Nỗ lực vực dậy nghề gỗ ở Vạn Điểm

Sơn Tùng| 01/06/2020 07:18

(HNM) - Từ đầu năm 2020 tới nay, làng nghề mộc ở xã Vạn Điểm (huyện Thường Tín) gặp khó khăn khiến hàng nghìn lao động nông thôn bị mất hoặc gián đoạn việc làm. Trước thực tiễn này, nhiều biện pháp cụ thể nhằm vực dậy làng nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn đang được địa phương tích cực thực hiện.

Do đầu ra sản phẩm gặp khó khăn nên nhiều lao động ở làng nghề gỗ Vạn Điểm, huyện Thường Tín bị mất việc làm.

Xã Vạn Điểm có 3 thôn: Đặng Xá, Vạn Điểm và Đỗ Xá đều làm nghề mộc; trong đó, 2 thôn đã được thành phố công nhận làng nghề truyền thống chuyên sản xuất đồ gỗ cao cấp với hơn 1.000 hộ sản xuất lớn. Vào chính vụ, các làng nghề giải quyết việc làm cho gần chục nghìn lao động trong vùng.

Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề xã Vạn Điểm Phùng Đăng Tưởng cho biết, các làng nghề đang bị ảnh hưởng kép do việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ châu Phi và một số nước láng giềng bị dừng hoặc giảm tới 70%; giá gỗ nguyên liệu tăng mạnh, đầu ra sản phẩm bị chậm, dẫn tới khó khăn chồng chất.

Về thực tế này, ông Hoàng Văn Luyến ở thôn Vạn Điểm - chủ cơ sở chuyên sản xuất giường, tủ, bàn, ghế dẫn chứng: Nhiều cửa hàng kinh doanh đồ gỗ đóng cửa trong thời gian dài, đơn hàng bị sụt giảm mạnh. Từ đầu năm 2020 tới nay, doanh thu của làng nghề chỉ đạt 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc giảm mạnh quy mô sản xuất ảnh hưởng không nhỏ tới việc làm của nhiều lao động làng nghề. Anh Nguyễn Bá Bình - chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ Bá Bình - Thu Lương ở xóm Chùa (thôn Vạn Điểm) chia sẻ, trước đây, cơ sở thường xuyên có 8 lao động, nhưng do đầu ra sản phẩm khó khăn, xưởng chỉ bố trí việc làm cho một nửa số lao động, số còn lại phải nghỉ việc. Cơ sở sản xuất đang đối mặt với thiếu vốn do hàng tồn kho; thu nhập của người làm nghề thấp vì không bảo đảm ngày công...

Chị Nguyễn Thị Hà ở thôn Đỗ Xá cũng cho hay, trước đây, mỗi tháng chị có thu nhập ít nhất 5 triệu đồng từ công việc đánh bóng sản phẩm đồ gỗ cho các xưởng sản xuất lớn trong xã, thì nay thu nhập bình quân chỉ đạt 2 triệu đồng/tháng do ngày công ít bởi các xưởng chỉ sản xuất cầm chừng. Hiện tại, một số lao động tay nghề cao mới có việc làm; rất nhiều lao động thời vụ khó kiếm việc.

Theo Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm Nguyễn Văn Hà, sản phẩm của địa phương như: Bàn, ghế, giường, tủ, sập… đều được sản xuất từ các loại gỗ quý nhập khẩu (lim, gụ, hương, trắc, mun…) với giá thành nguyên liệu đầu vào cao, nên để hạ giá thành nhằm kích cầu, người làm nghề phải tìm cách tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, nhân công… Cũng theo ông Nguyễn Văn Hà, đây là thời điểm tốt cho khách hàng có nhu cầu mua sắm nội thất đồ gỗ bởi hàng hóa dồi dào, giá "mềm". Trong khó khăn, chính quyền thường xuyên động viên các hộ dân và doanh nghiệp nỗ lực cải tiến mẫu mã, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề. Đặc biệt, các hộ dân và doanh nghiệp tích cực đa dạng hóa loại hình bán hàng, đẩy mạnh bán hàng qua mạng internet…

Để tháo gỡ khó khăn, vực dậy làng nghề, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề xã Vạn Điểm Phùng Đăng Tưởng nêu giải pháp: "Trước mắt, các hộ gia đình cũng như doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ trên địa bàn xã rất cần các ngân hàng có chính sách hỗ trợ trong vay vốn, giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất... tạo điều kiện hoạt động ổn định trở lại. Về lâu dài, để làng nghề phát triển, tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn, chúng tôi mong muốn dự án mở rộng cụm công nghiệp làng nghề sớm được triển khai, qua đó giúp các cơ sở làm nghề thuận lợi về mặt bằng để mở rộng sản xuất, kinh doanh…".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực vực dậy nghề gỗ ở Vạn Điểm