Ba Vì phát triển kinh tế trang trại

Ánh Dương| 20/05/2020 07:10

(HNM) - Xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì) có vùng đồng trũng, rất thuận lợi để nông dân chuyển đổi, thực hiện mô hình nuôi thủy sản. Ông Lê Văn Năm ở thôn Mai Trai là một trong số những hộ chăn nuôi thủy sản của xã Vạn Thắng, cho biết, trang trại của gia đình có tổng diện tích 5ha, chủ yếu thả nuôi các loại cá chép, trắm, rô phi... Mỗi năm, trang trại thu hoạch khoảng 100 tấn cá, doanh thu đạt 4 tỷ đồng; trừ mọi chi phí, thu lãi 300-500 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng, Phùng Văn Điền thông tin: Xã được triển khai thực hiện mô hình trang trại nuôi thủy sản từ năm 2010 trên tổng diện tích hơn 200ha thuộc địa bàn các thôn: Mai Trai, Hậu Trạch, Nhuận Trạch… Nhờ hiệu quả kinh tế rõ rệt, đến nay, gần 20 hộ dân tham gia với quy mô 5-10ha/hộ, tổng doanh thu từ các trang trại đạt khoảng 30 tỷ đồng/năm.

Để giúp nông dân ở xã Vạn Thắng, hằng năm, Phòng Kinh tế huyện, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Trung tâm Giống thủy sản Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thả cá; đồng thời, mỗi trang trại được hỗ trợ 50% cá giống và thức ăn trên diện tích 1ha… “Về tiêu thụ cá thương phẩm, các chủ trang trại vừa bán cho thương lái, vừa được các trung tâm hỗ trợ, giới thiệu đơn vị bao tiêu sản phẩm. Nhờ ổn định đầu ra, các hộ yên tâm tập trung nuôi thả cá, nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng”, ông Phùng Văn Điền cho hay.

Khác với Vạn Thắng, các xã: Tản Lĩnh, Ba Trại, Vân Hòa… có địa thế vùng đồi, núi, phù hợp phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Điển hình như xã Tản Lĩnh, đến nay đã phát triển được hàng chục trang trại, gia trại chăn nuôi đà điểu, bò sữa và chăn nuôi tổng hợp… Điển hình là ông Nguyễn Văn Trung ở thôn Tam Mỹ - hộ chăn nuôi đà điểu quy mô lớn trong xã với hơn 400 con, doanh thu hàng tỷ đồng/năm.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tản Lĩnh Ngô Gia Huệ cho biết: Ngoài mô hình trang trại chăn nuôi, trên địa bàn xã có một số hộ làm mô hình gia trại trồng trọt, như các hộ ông Khuất Duy Thế, ông Bùi Việt Hà, ông Đỗ Mạnh Quân… trồng cây mai trắng, thu nhập từ 500 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/năm. Hay như mô hình chăn nuôi tổng hợp của nhiều hộ gia đình tại các thôn: Hoàng Long, Bát Đầm, Gò Sống… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi trang trại một năm. Tương tự, nông dân các xã: Cẩm Lĩnh, Vạn Thắng, Phú Đông… cũng phát triển mô hình trang trại tổng hợp chăn nuôi gia cầm (gà đẻ, gà thương phẩm) kết hợp trồng cây ăn quả đạt hiệu quả kinh tế cao, ổn định.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông, cùng với nhân rộng các trang trại chăn nuôi, huyện Ba Vì còn tập trung phát triển mạnh đàn bò thịt, lợn siêu nạc, gà đồi, cá đặc sản an toàn, hữu cơ; gắn phát triển chăn nuôi với khâu giết mổ, chế biến tiêu thụ sản phẩm; quảng bá, phát triển thương hiệu các sản phẩm: Bò BBB, Wagyu, gà đồi Ba Vì… tiến tới xây dựng quy trình chăn nuôi, chế biến, bảo quản trong chuỗi sản xuất với mục tiêu đạt hiệu quả kinh tế cao và tăng thu nhập cho nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba Vì phát triển kinh tế trang trại