Yên Bình - bức tranh quê khởi sắc

Ngọc Quỳnh| 24/04/2020 14:09

(HNMCT) - Gần 12 năm kể từ khi sáp nhập về Thủ đô Hà Nội, diện mạo đời sống kinh tế - xã hội của xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) đã “lột xác” đến mức ngỡ ngàng. Có đi vào các thôn xóm, trò chuyện với bà con mới thấy được sự đổi thay lớn nhất ở vùng quê này không hẳn là cơ sở hạ tầng, mà chính là sự thay đổi trong nhận thức của người dân về phát triển kinh tế, vượt khó vươn lên làm giàu...

Đường làng xã Yên Bình khang trang, sạch đẹp.

Vùng quê giàu đẹp

Đoạn đường Láng - Hòa Lạc kéo dài đi vào xã Yên Bình vắng vẻ do đang thực hiện giãn cách xã hội nhưng cảm nhận chung là không còn dấu vết của quá khứ gian khó. Những cánh đồng bạt ngàn hoa và rau, đường bê tông uốn lượn giữa núi đồi, hai bên thấp thoáng biệt thự giữa vườn hoa rực rỡ khoe sắc, tạo ấn tượng về một vùng quê giàu đẹp.

Khu chuyển đổi cây trồng của ông Bùi Thanh Vân, người dân tộc Mường, ở thôn Dân Lập. Theo ông Vân, có được cơ ngơi khang trang là nhờ nỗ lực của gia đình cùng sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Sau khi xã Yên Bình sáp nhập vào huyện Thạch Thất của Hà Nội, ông Vân cùng nhiều người dân địa phương được đi tham quan một số nơi để học tập mô hình kinh tế trang trại. Hẳn vì thế mà hơn 1ha trang trại của ông giờ đã được phủ xanh bằng khoảng 300 gốc bưởi Diễn. Nhờ áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc tiên tiến nên năng suất cao hơn hẳn. Nếu như trước kia thu nhập chỉ đạt 30 - 40 triệu đồng/năm thì nay trang trại mang lại cho gia đình ông 300 - 400 triệu đồng/năm. Khâu tiêu thụ cũng dễ dàng hơn nhờ liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm...

Vừa chăm sóc vườn bưởi đang ra quả non, hứa hẹn mùa trái ngọt bội thu, ông Đào Xuân Hùng - cũng là người Mường ở thôn Dân Lập - vừa hồ hởi kể: Trước đây dân Yên Bình chỉ biết trồng lúa nên rất nghèo. Chuyển sang trồng cây ăn quả là cả một quá trình khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, sau một thời gian tìm hiểu kỹ thuật qua các lớp tập huấn, kết hợp đọc sách báo và tham quan, học hỏi kinh nghiệm các nơi, đến nay gần 1ha bưởi Diễn của ông đã cho thu hoạch mỗi năm khoảng 300 triệu đồng. Nhờ cây bưởi Diễn mà gia đình ông đã xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi...

Thăng trầm một vùng đất

Thời Pháp thuộc, xã Yên Bình có tên là xã Quang Diệu, thuộc châu Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xã Quang Diệu và xã Yên Lệ hợp nhất thành xã Yên Quang thuộc huyện Lương Sơn. Tháng 10-1948, xã Yên Quang được sáp nhập vào huyện Kỳ Sơn. Ngày 10-11-1956, xã Yên Quang tách thành 3 xã Yên Bình, Yên Quang, Yên Trung. Xã Yên Bình chính thức được thành lập và chuyển về huyện Lương Sơn, lúc ấy có khoảng 150 hộ, 600 nhân khẩu.

Cuối năm 1975, Hà Đông, Sơn Tây, Hòa Bình hợp nhất thành tỉnh Hà Sơn Bình. Giai đoạn 1977 - 1978, thực hiện phong trào xây dựng kinh tế mới, Yên Bình trở thành “vùng đất hứa” thu hút hàng trăm hộ dân ở Thạch Thất, Sơn Tây, Phúc Thọ lên khai hoang, lập nghiệp. Năm 1991, tỉnh Hà Sơn Bình lại tách thành tỉnh Hà Tây và Hòa Bình.

Ngày 1-8-2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, xã Yên Bình nằm trong số 4 xã của huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình (gồm Yên Bình, Yên Trung, Tiến Trung và Đông Xuân) sáp nhập về hai huyện Thạch Thất và Quốc Oai của Thủ đô Hà Nội. Hiện nay toàn xã có tổng diện tích đất tự nhiên là 2.073,06ha, với 6 thôn, hơn 1.800 hộ, khoảng 7.800 nhân khẩu, có 2 dân tộc cùng chung sống là Kinh và Mường, trong đó tỷ lệ người Mường là hơn 40% dân số...

Điểm qua vài thông tin tư liệu, số liệu để thấy, trong hơn 65 năm hình thành và phát triển, vùng đất này có lịch sử khá thăng trầm. Có lẽ vì thế mà kinh tế - xã hội ở Yên Bình trước đây rất khó khăn. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Giáp Dần nhớ lại: “Trước khi về với Thủ đô, cơ sở vật chất ở Yên Bình gần như không có gì, hệ thống giao thông thì hơn 90% là đường đất... Giao thương khó khăn cộng với thiếu vốn, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật... nên năng suất, sản lượng không cao. Thu nhập trên 1ha canh tác năm 2007 chỉ đạt 72 triệu đồng, thu nhập bình quân chỉ đạt 9 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 14,5%...”.

Đời sống mới ở vùng đất mới

Một mô hình phát triển chăn nuôi trên địa bàn xã Yên Bình.

Sau khi “về với Thủ đô”, Yên Bình luôn nhận được sự quan tâm của Thành phố và huyện Thạch Thất. Đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 31-10-2011 của Thành ủy Hà Nội, Kế hoạch 166/KH-UBND ngày 30-11-2012 và mới đây là Kế hoạch 138/KH-UBND ngày 15-7-2016 của UBND thành phố Hà Nội (những văn bản quan trọng khẳng định quan điểm, chủ trương của Thành phố trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô) đã giúp cho cơ sở hạ tầng cũng như đời sống kinh tế - xã hội ở Yên Bình thực sự khởi sắc.

Kể từ năm 2008 đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng ở đây cơ bản đã được nâng cấp; trường học, trạm y tế, trụ sở UBND xã, trung tâm văn hóa, các nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang với tổng kinh phí đầu tư trên 200 tỷ đồng. Đến năm 2015, Yên Bình đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, được Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hiện đang hướng tới mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

“Đến nay, trên địa bàn xã có hơn 100ha trồng cây ăn quả như bưởi Diễn, thanh long ruột đỏ, nhãn chín muộn, đu đủ, chuối tiêu hồng... Một số mô hình có giá trị kinh tế cao như trồng hoa ly đạt khoảng 150 - 200 triệu đồng/sào, hoa cúc 30 - 60 triệu đồng/sào. Bình quân mỗi sào ruộng trồng hoa cho thu nhập tăng gấp 2 - 3 lần so với khi trồng lúa. Năm 2017, xã đã chuyển đổi 25ha rừng tạp sang trồng rừng sinh thái kết hợp trồng cây ăn quả và dược liệu, bước đầu đạt hiệu quả. Nhờ vậy, thu nhập bình quân của xã hiện nay đạt 50 triệuđồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,76%. Song, điều đáng nói là nhiều người dân tộc Mường đã thay đổi cách nghĩ, nếp làm ăn để mang lại thu nhập cao cho gia đình” - Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Giáp Dần cho biết thêm.

Trong những năm qua, xã Yên Bình luôn chú trọng phát triển văn hóa, xây dựng “người Yên Bình thanh lịch, văn minh”. Nhờ vậy, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ Gia đình văn hóa hằng năm được giữ vững ở mức hơn 94%.

Ông Nguyễn Giáp Dần chia sẻ: Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thành phố và của huyện, các hội, đoàn thể ở Yên Bình đã tích cực tuyên truyền, vận động tới từng gia đình, từng người dân. Đa số người dân, kể cả bà con dân tộc Mường ở xã đã có ý thức chung tay xây dựng nếp sống văn hóa mới nên các hủ tục trong việc tang, việc cưới đã được giảm thiểu. Nếu như năm 2016 tỷ lệ hỏa táng trên địa bàn xã mới đạt 16% thì tới năm 2019 đã là 90,5%. Nghi thức tang lễ ngày càng nhanh gọn, tiết kiệm, trang trọng, văn minh.

Không chỉ nâng cao đời sống vật chất, thực hiện nếp sống văn minh mà người Yên Bình còn quan tâm nhiều đến đời sống tinh thần, phát triển thể chất. Các câu lạc bộ thơ, câu lạc bộ thể dục thể thao phát triển sâu rộng ở các thôn, đặc biệt là phong trào rèn luyện thân thể trong các trường học phát triển mạnh. Công tác giáo dục truyền thống gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Mường được quan tâm. Toàn xã hiện có 12 đội cồng chiêng, nhiều trò chơi dân gian của người Mường được khôi phục.

“Cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo. Con em chúng tôi được học ở những ngôi trường mới cao đẹp, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, các hủ tục dần bị loại bỏ, người dân sống văn minh hơn. Dẫu cuộc sống chưa hết khó khăn nhưng người Yên Bình rất yên tâm, phấn khởi trước những thay đổi hôm nay” - ông Đặng Văn Mùi ở thôn Dục phấn khởi nói.

Rời Yên Bình giữa buổi trưa ngập nắng, nhìn những lá cờ phấp phới dọc con đường rợp bóng cây xanh, xuyên qua những thửa ruộng rau, vườn hoa và những dãy nhà cao tầng san sát tựa lưng vào núi mà lòng lâng lâng cảm xúc vui cùng bà con nơi đây. Sau 12 năm về với Thủ đô, cuộc sống ở Yên Bình đã khởi sắc, sinh động và ngày càng sung túc, văn minh, góp phần tô điểm cho bức tranh nông thôn miền núi tươi đẹp của Thủ đô nghìn năm tuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yên Bình - bức tranh quê khởi sắc