Lan tỏa tiếng thơm làng khoa bảng

Nguyễn Văn Công| 15/03/2020 06:43

(HNM) - Thăng Long - Hà Nội có rất nhiều ngôi làng khoa bảng, trong đó không thể không nhắc đến thôn Bình Vọng (xã Văn Bình, huyện Thường Tín). Trong những năm gần đây, người dân thôn Bình Vọng đã luôn giữ gìn, phát huy và lan tỏa truyền thống hiếu học cũng như các giá trị di sản văn hóa - lịch sử của cha ông để lại.

Thư viện thôn Bình Vọng (xã Văn Bình, huyện Thường Tín) có hàng trăm lượt người đọc mỗi ngày.

1. Nhà Văn hóa thôn Bình Vọng có lẽ được xây dựng từ khá lâu nên ít nhiều nhuốm màu thời gian. Mới hơn 8h sáng cuối tuần mà thư viện thôn - nằm ở tầng 1, bên góc trái nhà - đã nhộn nhịp người ra vào. Mấy người cao tuổi tóc hoa râm đang lúi húi sắp xếp sách báo, rửa cốc chén, quét dọn... Thoạt nhìn chẳng thể nghĩ đây là thư viện chốn thôn quê, bởi các kệ sách cao quá đầu người phủ kín bốn bức tường, đủ các loại sách văn học, sách giáo khoa, sách kỹ thuật, truyện tranh... và cả những tập báo, tạp chí được đóng thành quyển dày cộp. Thấy có khách đến, một người bước lại hỏi: “Các anh đến quyên góp sách báo phải không?”. Anh bạn nhà văn đi cùng liền thưa: “Dạ, chúng cháu mang mấy cuốn sách mới về biếu tặng thư viện thôi ạ!”.

Sau khi nhận sách, bà Dương Thị Lộ, Phó Chủ nhiệm Thư viện thôn Bình Vọng mời chúng tôi uống trà và cho biết: Thư viện thôn Bình Vọng được thành lập năm 1999, là thư viện đầu tiên của huyện Thường Tín. Ý tưởng thành lập thư viện là của các ông Dương Văn Phi và Lương Văn Tăng. Vốn là những cán bộ, sĩ quan quân đội nghỉ hưu, nhận thấy mỗi buổi chiều hằng ngày người già, trẻ nhỏ tập trung rất đông ở nhà văn hóa mà không có gì để giải trí, các ông bàn nhau mang hết sách báo nhà mình ra quyên góp, thành lập thư viện, phát triển văn hóa đọc ở thôn quê. Tính đến nay, Thư viện thôn Bình Vọng đã hoạt động được 21 năm. Từ số đầu sách ban đầu chưa đến 100 quyển, nay thư viện đã có “gia tài” khá đồ sộ với hơn 5.000 cuốn sách và khoảng 2.000 tờ báo, tạp chí các loại…

Đang dở câu chuyện bỗng thấy mấy cháu nhỏ đứng thập thò ở cửa, bà Lộ liền vẫy tay: “Vào đây bà làm thẻ cho nào!”. Thì ra ai đến đọc sách đều được làm thẻ ra vào và mượn sách. “Trẻ con ở đây có thẻ mới vào đọc sách, không là cứ đứng thập thò ngoài cửa. Mượn sách bao giờ cũng trả đúng ngày, ý thức rất cao, còn hơn cả một thói quen” - bà Lộ vui vẻ cho biết. 

Đáng nể ở chỗ, tiếng là thư viện thôn nhưng công tác quản lý khá bắt nhịp với “thời đại 4.0”. Tất cả các cuốn sách đều có mã số, được nhập vào chiếc máy tính của thủ thư, là công cụ quản lý đắc lực từ chục năm nay của Ban chủ nhiệm thư viện. Trong hàng chục tấm bằng khen và ảnh lưu niệm treo khắp căn phòng nhỏ có bức ảnh cụ Nguyễn Văn Tố. Thì ra trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cụ Tố khi đó là Hội trưởng Hội Truyền bá chữ quốc ngữ đã về Bình Vọng tổ chức lớp dạy chữ quốc ngữ đầu tiên ở nước ta. Ngày đó, thanh niên thôn Bình Vọng còn cho ra đời tờ bích báo “Bình Vọng mới” với nội dung xây dựng nếp sống mới, bài trừ mê tín dị đoan…

2. Dẫn khách đi thăm đền thờ Tiến sĩ Trần Lư, ông Nguyễn Hồng Hải - Bí thư Chi bộ thôn Bình Vọng tự hào kể về nhân vật đã làm rạng danh mảnh đất quê hương. Cụ Trần Lư đỗ Tiến sĩ năm Nhâm Tuất 1502, làm quan đến chức Hiến sát sứ, hai lần đi sứ Trung Quốc và mang nghề sơn thếp về làng. Đến nay, tuy Bình Vọng không còn giữ được nghề sơn thếp nhưng ở phố Nam Ngư (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn còn đền thờ tổ nghề sơn thếp Trần Lư. Ngoài Tiến sĩ Trần Lư, Bình Vọng còn rạng rỡ với những cái tên như Nguyễn Hữu Đăng (đỗ Tiến sĩ năm Đinh Mùi 1667), Lê Nguyễn Thường (Lê Trọng Thường, đỗ Tiến sĩ năm Nhâm Thìn 1772), Lê Tông Quang (đỗ Tiến sĩ năm Nhâm Ngọ 1822), Nguyễn Tông (Nguyễn Trữ, đỗ Tiến sĩ năm Kỷ Sửu 1829)…

Phải chăng truyền thống khoa bảng, hiếu học chính là động lực để người dân thôn Bình Vọng lui tới thư viện hằng ngày để đọc sách báo, sau những giờ vất vả với công việc đồng áng, đi chợ, đi học…? Như đọc được suy nghĩ của tôi, Bí thư Chi bộ thôn chia sẻ: "Năm vừa rồi, làng có tới 26 cháu trúng tuyển vào đại học, thuộc tốp cao nhất huyện Thường Tín, đặc biệt là các cháu ít nhiều có tuổi thơ gắn bó với thư viện thôn. Tiếc rằng, người đặt nền móng xây dựng thư viện, quản thư tận tâm Lương Văn Tăng đã qua đời dịp trước Tết Nguyên đán vừa qua, không còn được chứng kiến con em làng mình đỗ đạt, tiếp nối truyền thống, làm rạng danh tiếng thơm của làng".

Cầu Bình Vọng, nét đặc trưng cho văn hóa làng quê Bắc Bộ.

Dạo bước trên con đường làng thênh thang, chúng tôi còn được nghe chuyện Tướng quân Trần Nhật Duật đánh tan giặc Nguyên Mông trong trận Hàm Tử năm 1285. Làng Bình Vọng chính là nơi đồn trú của quân nhà Trần trước khi tiến ra sông Hồng. Trước đó, Trần Nhật Duật đã được báo mộng “tướng quân ra trận lần này ắt sẽ thắng to”, quả nhiên quân dân nhà Trần đã đánh bại quân Nguyên Mông làm nên chiến thắng “Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử bắt quân thù” lẫy lừng lịch sử Đại Việt. Nhân dân Bình Vọng lập đền thờ Trần Nhật Duật như một minh chứng lịch sử, để đời đời ghi nhớ công ơn người anh hùng dân tộc.

3. Cũng giống với nhiều làng quê thôn dã khác, Bình Vọng có đình, có chùa cùng những nếp nhà xưa. Song điểm khác biệt nhất ở nơi đây so với các làng quê Bắc Bộ khác chính là cầu ngói bắc qua hồ nước trước đình, kiến trúc giống như chùa Cầu ở Hội An. Cây cầu dài chừng 20m, rộng khoảng 3m và có 5 gian, kiến trúc kiểu “thượng gia hạ kiều” (trên là nhà dưới là cầu), hai bên đầu cầu có bốn chiếc ghế đá nguyên khối đã mòn nhẵn theo thời gian. Nghe nói khoảng những năm 40 của thế kỷ trước, cầu ngói bị phá hủy bởi chiến tranh nên năm 2005 dân làng góp tiền dựng lại cầu theo mô tả của người cao niên. Chỉ cách thư viện vài bước chân nên cây cầu là nơi đám trẻ trong thôn thường mang sách báo ra đọc cho thoáng mát. Ông Hải cho biết thêm, cụm di tích đình, chùa, cầu Bình Vọng đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Thôn Bình Vọng nói riêng và xã Văn Bình nói chung cũng đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống nhân dân càng ngày càng khấm khá...

Ngắm nhìn phong cảnh làng quê Bình Vọng đẹp một cách yên bình mà thấy đúng như một danh sĩ đất này từng nói: “Bình Vọng tựa như vân tán, thế địa linh tất sinh nhân kiệt”. Trải qua nghìn năm lịch sử, mảnh đất này đã sản sinh biết bao tấm gương xây đắp nên truyền thống khoa bảng, và các thế hệ người Bình Vọng hôm nay đã tích cực noi gương tiên tổ, tiếp nối, lan tỏa truyền thống hiếu học, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của ngôi làng cổ nghìn năm tuổi nổi tiếng của đất danh hương Thường Tín.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa tiếng thơm làng khoa bảng