Sơn Tây vượt khó xây dựng nông thôn mới

18/09/2020 07:30

(HNM) - Dù gặp nhiều khó khăn do nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới hạn chế; hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu; quy hoạch chung, quy hoạch phân khu phải điều chỉnh…, nhưng thị xã Sơn Tây đã nỗ lực vượt qua, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh xung quanh vấn đề này.

Xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây) phát triển vùng trồng cây ăn quả tập trung, giúp nông dân nâng cao thu nhập. Ảnh: Nguyễn Tiến

- Là một địa phương giàu tiềm năng nhưng thực tế cho thấy, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Sơn Tây đã phải đối mặt với không ít khó khăn. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

- Thị xã Sơn Tây có 9 phường và 6 xã. Năm 2010, bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, thị xã gặp rất nhiều khó khăn: 6/6 xã chưa có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển khu dân cư mới; chỉ có hơn 50% đường trục xã, liên xã, liên thôn được bê tông hóa; hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; thu nhập bình quân chỉ đạt 16,7 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 8,86%...

Mặt khác, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và một số quy hoạch trên địa bàn thị xã phải điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch chung của thành phố và các quy hoạch phân khu. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới của Sơn Tây còn hạn chế... Những khó khăn này đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

- Thị xã Sơn Tây đã triển khai những giải pháp nào để vượt qua khó khăn, thách thức, thưa ông?

- Công tác xây dựng nông thôn mới của thị xã luôn được Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, HĐND, UBND thành phố Hà Nội quan tâm, chỉ đạo sâu sát; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Thị ủy, HĐND thị xã Sơn Tây đã ban hành các nghị quyết về xây dựng nông thôn mới đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 và 8 chương trình chuyên đề trên các lĩnh vực: Nông nghiệp, môi trường, văn hóa, đầu tư xây dựng... Trên cơ sở đó, UBND thị xã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

Quá trình xây dựng nông thôn mới, thị xã đã huy động sự đóng góp tích cực của người dân, các tổ chức chính trị - xã hội; đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, nhân rộng các phong trào: “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Nhân dân hiến đất và đóng góp ngày công lao động làm đường làng ngõ xóm”...

- Xin ông cho biết khái quát về những thành tựu đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới?

- Có thể nói, chương trình xây dựng nông thôn mới của thị xã đã đạt được những kết quả quan trọng: 6/6 xã được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 100% hệ thống đường trục xã, liên xã, đường trục thôn, liên thôn; các tuyến đường trục chính nội đồng được bê tông hóa, cứng hóa; 14/18 trường học các cấp có cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia; 70/70 thôn có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao…

Từ năm 2010 đến nay, thị xã đã huy động 1.709 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp 159,2km đường trục xã, liên xã, liên thôn; gần 110km đường trục chính nội đồng và kênh mương; đầu tư đồng bộ 203km đường dây trung thế, hạ thế, 31 trạm biến áp...

Nhân dân thị xã đã tham gia 94.688 ngày công, hiến 3.440m2 đất thổ cư, 1.551m2 đất nông nghiệp để mở rộng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, đóng góp hơn 4,8 tỷ đồng tiền mặt và hiện vật…

Với những kết quả đã đạt được, tháng 7-2020, cơ quan chức năng của Trung ương và thành phố đã về thẩm định để trình Chính phủ công nhận thị xã Sơn Tây hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

- Vậy, đâu là bài học kinh nghiệm Sơn Tây đã rút ra và thị xã sẽ làm gì để nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới?

- Đạt được thành tựu trong xây dựng nông thôn mới, thị xã đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Đó là: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt công tác quy hoạch để định hướng quá trình triển khai thực hiện; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy được tầm quan trọng của công cuộc xây dựng nông thôn mới, từ đó tự nguyện tham gia…

Nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, Sơn Tây sẽ tập trung thực hiện đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao; nhân rộng những mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị với các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, bảo đảm năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm. Thị xã chú trọng phát triển các sản phẩm đặc thù của địa phương như: Gà mía Sơn Tây, mật ong Kim Sơn, mít Sơn Đông, tương và bánh gai Đường Lâm… gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm; phấn đấu tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất đạt 9,9%/năm; thu nhập bình quân đạt từ 52 triệu đồng/người/năm trở lên... và cuối năm 2020, xã Kim Sơn đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sơn Tây vượt khó xây dựng nông thôn mới