Ba Vì - nhìn từ tiềm năng...

Dương Hằng| 27/02/2020 11:56

(HNMCT) - Vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở 7 xã miền núi huyện Ba Vì lâu nay không còn xa lạ với người dân Thủ đô. Nhưng mỗi ngày trở lại đây là mỗi ngày chúng tôi cảm nhận thêm những đổi thay trên mảnh đất giàu bản sắc và còn không ít tiềm năng phát triển...

Nghề làm thuốc Nam giúp nhiều hộ dân người dân tộc Dao xã Ba Vì (huyện Ba Vì) thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Thoát nghèo bằng hướng đi riêng

Từ Khu di tích lịch sử K9, rẽ trái theo tuyến đường tỉnh 415, qua Dốc Sổ dựng đứng, ngoằn ngoèo, chúng tôi đến xã Ba Vì (huyện Ba Vì). Nhìn từ xa, khu trung tâm xã Ba Vì hiện lên khá rõ nét với những công trình khang trang, những ngôi nhà cao tầng và những con đường liên thôn, liên xóm sạch đẹp... Một cảm giác ấm áp lan tỏa từ miền quê đang ngày càng khởi sắc.

“Trước năm 2016, xã có hơn 48% số hộ thuộc diện nghèo, giờ thế nào thì nhà báo đã thấy. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, người dân nơi đây không chỉ bảo tồn, phát huy nghề làm thuốc Nam truyền thống, mà còn tạo ra những hướng đi mới trong phát triển kinh tế” - Chủ tịch UBND xã Ba Vì Dương Trung Liên bắt đầu câu chuyện với phóng viên Báo Hànộimới như thế.

Với giọng trầm ấm, ông Dương Trung Liên kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện thoát nghèo của người dân nơi đây. Riêng về mô hình làm kinh tế của gia đình anh Dương Trung Kiên ở thôn Hợp Sơn, ông Liên nhận định: “Đây là hộ dân đầu tiên của xã Ba Vì tạo được bước đột phá, mở hướng phát triển mới cho người dân với mô hình chăn nuôi dê sinh sản...”.

Năm 2014, được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp cho 6 con dê, vợ chồng anh Dương Trung Kiên mạnh dạn mua thêm 4 con nữa. “Mát tay” với nghề chăn nuôi, chỉ sau vài năm, đàn dê tăng lên 70 con, có thời gian lên tới 100 con. Mô hình chăn nuôi này mỗi năm mang về cho gia đình anh Kiên từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng...

Không chỉ gia đình anh Kiên, ở thôn Hợp Sơn còn có hộ gia đình anh Phùng Sinh Tuấn vươn lên làm giàu từ mô hình chăn nuôi bò thịt với quy mô hàng chục con một lứa; nhiều hộ gia đình có thu nhập ổn định từ việc phát triển mô hình chăn nuôi lợn với quy mô hàng trăm con như gia đình ông Triệu Đức Sự, Triệu Tiến Định, Dương Kim Liêm...

Nhưng ở Ba Vì, không chỉ có nghề chăn nuôi được chọn để tạo cơ hội vươn lên thoát nghèo. Chủ tịch Dương Trung Liên cho biết: “Nghề làm thuốc Nam của người Dao có từ lâu đời và đã được công nhận là nghề truyền thống, nhưng từ năm 2016 mới thực sự phát triển. Xã Ba Vì hiện có 522 hộ, 2.300 nhân khẩu thì có khoảng 60% số hộ theo nghề này”.

Chúng tôi tới thăm nhà bà Triệu Thị Thanh, một gia đình làm nghề thuốc Nam có tiếng ở thôn Hợp Sơn. Tại khu vực sản xuất, 5 - 7 công nhân luôn tay làm việc, người phân loại nguyên liệu, người sơ chế, đun thuốc, nấu cao... Hoạt động sản xuất thuốc Nam khá nhộn nhịp, chủ yếu là nấu cao lá, cho thấy thông tin về nguy cơ thất truyền nghề thuốc Nam của người Dao ở Ba Vì là không thuyết phục.

Chị Triệu Thị Oanh, con dâu bà Thanh vừa đảo nồi cao vừa kể: “Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm đến khuya, các bếp nấu thuốc luôn đỏ lửa. Để có một mẻ cao lá thì phải trải qua nhiều công đoạn, quan trọng nhất là khâu nấu cao. Người thợ phải giữ lửa đủ nhỏ, đảo luôn tay để cao khô, dẻo, không bị cháy”. 

Theo ông Dương Trung Liên, từ nghề làm thuốc Nam, nhiều hộ gia đình trong xã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng như gia đình bà Triệu Thị Thanh, ông Triệu Đức Sự (thôn Hợp Sơn), bà Lý Thị Bích Phượng, Triệu Thị Hòa, ông Lý Văn Nguyên (thôn Yên Sơn)... “Vừa phát triển nghề làm thuốc Nam vừa chú trọng phát triển chăn nuôi nên đến nay số hộ nghèo ở xã Ba Vì đã giảm mạnh, từ 48,51% (đầu năm 2016) xuống còn 7,47% (cuối năm 2019)” - ông Liên thông tin thêm.

Rời xã Ba Vì, chúng tôi tới xã  Khánh Thượng, xã miền núi xa nhất của huyện Ba Vì, và là nơi có tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Song, từng bước vượt khó, tỷ lệ hộ nghèo tại Khánh Thượng đã giảm đáng kể, từ 24,45% (năm 2016) đến nay chỉ còn 3,66%.

Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng Nguyễn Trung Thành cho biết: “Cùng với việc dạy nghề, tạo điều kiện cho hộ nghèo và cận nghèo vay vốn từ các nguồn hỗ trợ của nhà nước, các đoàn thể đã triển khai mô hình hội viên giúp nhau phát triển kinh tế, mang lại hiệu quả tích cực. Đến nay, tổng dư nợ vay vốn phát triển kinh tế toàn xã là hơn 60 tỷ đồng”.

Mặt khác, cũng theo Phó Chủ tịch xã Nguyễn Trung Thành, Khánh Thượng là xã thuần nông nên bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, để mở hướng thoát nghèo, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo, vận động người dân tích cực phát triển kinh doanh, dịch vụ. Hiện nay, trên địa bàn xã có 25 công ty, doanh nghiệp tư nhân, hộ sản xuất, đại lý... hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, xã Khánh Thượng còn có hơn 60 hộ chuyên chế biến tinh bột sắn, dong riềng, sản xuất đồ gỗ và sơ chế lâm sản...

Ông Phan Văn Xuân, một trong những người làm nghề chế biến tinh bột từ củ dong riềng ở thôn Đồng Sống cho biết, những hộ sản xuất tinh bột dong riềng đã tiêu thụ lượng lớn sản phẩm củ dong do người dân các thôn: Bắt Còn Chèm, Gò Đình Muôn, Sui Quán, Mít, Hương Canh, Đồng Sống trồng. Riêng xưởng của gia đình ông Xuân mỗi năm sản xuất khoảng 80 tấn tinh bột, tương đương 400 tấn củ dong riềng.  

Mô hình nuôi dê sinh sản, dê thịt giúp gia đình anh Dương Trung Kiên (thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì) có thu nhập cao. Ảnh: Trung Nguyên

Mỗi nơi một thế mạnh

Nhìn từ câu chuyện thoát nghèo kể trên, có thể thấy, 7 xã miền núi huyện Ba Vì tuy còn nhiều khó khăn nhưng mỗi nơi đều có tiềm năng, thế mạnh riêng trong phát triển kinh tế - xã hội. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết thêm: Vùng núi Ba Vì có thể phát triển các mô hình sản xuất, chế biến chè búp khô, chăn nuôi bò sữa, bò thịt, trồng và chế biến dong riềng với quy mô lớn, tập trung.

Hiện tại, vùng núi Ba Vì có 1.300ha chè (trong đó có 252ha chè chất lượng cao), 470ha trồng dong riềng, 160,8ha sắn,  95ha măng bương... Riêng chè đã trở thành cây kinh tế chủ lực của các xã Ba Trại, Yên Bài, Vân Hòa, Tản Lĩnh, Minh Quang.

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình, chè Ba Vì đã có thương hiệu và hiện tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai các dự án cải tạo, trồng thay thế giống mới chất lượng cao, sản xuất chè an toàn theo mô hình VietGAP...

Cùng với đó, các mô hình chăn nuôi bò, bò sữa với tổng đàn 12.950 con, trong đó có 7.888 con bò sữa, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần tạo việc làm cho người dân các xã Vân Hòa, Tản Lĩnh, Yên Bài và Ba Trại. Thương hiệu “Sữa Ba Vì” đã có vị thế trên thị trường sữa và sản phẩm từ sữa tại Việt Nam.

Điều đặc biệt là các xã vùng núi Ba Vì nay đã có thêm nhiều trang trại chăn nuôi lợn, gà và đà điểu (ở các xã Tản Lĩnh, Ba Trại, Khánh Thượng). Ông Hứa Bá Trình cho biết toàn huyện hiện có 1.319 con đà điểu. Đây là mô hình mới, có giá trị kinh tế cao, cần được quan tâm, hỗ trợ để có hướng phát triển tốt hơn.

Tính đến nay, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 06/2016/NQ-HU của Huyện ủy Ba Vì, các xã miền núi đã đạt và vượt 7 chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế, giảm hộ nghèo... Tuy nhiên, vẫn còn 3 chỉ tiêu chưa đạt, trong đó có chỉ tiêu xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng khẳng định: Hiện tại các xã miền núi chưa khai thác hết lợi thế, tiềm năng, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo Kế hoạch 138/2016/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội chưa đạt tiến độ...

Nhìn thẳng vào những khó khăn và chắt chiu kết quả đã đạt được, huyện Ba Vì đang tiếp tục triển khai hàng loạt giải pháp để vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện thực sự vươn lên bằng chính nội lực của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba Vì - nhìn từ tiềm năng...