Những “pháo đài” chống dịch ở thôn, làng

Nguyễn Mai| 10/04/2020 06:21

(HNM) - Trong cuộc chiến với "giặc Covid-19", nhiều thôn, làng khu vực ngoại thành Hà Nội đã chủ động hình thành nên những “pháo đài” kiên cố để phòng, chống dịch bệnh. Đa số người dân đều coi việc chống "giặc Covid-19" là việc nước, việc làng, từ đó đưa các nội dung phòng, chống dịch vào quy ước của thôn, làng; hỗ trợ những người gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; phát huy tinh thần tương thân, tương ái; tạo sức mạnh đoàn kết trong cộng đồng...

Một chốt kiểm soát y tế tại thôn Kim Đái, xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây).

“Lũy thép” thôn, làng

Những ngày này, khi đến các vùng quê ngoại thành Hà Nội, điều dễ nhận thấy nhất là những chốt kiểm tra y tế ở đầu mỗi thôn, làng. Một chiếc barie dựng tạm, một chiếc ô, chiếc bạt đơn sơ và những người “bám chốt” chính là công dân của làng, của xã... Đây được coi là những "lũy thép" trong công tác phòng, chống sự lây lan của dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Đông Xuân (huyện Sóc Sơn) thông tin, huyện Sóc Sơn có nhiều tuyến đường giao thông lớn chạy qua, đặc biệt có Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, do vậy, trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, xã đã lập 11 chốt kiểm soát ra, vào ở 10 thôn. Hằng ngày, thông tin từ các chốt được cập nhật về Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 xã Đông Xuân. Trực chốt ở đầu thôn Thượng, bà Phạm Thị Luận, cho biết thêm: “Chúng tôi kiểm soát những người ra, vào thôn; nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang và hạn chế đi lại. Với những người lạ thì yêu cầu khai báo thông tin cá nhân, tình hình sức khỏe, nơi đến và được đo thân nhiệt...”. 

Với phương châm "chống dịch như chống giặc", ngoài việc lập chốt kiểm tra y tế, kiểm soát người ra, vào, tăng cường công tác tuyên truyền, nhiều xã đã tổ chức lực lượng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Bí thư Đảng ủy xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) Trần Quốc Oai cho biết, đến sáng 9-4, địa phương đã xử phạt 7 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng. "Ở nông thôn, việc xử phạt các trường hợp không chấp hành các quy định có những khó khăn nhất định bởi mối quan hệ anh em, họ hàng, làng xóm... Tuy vậy, xã tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và xử lý nghiêm theo đúng các quy định về phòng, chống dịch bệnh" - ông Oai nói.

Nhiều nơi còn đưa các quy định phòng, chống dịch vào quy ước của thôn, làng. Ông Lê Đăng Vệ, Trưởng thôn Phố Chợ, xã Cổ Loa (huyện Đông Anh) cho biết, nhân dân trong thôn đã đồng thuận đưa vào quy ước của thôn, nếu ai vi phạm như tụ tập đông người, không đeo khẩu trang sẽ bị phạt tiền và lao động công ích vệ sinh trong thôn... “Sự đồng tâm, đồng lòng và ý thức phòng dịch của bản thân mỗi người dân sẽ là “pháo đài” chống dịch hiệu quả", ông Vệ nói.

Hội viên Hội Nông dân thị xã Sơn Tây quyên góp ủng hộ rau, củ, quả cho các lực lượng chống dịch của thị xã Sơn Tây.

Phát huy vai trò của gia đình, dòng họ

Coi việc của làng, của xã cũng là việc của gia đình, bản thân..., những ngày qua, Trưởng thôn Cổ Đô (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì) Nguyễn Ngọc Nho luôn tất bật. Khi thì ông đến các gia đình để thu thập thông tin về những người từng đến Bệnh viện Bạch Mai; khi thì đi họp trên xã rồi về phổ biến tới người dân các biện pháp phòng dịch; lúc lại đi giám sát các gia đình phải cách ly tại nhà để theo dõi... Còn chị Bùi Thị Hiếu, tổ dân phố số 3, phường Viên Sơn (thị xã Sơn Tây) đã ủng hộ 2,5 tấn rau cải bắp, su su, rau muống, khoai tây... do gia đình trồng để nấu cơm cho các lực lượng phòng dịch và các gia đình phải cách ly, qua đó góp sức vào công tác chống dịch của thị xã và thành phố.

Cũng vì việc làng, việc xóm, tại huyện Đông Anh, hơn 700 y, bác sĩ nghỉ hưu trở thành những cộng tác viên thường xuyên của nhà văn hóa, cụm dân cư để tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng, chống dịch. Và chính nhà văn hóa của các thôn, làng đã trở thành trung tâm phòng, chống dịch của cộng đồng dân cư và là nơi cung cấp vật tư, lương thực, thực phẩm, thuốc men cho các hộ dân theo nguyên tắc “4 tại chỗ”...

Trong khi đó, theo ông Phan Văn Lân - Trưởng họ Phan, xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), dòng họ Phan đã yêu cầu 600 gia đình trong họ thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch của địa phương, sử dụng khẩu trang khi giao tiếp hoặc khi ra khỏi nhà, vệ sinh nhà cửa hằng ngày... Đặc biệt, ngày giỗ họ hồi tháng Giêng Canh Tý vừa qua, tuy chưa phải thời điểm dịch bùng phát mạnh như hiện nay, dòng họ Phan của ông cũng chỉ làm lễ tại nhà thờ họ, không tập hợp anh em, con cháu ăn hàng trăm mâm cỗ như mọi năm.

Chung tay phòng, chống dịch Covid-19, nhiều gia đình đã tạm hoãn hoặc thu hẹp quy mô đám cưới. Nhắc lại việc không tổ chức cỗ cưới cho con gái, ông Nguyễn Văn Giáp, thôn Đĩnh Tú (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai) cho biết: “Ngày 14-3 vừa qua, gia đình tôi tổ chức lễ cưới cho con gái, không mời ăn cỗ; phần lễ chỉ hai bên gia đình nội ngoại tham dự. Đây là quyết định khó khăn, khi thiếp mời đã được gửi tới anh em, bạn bè, cỗ đã đặt xong... Tuy nhiên, tôi và các bậc vai trên trong họ vẫn quyết định tổ chức gọn nhẹ, góp sức cùng cộng đồng tránh nguy cơ lây lan dịch Covid-19”.

Nâng cao vai trò của gia đình, dòng họ, phát huy truyền thống chung sức lo việc làng, việc xã, những người dân khu vực ngoại thành Thủ đô đang cùng nhau vượt qua khó khăn, phát huy sức mạnh đoàn kết trong cộng đồng, tạo dựng những "pháo đài" chống dịch kiên cố nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những “pháo đài” chống dịch ở thôn, làng