Giúp người dân làm giàu ngay trên quê hương

Đỗ Minh| 18/09/2020 07:24

(HNM) - Với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... những năm qua, Hội Nông dân huyện Ba Vì đã hỗ trợ, hướng dẫn hội viên và nông dân trên địa bàn xây dựng nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân làm giàu ngay trên đồng đất quê hương.

Mô hình trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP của nông dân xã Ba Trại (huyện Ba Vì) cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Đỗ Phong

Bà Phùng Thị Thơ ở thôn Vật Yên, xã Vật Lại (huyện Ba Vì) là một trong 63 nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi của cả nước năm 2019 với mô hình trồng cây ăn quả và chăn nuôi chia sẻ, từ đất đồi sản xuất kém hiệu quả, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân Ba Vì, gia đình bà đã đưa vào sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi cho giá trị kinh tế cao.

Hiện, trang trại của gia đình bà có quy mô 12ha với khoảng 2.500 cây bưởi, 150 nghìn cây dứa, hơn 1 nghìn cây nhãn, hàng nghìn con gà đồi, 300 con lợn rừng,... cho doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, trang trại của gia đình bà Thơ còn tạo việc làm cho khoảng 30 lao động với thu nhập 3-5 triệu đồng/người/tháng.

Tương tự, tại xã Ba Trại, phát huy thế mạnh từ cây chè, nông dân trong xã mạnh dạn chuyển đổi sang các giống chè mới, xây dựng mô hình trồng chè VietGAP gắn phát triển du lịch sinh thái đồng quê. Ông Nguyễn Huy Hoàng ở xóm Đô cho hay, gia đình ông có hơn 1ha chè giống mới đạt năng suất, chất lượng cao được trồng theo quy trình VietGAP cho thu nhập cao.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Trại Đinh Công Phu thông tin, sản xuất theo quy trình VietGAP tuy vất vả nhưng sản lượng và chất lượng chè được nâng cao, lượng búp tăng 15-20%, giá bán đạt 250-300 nghìn đồng/kg, cao hơn so với giá chè truyền thống. Toàn xã hiện có hơn 400ha chè trồng theo hướng VietGAP, trong đó, 40ha đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Không riêng các xã: Ba Trại, Vật Lại... thông qua phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, những năm qua, Hội Nông dân Ba Vì đã hỗ trợ hàng nghìn hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả khá.

Chủ tịch Hội Nông dân Ba Vì Lê Quang Hào cho biết, trong 5 năm (2015-2020), Hội Nông dân huyện đã phối hợp với các đơn vị tổ chức hơn 1.000 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật; tổ chức cho 102.970 lượt cán bộ, hội viên nông dân tham quan các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, xây dựng nông thôn mới... Đặc biệt, thông qua ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT, Hội Nông dân Ba Vì còn giúp nhiều hội viên, nông dân tiếp cận nguồn vốn để mở rộng sản xuất. Cụ thể, đến nay, Hội Nông dân huyện Ba Vì phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT thành lập 97 tổ tín chấp cho 4.491 hộ vay vốn với số tiền 317,509 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì duy trì hoạt động và thành lập mới 158 tổ tiết kiệm vay vốn, tổng dư nợ 221,6 tỷ đồng cho 6.458 hộ vay…

Bên cạnh đó, Hội Nông dân Ba Vì duy trì 31 câu lạc bộ phát triển kinh tế với 1.088 thành viên và 10 mô hình kinh tế tập thể hoạt động đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, Hội còn cùng các đoàn thể và nông dân xây dựng 315 mô hình kinh tế có hiệu quả, trong đó có 71 mô hình trang trại do Hội Nông dân huyện triển khai. Các mô hình đang tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn; đồng thời, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đời sống cho nông dân trong huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp người dân làm giàu ngay trên quê hương