Giữ vốn y học cổ truyền dân tộc Sán Dìu

Trần Quốc Hùng| 26/09/2020 05:27

(HNMCT) - Với vốn y học cổ truyền được đúc kết qua nhiều đời, những năm qua, nhiều thầy thuốc người Sán Dìu ở thành phố Hà Nội đã nỗ lực gìn giữ, kế thừa và phát triển giá trị y học cổ truyền Sán Dìu trong cuộc sống hiện đại, góp phần chăm sóc sức khỏe cho người dân Thủ đô và cả nước.

Lương y Ngô Mạnh Hùng bốc thuốc điều trị cho bệnh nhân.

“Kho báu” quý giá

Trong kho tàng tri thức dân gian quý giá được cộng đồng người Sán Dìu đúc kết, trao truyền từ đời này sang đời khác, không thể không kể đến tri thức về y học cổ truyền - những bí quyết riêng có của người Sán Dìu để bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng thông qua các bài thuốc dân gian, bí kíp chữa bệnh của mỗi dòng họ.

Kho báu nghề thuốc thực sự phong phú với những tri thức mang hơi thở cuộc sống, thuận theo thiên nhiên và thói quen sinh hoạt con người. Dịp Tết Đoan Ngọ đồng bào thường vào rừng hái thảo dược làm thuốc; khi bị mụn mủ thì lấy búp táo non giã nhuyễn để đắp; trẻ bị “mở khóa đầu” (rãnh thóp trên đầu trẻ sơ sinh) hay người lớn bị đau đầu thì dùng viên ngải đốt, hơ vào các huyệt đạo; nếu bị viêm tai thì đốt viên ngải rồi thổi vào tai... Những bài thuốc dân gian đó luôn là hành trang bảo vệ sức khỏe của cộng đồng từ xưa, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Sán Dìu, những khi đi rừng, lên nương, ra suối, người lớn thường dạy cho con cháu những vị thuốc được lấy từ cây, lá, củ, rễ, các con vật dùng để chữa trị các loại bệnh, những vị thuốc nào dùng trị bệnh, những vị thuốc nào dùng làm thuốc bổ nâng cao thể lực...

Đặc biệt, quá trình khai thác dược liệu của người Sán Dìu đã hình thành những quy tắc, tạo nét văn hóa riêng, phù hợp với đời sống văn minh. Ví như, trong khi lấy thuốc, người lớn chỉ bảo con cháu cách khai thác nguồn dược liệu đúng cách, chỉ lấy những vị thuốc mình cần và khi lấy cả cây, rễ, củ thì phải trồng lại cây thuốc đó ngay tại chỗ mình khai thác; khi săn bắt chim, ong, thú rừng để làm vị thuốc, đồng bào cũng có những quy định như hạn chế săn bắt các con vật đang trong mùa sinh sản, các con vật đang nuôi con, tránh khai thác tận diệt, tận thu làm cạn kiệt nguồn dược liệu quý. Do vậy, trong cộng đồng dân tộc Sán Dìu, từ người già đến người trẻ, đàn ông hay phụ nữ, ai cũng biết giá trị của nguồn dược liệu, cách khai thác, bảo vệ và nuôi dưỡng bền vững các nguồn dược liệu thiên nhiên.

Cộng đồng Sán Dìu tại Hà Nội thường khai thác dược liệu tại nơi mình sinh sống, chủ yếu ở chân núi Ba Vì, hoặc tới những vùng lân cận có đồng tộc sinh sống như dãy núi Tam Đảo, dãy núi Yên Tử. Đó là những nơi có nguồn dược liệu phong phú, có thể cung cấp nhiều vị thuốc đông y cho các thầy thuốc người Sán Dìu. Họ không chỉ chữa trị nhiều loại bệnh cho đồng bào dân tộc mình, mà còn chữa bệnh cho bà con trong và ngoài vùng mình sinh sống.

Mỗi dòng họ dân tộc Sán Dìu đều lưu giữ những bí kíp chữa bệnh riêng và chỉ truyền cho con cháu trong dòng họ. Thầy thuốc Sán Dìu không chỉ thông thạo, hiểu biết sâu về các cây thuốc, vị thuốc mà liên tục học hỏi, rèn luyện để trở thành thầy thuốc thực thụ như đọc thông viết thạo chữ Nôm - Sán Dìu, biết vị trí huyệt đạo trên cơ thể thông qua các hình vẽ trong sách cổ, biết bấm huyệt, bắt mạch... Để làm được điều đó, người làm nghề thuốc đã phải kiên trì học hỏi từ ông cha, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

Nghề thuốc cổ truyền trong đời sống hiện đại

Ngày nay, kho báu nghề thuốc của người Sán Dìu không chỉ bó hẹp trong phạm vi làng xã như xưa. Với y đức và tâm huyết của mình, “tiếng thơm” về các thầy thuốc Sán Dìu đã lan tỏa trong đời sống hiện đại. Không chỉ người dân trong vùng mà nhiều người dân trong Nam ngoài Bắc, từ thành thị đến nông thôn, miền núi đã tìm đến để được các thầy thuốc Sán Dìu chữa bệnh. Có thể kể đến các nhà thuốc, cơ sở khám đã được cấp phép của các lương y Phó Hữu Đức (đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy), lương y Phó Đức Phúc (đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa), lương y Nguyễn Thị Hà (đường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm)...

Lương y Ngô Mạnh Hùng sinh năm 1982, dân tộc Sán Dìu, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống chữa trị các loại bệnh bằng các bài thuốc cổ truyền dân tộc Sán Dìu tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Anh Hùng chia sẻ: “Mỗi lần chữa cho một bệnh nhân khỏi là tôi cảm thấy rất vui vì mình làm thêm được một việc có ý nghĩa. Bệnh nhân tìm đến để thăm khám và điều trị bệnh rất nhiều, tuy nhiên qua quá trình khám, những bệnh nhân nào có thể điều trị được thì tôi mới nhận, còn những bệnh nhân không điều trị được thì tôi không nhận vì làm nghề này phải đặt chữ tâm, chữ đức lên hàng đầu”.

Trong quá trình hành nghề, lương y Ngô Mạnh Hùng luôn giữ phương châm “Sáng y đức - Trọn niềm tin”. Trăn trở với việc nghề cổ truyền có nguy cơ bị mai một, anh Hùng đang ngày đêm nghiên cứu để có những cách trị bệnh, kê đơn, bào chế thuốc tốt hơn, giúp bệnh nhân thuận tiện hơn khi phải điều trị ở những nơi xa. Anh Hùng cũng mong muốn con trai mình sẽ theo học ngành Y học cổ truyền để tiếp nối nghề thuốc của gia đình.

Lương y Phó Hữu Đức - Chủ tịch Hội Đông y cổ truyền dân tộc Sán Dìu thuộc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hóa Sán Dìu chia sẻ: "Phát triển nghề y học cổ truyền hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, kể cả về nhân lực, vật lực và cả cơ chế, chính sách. Nhu cầu của người dân về khám, chữa bệnh, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt... rất lớn, nhưng cơ sở vật chất, mặt bằng không có nên nhiều khi chúng tôi cảm thấy lực bất tòng tâm...”.

Ông Đức cho biết thêm: Cộng đồng lương y người Sán Dìu ở Hà Nội luôn mong muốn phát triển nền đông y Việt Nam vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển nền đông y Việt Nam là góp phần bảo tồn bản sắc, phát huy và phát triển một bộ phận văn hóa của dân tộc Việt Nam, thể hiện tinh thần độc lập và tự cường của dân tộc Việt Nam theo đúng tinh thần Chỉ thị 24-CT/TƯ ngày 4-7-2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới.

Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng những đóng góp của các lương y người Sán Dìu tại Hà Nội trong thời gian qua đã thể hiện sự tha thiết gắn bó với kho báu nghề thuốc của dân tộc. Việc giữ gìn vốn quý y học cổ truyền của dân tộc cũng là góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng người Sán Dìu nói riêng và người dân tộc thiểu số ở Hà Nội nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ vốn y học cổ truyền dân tộc Sán Dìu