Sóc Sơn bứt phá trong xây dựng nông thôn mới

Nguyễn Mai| 23/09/2020 07:37

(HNM) - Từ một huyện khó khăn, Sóc Sơn đã có nhiều bứt phá trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đến thời điểm này, Sóc Sơn đã có 25/25 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới; đang trình các cấp thẩm tra, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn).

Cách đây hơn 10 năm, Minh Trí là một xã nghèo của huyện Sóc Sơn. Đến nay, nhờ xây dựng nông thôn mới, Minh Trí đổi thay toàn diện, đời sống người dân được nâng cao. Tại xã Minh Trí, những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày một tăng. Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Quyết Tiến là đơn vị tiêu biểu của xã về trồng dưa lưới trong nhà kính và măng tây. Với diện tích 3ha, trong đó, gần 6.000m2 trồng dưa trong nhà kính theo tiêu chuẩn GlobalGAP, từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị thu hoạch 15 tấn dưa, thu về gần 1 tỷ đồng. “Mô hình thành công đang mở ra cơ hội sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, giúp đời sống người dân tốt hơn”, ông Phan Đức Bình - Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ.

Không chỉ ở xã Minh Trí, những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xuất hiện ngày một nhiều trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Điển hình như xã Minh Phú có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho thu nhập cao như: Mô hình trồng nấm theo công nghệ Hàn Quốc của Công ty cổ phần KMS Đầu tư sản xuất và thương mại, đạt 1,2 tấn nấm/ngày, doanh thu năm 2019 đạt hơn 40 tỷ đồng; các mô hình: Liên kết chăn nuôi gà đồi Sóc Sơn, trang trại chăn nuôi tổng hợp, sản xuất rau an toàn VietGAP… cũng đang cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng, từ năm 2010, Sóc Sơn đã dẫn đầu thành phố trong phong trào dồn điền đổi thửa, tạo đột phá cho sản xuất nông nghiệp. Đến nay, Sóc Sơn có 219 hợp tác xã, trong đó, 155 hợp tác xã nông nghiệp; huyện cũng đã thành lập 76 tổ hợp tác, 30 nhóm sản xuất tăng cường liên kết nông dân phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Không chỉ đổi thay trên những cánh đồng, trong mỗi xóm làng, hạ tầng nông thôn trên địa bàn huyện cũng được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tại thời điểm này, huyện Sóc Sơn có 100% số đường trục, thôn, ngõ, xóm được nhựa hóa, bê tông hóa; trên 85% kênh mương thủy lợi chính được cứng hóa; 100% diện tích đất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động. Đến nay, Sóc Sơn đã có 5/6 trường phổ thông trung học và 82/97 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia...

Bên cạnh đó, phong trào xây dựng nông thôn mới còn được đông đảo nhân dân hưởng ứng qua các hình thức: Hiến đất làm đường, góp tiền của, công sức kiện toàn mạng lưới giao thông, thủy lợi. Điển hình, tại xã Tân Minh, bà Nguyễn Thị Thược, Trưởng thôn Xuân Đồng cho biết: Thôn có 561 hộ dân, triển khai xây dựng nông thôn mới, người dân đã hiến hơn 2.000m2 đất thổ cư và 300m2 đất nông nghiệp; đóng góp được gần 100 triệu đồng làm đường ngõ xóm và các công trình phúc lợi xã hội…

Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh thông tin, đến nay, Sóc Sơn đã có 25/25 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và đạt 9/9 tiêu chí đối với huyện nông thôn mới theo bộ Tiêu chí đánh giá của Trung ương. Với kết quả này, Sóc Sơn đã hoàn thiện hồ sơ và được Đoàn công tác của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội khảo sát, thẩm định, báo cáo thành phố trình hồ sơ lên Trung ương đề nghị đánh giá, công nhận huyện Sóc Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sóc Sơn bứt phá trong xây dựng nông thôn mới