có từ hàng nghìn năm nay, khó “thông” khi áp dụng mô hình mới. Thế nhưng, với tinh thần quyết tâm và sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ, có trách nhiệm của các phòng, ban, đơn vị liên quan, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân trên địa bàn huyện, hiện nay, công tác tổ chức tang lễ theo hướng văn minh đã có chuyển biến tích cực, những hiện tượng rải vàng mã dọc đường, khóc mướn, mở loa to... giờ không còn nữa.

Ông Tường Duy Thuận còn nhấn mạnh: “12 năm thực hiện Đề án 02 của UBND huyện đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, nhất là về công tác dân vận, tuyên truyền. Muốn người dân hiểu rõ rồi tự nguyện chấp hành, công tác dân vận phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người, phù hợp với từng địa bàn. Đặc biệt, đối tượng mà các đội tuyên truyền hướng đến là người cao tuổi, họ là những người có tiếng nói, uy tín lớn trong mỗi gia đình, dòng họ”.

Dù đạt được những kết quả khả quan bước đầu nhưng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám, trong thời gian tới huyện cần làm quyết liệt hơn nữa, nhất là việc quy hoạch nghĩa trang. Bà Nguyễn Thị Tám cũng cho biết: “Chúng tôi phấn đấu 100% nghĩa trang nhân dân cấp xã, thôn, tổ dân phố sẽ được đầu tư, cải tạo, nâng cấp đầy đủ các hạng mục, 50% số xã xây dựng mô hình hệ thống lưu tro cốt theo công nghệ 4.0. Muốn vậy, ngoài cố gắng làm tốt công tác tuyên truyền, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí thực hiện hỏa táng, đồng thời đầu tư nguồn lực, huy động các nguồn xã hội hóa để đẩy mạnh công tác quy hoạch nghĩa trang, nâng cấp các công trình phụ trợ, xây dựng nhà quản trang, tu bổ đài tưởng niệm... Tất cả nhằm phục vụ công tác xây dựng nếp sống mới, cách ứng xử văn minh cho người dân trên địa bàn huyện”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đông Anh: Thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang