Hoài Đức: Phát triển nông nghiệp theo quy hoạch vùng

Ánh Dương| 23/03/2020 08:02

(HNM) - Những năm gần đây, huyện Hoài Đức tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, bền vững, an toàn thực phẩm. Đặc biệt, huyện khuyến khích các địa phương phát triển mạnh vùng chuyên canh, tập trung trồng rau an toàn, hoa, cây cảnh, cây ăn quả... theo quy hoạch vùng, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản.

Thời gian qua, nông dân ở một số xã vùng đồng của huyện Hoài Đức đã chuyển đổi hàng trăm héc ta từ trồng lúa sang trồng bưởi, nhãn, ổi, táo, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tính trên toàn địa bàn, đến nay huyện Hoài Đức đã phát triển được 158ha trồng ổi Đài Loan, ổi Thái Lan, 110ha trồng táo đại, táo đào… tập trung ở các xã: Kim Chung, Di Trạch, Đức Giang, Đắc Sở, Dương Liễu…

Tại địa bàn xã Kim Chung, từ năm 2015, nhiều xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Đoàn Kết đã chuyển đổi, trồng ổi và táo. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đoàn Kết Nguyễn Đắc Ý chia sẻ: Toàn xã có tổng diện tích 34,34ha trồng ổi Đài Loan, ổi Thái Lan (chiếm 27ha) và táo đại, táo đào... Người dân đã chủ động học hỏi, tìm hiểu, áp dụng kỹ thuật trong quá trình chăm sóc nên ổi, táo đều ngọt, cùi dày, giòn... được thị trường ưa chuộng.

Mặc dù sinh sống ở xã Di Trạch (huyện Hoài Đức), nhưng ông Nguyễn Văn Mạnh đã mạnh dạn thuê tới 4ha đất nông nghiệp của các thôn Yên Vĩnh, Đại Tự (xã Kim Chung) để trồng ổi. “Ổi là loại cây ăn quả ngắn ngày, cho thu hoạch quanh năm, có tiềm năng phát triển ở vùng đồng. Trang trại trồng ổi của tôi cho giá trị thu nhập khoảng 400-500 triệu đồng/ha/năm” - ông Mạnh đánh giá.

Còn với vùng đất bãi, nhiều xã tập trung sản xuất rau chuyên canh (trên diện tích 520ha) và rau an toàn (113,5ha). Giá trị sản xuất cây rau chiếm tới 40% trong tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt của huyện. Cây rau được chuyên canh chủ yếu tại các xã: Vân Côn, Song Phương, Cát Quế, Tiền Yên…

Theo đánh giá của Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức, vùng trồng rau trên địa bàn huyện đã có từ nhiều năm trước, nhưng vài năm trở lại đây, huyện và Sở NN&PTNT Hà Nội đã đầu tư một số dự án phát triển rau an toàn, rau sản xuất theo quy trình VietGAP, qua đó, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Hào ở Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ, xã Tiền Yên chia sẻ: Hợp tác xã có khoảng 500 hộ xã viên tham gia trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP trên tổng diện tích hơn 33ha. Do thâm canh tốt nên mỗi năm, các xã viên có thể sản xuất được 7 vụ. Mỗi ngày hợp tác xã cung cấp ra thị trường 12-15 tấn rau các loại thông qua một số công ty thu mua, bao tiêu sản phẩm…

Riêng diện tích cây ăn quả, huyện tập trung phát triển các loại quả chất lượng cao, sản xuất theo quy trình an toàn, hữu cơ, tiêu chuẩn xuất khẩu ứng dụng công nghệ cao, như: Bưởi Diễn, bưởi Cát Quế, bưởi La Tinh, nhãn chín muộn… tại các xã vùng bãi: Song Phương, An Thượng, Đông La, Dương Liễu… phấn đấu đạt diện tích hơn 900ha.

Đặc biệt, huyện mới phát triển sản xuất hoa lan trên diện tích 2ha tại xã Đông La và An Thượng. Lan được trồng bằng giống nuôi cấy mô, giúp các hộ sản xuất nâng cao kỹ thuật trồng hoa lan công nghiệp, thay thế dần hoa lan rừng, cho cây giống khỏe, phát triển tốt, thu nhập hơn 250 triệu đồng/sào. Hoa lan Đông La đang được nhiều người dân Hà Nội và một số tỉnh lân cận ưa chuộng…

“Năm 2020, Hoài Đức tiếp tục tập trung phát triển sản xuất chuyên canh theo quy hoạch vùng, gắn sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao như hoa, rau, quả an toàn; nâng diện tích cây rau đạt 750ha/vụ, trong đó có 70ha được cấp chứng nhận vùng sản xuất rau an toàn” - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoài Đức: Phát triển nông nghiệp theo quy hoạch vùng