Giải bài toán về nâng cao thu nhập ở Ba Vì

Kim Nhuệ| 17/04/2020 07:18

(HNM) - Nâng cao thu nhập cho người dân là tiêu chí khó thực hiện nhất trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Đối với huyện Ba Vì lại càng khó hơn khi đời sống của người dân phần lớn phụ thuộc vào phát triển nông nghiệp... Giải bài toán này thế nào để Ba Vì trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2023 đang là vấn đề đặt ra.

Là một trong 7 xã miền núi, nhưng đến Ba Vì những ngày này hiếm gặp những con đường đất đỏ, lầy lội hay những nếp nhà tạm bợ như trước đây… “Được các cấp chính quyền hỗ trợ kinh phí xây cho ngôi nhà nên nhiều năm nay, gia đình tôi không phải lo mưa, nắng, dông, bão…”, ông Triệu Phú Hợp ở thôn Hợp Nhất (xã Ba Vì, huyện Ba Vì) vui mừng cho hay. Tuy nhiên, khi nói về thu nhập của gia đình, ông Triệu Phú Hợp bộc bạch: “Nhà tôi có 5 người, mọi chi tiêu đều trông vào 2 sào ruộng và nghề hái thuốc Nam…”.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chủ tịch UBND xã Ba Vì Dương Trung Liên cho biết, xã có tới 98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số; thu nhập của người dân phụ thuộc vào nông nghiệp và nghề trồng, thu hái, chế biến thuốc Nam… Tuy nhiên, về nông nghiệp, toàn xã chỉ có 21ha trồng lúa nước, trình độ canh tác của người dân còn lạc hậu… Bên cạnh đó, nghề trồng và chế biến thuốc Nam mới chỉ dừng lại ở quy mô hộ, chưa đầu tư máy móc, mở rộng thị trường để nâng cao hiệu quả sản xuất… Do vậy, thu nhập bình quân của người dân xã Ba Vì năm 2019 chỉ đạt 25 triệu đồng/ người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 7,4% dân số toàn xã…

Tương tự, xã Khánh Thượng cũng có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số lớn, diện tích đất chủ yếu là lâm nghiệp, ít nghề phụ nên thu nhập của người dân bấp bênh. Hiện nay, thu nhập bình quân toàn xã chỉ đạt 31 triệu đồng/người/ năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ xếp sau xã Ba Vì với 6,09%...

Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho biết, sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, 18 xã trên địa bàn huyện đã “về đích”. Tại các xã này, không chỉ diện mạo khang trang hơn mà đời sống của người dân cũng nâng lên. Tuy nhiên, huyện Ba Vì hiện vẫn còn tới 12 xã chưa hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới… Mặc dù cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội ở các xã này đã được đầu tư tốt hơn, nhưng thu nhập của người dân, đặc biệt là tại các xã: Ba Vì, Khánh Thượng, Cam Thượng… chỉ đạt khoảng 30 triệu đồng/năm, trong khi toàn huyện là 41 triệu đồng/năm…

Đánh giá về kết quả xây dựng nông thôn mới tại 12 xã chưa "về đích", Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh cho rằng, nhiều cấp ủy, chính quyền vẫn chưa thực sự quyết liệt, chủ động xây dựng kế hoạch khai thác các nguồn lực ngoài ngân sách; vẫn trông chờ nguồn kinh phí hỗ trợ từ cấp trên. Khi có kinh phí hỗ trợ, nhiều xã mới tập trung cho xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng chưa quan tâm đến đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân…

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2022, 12 xã còn lại “về đích”, tạo tiền đề cho Ba Vì hoàn thành chương trình xây dựng huyện nông thôn mới vào năm 2023, Bí thư Huyện ủy Ba Vì yêu cầu các xã và đơn vị liên quan tập trung khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai, đóng góp từ nhân dân, ngân sách nhà nước hỗ trợ… Trên cơ sở đó, các xã ưu tiên đầu tư xây dựng các mô hình gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo. Trong đó, mỗi xã chọn 1-2 cây, con, ngành nghề có triển vọng, quy hoạch cụ thể, bố trí nguồn lực để xây dựng mô hình. Cùng với đó, huyện sẽ ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các xã ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao vào sản xuất và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nông thôn mới…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải bài toán về nâng cao thu nhập ở Ba Vì