Sóc Sơn: Nhân rộng mô hình kiểm soát bữa cỗ tập trung đông người

Ngân Hà| 28/08/2020 07:17

(HNM) - Từ việc thí điểm tại các xã Minh Phú, Hiền Ninh, Thanh Xuân, Tiên Dược, Mai Đình từ năm 2018, đến nay mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã được duy trì và nhân rộng tại 26 xã, thị trấn. Nhờ đó, các điều kiện an toàn thực phẩm bữa cỗ được cải thiện, nâng cao nhận thức và ý thức chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm của người dân.

Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội giám sát bữa cỗ tập trung đông người trên địa bàn thành phố.

Mô hình hoạt động hiệu quả

Từ năm 2018, huyện Sóc Sơn chính thức triển khai thí điểm mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người. Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện, ý thức của các gia đình có tổ chức các bữa cỗ đông người tham dự đã được nâng lên rõ rệt.

Trước khi gia đình tổ chức đám giỗ, ông Lê Văn Binh, xã Hiền Ninh (huyện Sóc Sơn) đã được tổ giám sát tư vấn các điều kiện an toàn thực phẩm tại các bữa cỗ tập trung đông người của địa phương đến tư vấn các điều kiện an toàn thực phẩm tại nơi nấu cỗ, ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, chịu trách nhiệm không để xảy ra ngộ độc thực phẩm và giám sát trong suốt thời gian diễn ra bữa cỗ đông người.

Ông Lê Văn Binh cho biết, trước đây, các bữa cỗ do gia đình tự làm đều không chú trọng đến nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu. Thế nhưng, nay được tổ giám sát tư vấn của địa phương đến hướng dẫn, gia đình đã biết được tầm quan trọng của việc kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào cho đến quy trình chế biến, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Trưởng phòng Y tế huyện Sóc Sơn Lưu Thị Hồng Sen cho biết, mỗi năm trên địa bàn huyện Sóc Sơn có khoảng gần 4.000 bữa cỗ tập trung đông người được tổ chức gồm cỗ cưới, giỗ, sinh nhật... với quy mô hơn 60 người/bữa, trong đó khoảng 95% các bữa cỗ là do gia đình tự chế biến.

“Tính đến hết tháng 6-2020, Phòng Y tế huyện Sóc Sơn đã hỗ trợ tư vấn cho hơn 1.000 bữa cỗ đông người từ khâu kiểm soát nguyên liệu thực phẩm đầu vào đến chế biến và tổ chức ăn uống, bảo quản, vận chuyển thức ăn. Để thực hiện nghiêm các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bữa cỗ tập trung đông người, huyện đã tổ chức kiểm tra, giám sát 784 bữa cỗ, không có trường hợp nào bị ngộ độc thực phẩm”, bà Lưu Thị Hồng Sen bày tỏ.

Nhân rộng mô hình

Là thành viên tổ giám sát tư vấn các điều kiện an toàn thực phẩm tại các bữa cỗ tập trung đông người, bà Lưu Thị Hồng Sen, Trưởng phòng Y tế huyện Sóc Sơn chia sẻ, mặc dù đã mang lại những hiệu quả nhất định, song mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người là mô hình mới thí điểm nên nhận thức của một bộ phận người dân về kiến thức an toàn thực phẩm vẫn còn hạn chế khiến công tác triển khai còn gặp khó khăn. Đặc biệt, khó kiểm soát các đội nấu cỗ lưu động vì họ không đề biển hiệu. Hình thức nấu lưu động không có chỗ cụ thể, cơ sở chật hẹp. Khâu sơ chế, nấu kéo dài, việc bảo quản không bảo đảm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Cũng theo bà Lưu Thị Hồng Sen, khó khăn nữa là người dân các xã chủ yếu mua thực phẩm tại chợ của địa phương hoặc người thân trong gia đình nên sổ theo dõi mới chỉ ghi số lượng mà chưa ghi đầy đủ nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó, do điều kiện gia đình nên có hộ khu sơ chế và khu thức ăn chín còn gần nhau; thức ăn chín được sắp lên mâm nhưng chưa che đậy cẩn thận; người chế biến chưa đeo găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm; người chế biến chưa có tạp dề, khẩu trang. Chưa kể, rác thải thường đựng trong bao tải hoặc túi chưa cho vào thùng rác vận chuyển trong ngày...

Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của các tổ tư vấn giám sát của huyện tại các hộ gia đình, truyền thông về an toàn thực phẩm trên đài truyền thanh xã và trực tiếp tại thôn, khó khăn dần được khắc phục. Sau khi tập huấn, tuyên truyền, các địa phương yêu cầu người dân ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm khi nấu cỗ. Từ đó, các gia đình tổ chức bữa cỗ tập trung đông người đã được nâng cao nhận thức, kỹ năng, thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

“Để kiểm soát, quản lý được các cơ sở kinh doanh dịch vụ nấu cỗ, Phòng Y tế huyện Sóc Sơn đã tăng cường công tác tập huấn chuyên môn về an toàn thực phẩm cho Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm tại xã, trưởng thôn, y tế thôn, tổ tư vấn, giám sát cũng như đầu tư mua trang thiết bị xét nghiệm các mẫu thực phẩm. Ngoài ra, các địa phương cũng nên thường xuyên tổ chức tuyên truyền tại cộng đồng, phổ biến kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người... Và để mô hình này đạt kết quả tốt nhất, cần có sự vào cuộc và chung tay của các ban, ngành liên quan và cả người dân”, bà Lưu Thị Hồng Sen khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh cho rằng, từ hiệu quả thực tế của việc triển khai thí điểm mô hình an toàn thực phẩm, đến nay Sóc Sơn đã nhân rộng đến 26 xã, thị trấn và 245 thôn, làng; bảo đảm 100% bữa cỗ tập trung đông người tại các địa phương trên địa bàn huyện triển khai được kiểm soát an toàn thực phẩm.

Để mô hình này phát huy hơn nữa hiệu quả, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh, thời gian tới, UBND huyện Sóc Sơn và các cơ sở y tế địa phương sẽ tăng cường phối hợp trong công tác an toàn thực phẩm, đồng thời tổ chức các tổ tư vấn giám sát gồm đủ các ban, ngành, đoàn thể, y tế thôn, trưởng thôn... Mặt khác, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn cho tổ giám sát an toàn thực phẩm để tăng cường quản lý, nắm bắt tình hình các gia đình có tổ chức bữa cỗ đông người và hướng dẫn tư vấn cho họ thực hiện các điều kiện an toàn thực phẩm. Từ đó phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sóc Sơn: Nhân rộng mô hình kiểm soát bữa cỗ tập trung đông người