Giàu, đẹp từ phủ xanh đất bạc màu

Nguyễn Mai| 02/10/2020 06:25

(HNM) - Là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Sóc Sơn lại thuộc vùng đất đồi gò, bán sơn địa, khó canh tác nên đời sống người dân xã Minh Trí gặp nhiều khó khăn… Song với nỗ lực vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, người dân nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phủ xanh vùng đất cằn cỗi, bạc màu…

Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao ở xã Minh Trí (Sóc Sơn) mang lại giá trị kinh tế cao.

Những cách làm mới 

Những người từng đến xã Minh Trí hơn chục năm về trước hẳn chưa quên những thửa ruộng lồi lõm, bạc màu. Nơi đất cao thì hạn hán mùa khô, nơi đất thấp thì úng ngập mùa mưa và cái nghèo cứ đeo bám người dân nơi đây. “Cách đây chừng mười năm, Minh Trí là một trong 8 xã nghèo của huyện Sóc Sơn với thu nhập bình quân chỉ ở mức 8-10 triệu đồng/người/năm”, Chủ tịch UBND xã Minh Trí Tạ Quốc Tịch nhớ lại.

Nhưng hôm nay, Minh Trí đã có những đổi thay rõ nét. Người dân địa phương đã không ngừng nỗ lực, sáng tạo, biến vùng đất bạc màu thành những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh mang lại sắc diện mới văn minh, hiện đại cho một vùng quê.  

Giữa cánh đồng, mô hình trồng dưa lưới, măng tây có diện tích 3ha của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Quyết Tiến nổi bật với những dãy nhà màng. Để có được cơ ngơi như vậy, chủ nhân của mô hình này đã phải vượt qua biết bao vất vả gian nan. Giám đốc Hợp tác xã Phan Đức Bình chia sẻ: “Trước đây, vùng đất 3ha này chỉ trồng khoai, sắn hiệu quả thấp nhưng cũng không biết thay cây gì vì đất khá “kén” cây trồng. Quyết tâm thay đổi, tôi đã đi học tập ở nhiều địa phương và mỗi lần như vậy, đều tìm hiểu kỹ lưỡng đặc điểm từng vùng, từng giống cây. Tôi lựa chọn cây măng tây và dưa lưới ứng dụng công nghệ cao để khắc phục hạn chế từ đồng đất. Khó khăn rồi cũng dần qua, “đất không phụ người”, đến nay mô hình đã thành công. Với diện tích 6.000m2 trồng dưa lưới trong nhà màng, mỗi vụ (75 ngày), hợp tác xã thu hoạch từ 15 đến 20 tấn, thu hơn 700 triệu đồng. Toàn bộ sản phẩm được bán cho các cửa hàng hoa quả sạch trên địa bàn Hà Nội”.

Cũng là tìm tòi cái mới, tại thôn Hữu Thắng, thay vì giống lúa tẻ truyền thống, vụ mùa 2020 người dân đã đưa giống lúa nếp cái hoa vàng vào sản xuất. Trưởng thôn Hữu Thắng Tạ Thị Lý cho hay: "Với suy nghĩ phải gia tăng giá trị sản phẩm trên một diện tích đất canh tác nên nông dân thôn Hữu Thắng quyết tâm đưa giống nếp cái hoa vàng vào sản xuất theo quy trình an toàn. Thôn có 30 hộ tham gia trên diện tích 15ha. Thay đổi thói quen cố hữu, canh tác theo phương thức mới - sản xuất sạch, nông dân vất vả hơn song bù lại gạo có chất lượng tốt và được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm". 

Ở một hướng đi khác, bà Đào Thanh Minh (thôn Thắng Trí) đã dám nghĩ, dám làm, phát triển các loại thảo dược như cỏ ngọt, cúc la mã... trên diện tích 5ha. Sau nhiều vất vả, nay "đầu ra" đã ổn định nhờ ký kết được hợp đồng với các công ty dược. Vườn dược liệu của gia đình bà Minh không chỉ cho thu nhập cao mà còn tạo việc làm cho 10 lao động địa phương.

Còn ở thôn Minh Tân, nhiều đồi trọc, đất cằn đã được phủ xanh bằng cây hoa đào rừng. Trưởng thôn Minh Tân Nguyễn Đình Cường cho biết: "Từ một vài gia đình nhanh nhạy với thị trường đưa cây hoa đào rừng về trồng, nay cả thôn 200 hộ thì có tới 70% số hộ trồng loại cây này với diện tích khoảng 10ha, mang lại nguồn thu khá cho các hộ dân".

Mở hướng sản xuất xanh

Với sự nỗ lực của người dân, vùng đất cằn đã được phủ xanh bởi những mô hình sản xuất mới theo hướng công nghệ cao và trồng những loại cây phù hợp, có giá trị. Và, màu xanh ấy đã mang ấm no về cho vùng quê nghèo khi xưa...

Chủ tịch UBND xã Minh Trí Tạ Quốc Tịch thông tin: "Minh Trí có hơn 500ha sản xuất nông nghiệp. Sau dồn điền đổi thửa, xã đã chuyển đổi được khoảng 100ha sang trồng cây ăn quả; hoa đào, cây dược liệu. Năm 2020, ước thu nhập bình quân của xã đạt 45 triệu đồng/ người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,5%...". Đặc biệt, những điển hình này đã tác động đến việc thay đổi thói quen canh tác cũ, giúp người dân thực hành phương thức sản xuất mới gắn với bảo vệ môi trường. Sản xuất theo quy trình sạch đã và đang mở ra hướng phát triển mới vì một nền nông nghiệp xanh cho địa phương.

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Nguyễn Kim Lữ nhận định: "Những mô hình ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp hay trồng dược liệu, hoa đào rừng... ở xã Minh Trí không chỉ khai thác hiệu quả vùng đất đồi gò, mang lại giá trị kinh tế cao cho mỗi hộ nông dân mà còn mở ra hướng sản xuất nông nghiệp bền vững...". 

Nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch đã đem lại sự trù phú và hình thành tư duy sản xuất mới cho người nông dân. Đây vừa là nền tảng, vừa là động lực để xã Minh Trí và các xã khác ở huyện Sóc Sơn phủ xanh thêm những diện tích đất bạc màu, từ đó xây dựng vùng nông thôn ven đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giàu, đẹp từ phủ xanh đất bạc màu