Làm giàu từ nghề mộc

Ánh Dương| 09/02/2020 08:11

(HNM) - Giữ gìn và phát huy nghề mộc truyền thống đã giúp nhiều hộ dân của xã Canh Nậu (huyện Thạch Thất) làm giàu; thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt hơn 72 triệu đồng/năm; số hộ nghèo chỉ còn 0,52%... Xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015, đang nỗ lực hướng tới đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Nghề mộc giúp nhiều hộ dân xã Canh Nậu (huyện Thạch Thất) có thu nhập cao. Ảnh: Đỗ Hương

Thôn 8 có số hộ làm nghề mộc lớn nhất xã Canh Nậu với 248 hộ (chiếm 85% số hộ dân trong thôn), chủ yếu sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp. Trưởng thôn 8 Nguyễn Thị Vân cho biết, nghề mộc truyền thống lâu đời đang được các hộ làm nghề phát huy. Xưởng sản xuất của mỗi hộ làm nghề tạo việc làm ổn định cho 5-12 lao động địa phương với thu nhập 7,5-9 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Trung Kiên, một trong những hộ gia đình có xưởng mộc lớn của thôn, chia sẻ: Nhờ có nghề mộc “cha truyền, con nối”, gia đình ông đã mở xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp được gần 20 năm. Hiện xưởng mộc của ông tạo việc làm cho một số xưởng khác chuyên công đoạn sản xuất thô. Trừ chi phí, gia đình ông thu lãi 400-500 triệu đồng/năm.

Tương tự, nhiều hộ làm nghề mộc ở thôn 6 cũng tập trung vào sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ giúp nâng thu nhập bình quân lên hơn 70 triệu đồng/người/năm. Trưởng thôn 6 Trần Công Đoái thông tin: Thôn có khoảng 25% số hộ làm nghề mộc đầu tư từ 1 đến 3 ô tô tải để chủ động trong việc vận chuyển vật liệu, hàng hóa, tiết kiệm chi phí, tăng doanh thu...

Theo Chủ tịch UBND xã Canh Nậu Nguyễn Trung Chi, hiện nay, xã có 1.768 hộ sản xuất và kinh doanh đồ gỗ. Các sản phẩm chủ yếu là mộc dân dụng, mỹ nghệ, đồ thờ (sập gụ, án gian, hoành phi, câu đối…), đồ gỗ chất lượng cao… từ nguồn nguyên liệu gỗ tự nhiên, nhập từ các nước: Lào, Nam Phi. Nhiều xưởng mộc lớn mang lại việc làm cho hàng chục lao động với thu nhập bình quân 8 triệu đồng/ người/ tháng; thậm chí thợ tay nghề giỏi có thu nhập tới 20 triệu đồng/ người/tháng.

Thu nhập cao, chất lượng đời sống được nâng lên, nhân dân xã Canh Nậu có điều kiện tích cực tham gia đóng góp xây dựng quê hương. Tính riêng quá trình xây dựng nông thôn mới, nhân dân xã Canh Nậu đã đóng góp hơn 8,4 tỷ đồng và 11.329 ngày công lao động để hoàn thành tiêu chí xây dựng cơ sở hạ tầng. Chủ tịch UBND xã Canh Nậu Nguyễn Trung Chi cho hay, năm 2019, thực hiện nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, nhân dân Canh Nậu tiếp tục đóng góp tổng giá trị hơn 5 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa một số công trình văn hóa như: Nhà cầu quán, mái che sới vật của xã; nội thất và khuôn viên nhà văn hóa các thôn, hội trường xã (lắp đặt điều hòa, âm thanh, trồng hoa, cây xanh); hệ thống chiếu sáng của 100% đường ngõ xóm… Nhiều hộ ủng hộ địa phương từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng như gia đình các ông: Nguyễn Duy Hà, Nguyễn Bá Tiến, Đỗ Anh Bảo…

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển của nghề truyền thống, băn khoăn lớn nhất hiện nay của người dân xã Canh Nậu là thiếu mặt bằng sản xuất. Mặc dù năm 2011, xã được triển khai dự án điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên diện tích 10,7ha, nhưng chỉ đáp ứng nhu cầu mặt bằng cho 237 hộ. Những hộ còn lại vẫn phải làm xưởng tại nhà hoặc thuê địa điểm, dẫn đến ảnh hưởng môi trường khu dân cư và giao thông do quá trình sản xuất, vận chuyển, bốc dỡ vật liệu, hàng hóa... Trưởng thôn 6 Trần Công Đoái cho biết: "Chúng tôi đang mong cấp có thẩm quyền sớm mở rộng điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các hộ làm nghề".

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Canh Nậu Nguyễn Trung Chi thông tin thêm: Theo quy hoạch được phê duyệt, điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã có tổng diện tích 28ha ở khu Đám Sào và Đồng Kê, hiện xã đã triển khai được 10,7ha. Năm 2019, xã tiếp tục trình các cấp có thẩm quyền xem xét cho triển khai trên diện tích còn lại (17,3ha) nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nghề truyền thống của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm giàu từ nghề mộc