Nét đẹp mừng thọ ở thôn An Vọng

Bảo Linh| 05/02/2020 16:37

(HNMCT) - Cứ mỗi độ xuân về, hòa trong không khí đón Tết cổ truyền, người dân thôn An Vọng, xã Hoàng Diệu (huyện Chương Mỹ) lại nhộn nhịp với lễ mừng thọ các cụ "tuổi chẵn" từ 70 trở lên. Nghi thức đẹp không chỉ thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với người cao tuổi, mà còn là dịp để con cháu bày tỏ sự kính trọng, lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ về cách đối nhân xử thế, phát huy vai trò “cây cao bóng cả” với thế hệ sau.

Lễ mừng thọ tại thôn An Vọng.

Lễ mừng thọ tập trung

Đình làng An Vọng sáng mùng 5 Tết những năm gần đây thường vô cùng đông vui, nhộn nhịp. Ai nấy đều ăn mặc trang trọng, nét mặt rạng rỡ, vui vẻ bởi đây là thời điểm diễn ra lễ mừng thọ người cao tuổi trong làng. Năm 2020, thôn An Vọng có 7 người từ 70 tuổi trở lên được chúc thọ. Lễ mừng được tổ chức vào ngày mùng 5 tháng Giêng nên hầu hết con cháu đều sắp xếp thời gian có mặt đông đủ. Họ ân cần dìu ông bà, cha mẹ mình lên bục chúc thọ và tranh thủ chụp những bức ảnh lưu niệm ghi lại giây phút sum vầy, niềm vui đại hồng phúc của gia đình mình.

Ông Trần Quang Điển, Chủ tịch Hội Người cao tuổi thôn An Vọng cho biết: “Cả thôn có 74 người cao tuổi. Năm nay thôn An Vọng có 7 cụ được chúc thọ, trong đó có 1 cụ 95 tuổi, 3 cụ 80 tuổi, 2 cụ 75 tuổi và 1 cụ tuổi 70. Lễ mừng thọ tập trung được tổ chức tại đình làng, trang trọng và tiết kiệm. Ngoài những phần quà của xã, huyện, đại diện chính quyền địa phương còn trao Giấy chứng nhận và gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến các bậc cao niên, động viên tinh thần để các cụ tiếp tục phát huy trí tuệ, công sức, góp phần xây dựng quê hương”.

Xuân Canh Tý này, cụ Lê Thị Si bước sang tuổi 80, nhưng vẫn minh mẫn. Cụ Si rưng rưng nói: “Nhận được sự quan tâm của lãnh đạo xã, tôi vui lắm. Các con, các cháu tôi ở xa cũng về góp mặt. Hiếm có dịp nào được đông đủ, vui vầy như thế. Đây không chỉ là niềm vui của bản thân tôi mà còn là niềm tự hào của các thành viên trong gia đình, là động lực giúp tôi sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội”.

Tâm lý chung của các cụ cao tuổi đều rất vui vẻ và phấn khởi vì con cháu quây quần đầy đủ, lại được xã, thôn và bà con nhân dân tỏ lòng yêu quý, kính trọng. Cụ Đặng Xuân Hảo, chồng cụ Si, năm nay 79 tuổi, chia sẻ: “Lễ mừng thọ quê tôi đông vui không kém hội làng”.

Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn An Vọng Trần Quang Huy cho biết: “Lễ mừng thọ thôn An Vọng luôn trang trọng, đầm ấm, vui vẻ, không “hội nghị hóa” một cách cứng nhắc. Tùy theo điều kiện mà có thể có chương trình đọc thơ, ca hát phù hợp với các cụ. Những cụ sức khỏe yếu, chúng tôi bố trí người đưa đón, chăm sóc trong quá trình diễn ra buổi lễ. Buổi mừng thọ được tổ chức ngắn gọn trong khoảng một giờ, tránh để các cụ phải ngồi lâu. Đại diện Hội Người cao tuổi, chính quyền xã, thôn lên chúc mừng các cụ, trao Giấy chứng nhận của Hội Người cao tuổi, gửi quà của Trung ương hội và thành phố, huyện tới các cụ. Người cao tuổi đều thấy vui vì được kính trọng, được quan tâm”.

Nét đẹp nếp sống mới

Từ hơn chục năm qua, thôn An Vọng đã duy trì việc tổ chức mừng thọ tập thể cho các cụ theo nếp sống văn minh, trang trọng, tiết kiệm, đúng với truyền thống của dân tộc. Bí thư Chi bộ Trần Quang Huy, người khởi xướng việc chúc thọ tập trung ở An Vọng cho biết: “Trước đây, việc tổ chức mừng thọ ở thôn An Vọng còn nặng về hình thức. Do điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, một số gia đình vẫn tổ chức mừng thọ ăn uống linh đình, mời khách kéo dài nhiều ngày, cỗ bàn tràn lan gây tốn kém, lãng phí. Mỗi dịp mừng thọ, có gia đình phải “chạy sô” đến cả chục đám, hết sức phiền toái. Nhưng hiện nay đã không còn tình trạng "khao thọ" ăn uống linh đình như xưa”.

Cụ Đặng Xuân Toàn, năm nay 88 tuổi, bộc bạch: “Trước kia, các cụ tổ chức mừng thọ tại nhà. Đại diện lãnh đạo thôn lĩnh “chế độ” cho người cao tuổi trên xã về, đến nhà đưa cái giấy chúc mừng là xong. Nhà nào biết nhà nấy, không có không khí của một dòng họ gì cả. Chúng tôi không thích như vậy. Nhiều năm nay, việc tổ chức tập trung không chỉ giúp tiết kiệm tiền bạc, mà còn nhân niềm vui lên gấp bội, tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó”.

Anh Lê Ngọc Long, con trai cụ Tạ Thị Định (79 tuổi) năm nào cũng đưa mẹ ra đình dự lễ mừng thọ tập trung, chia sẻ: “Hiện nay, bà con lối xóm, người thân đến mừng thọ tập thể chỉ dùng nước trà, bánh kẹo, không ai còn hút thuốc, nhưng các gia đình vẫn rất vui, vì đây cũng là dịp để bạn bè, họ hàng gặp mặt đầu xuân đông đủ”.

“Mọi người cùng uống nước, ăn trầu, đàm đạo vui vẻ. Nếu ai đông con cháu thì tối về nhà sửa soạn vài mâm cúng tổ tiên và thụ lộc, cháu con quây quần rôm rả. Tuyệt đối không mời mọc khách khứa, nên không có ai cảm thấy “phải” đi mừng” - cụ Đặng Xuân Hảo cho biết thêm.

Sau nhiều năm, đến nay việc mừng thọ tập trung ở thôn An Vọng đã thành nếp và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Ông Trần Quang Điển cho rằng, mỗi người cao tuổi cũng cần nêu cao tinh thần tuổi cao gương sáng, gương mẫu thực hiện và vận động con cháu thực hiện tốt nếp sống văn minh, không tổ chức mừng thọ linh đình, lãng phí, góp phần xây dựng địa phương giàu đẹp, văn minh.

Bí thư Chi bộ Trần Quang Huy tự hào chia sẻ: “Thôn An Vọng có truyền thống lâu đời, bà con sống với nhau tình làng nghĩa xóm như trong một dòng họ. Đặc biệt, khi gia đình nào có việc vui hay buồn là cả làng đến chia sẻ như người trong nhà. Chính nhờ tinh thần đoàn kết mà hình thức mừng thọ tập trung đã được thôn gìn giữ và duy trì bền bỉ. Tôi mong rằng việc mừng thọ tập trung sẽ được duy trì, phát huy, nhân rộng ra các thôn, xã khác”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nét đẹp mừng thọ ở thôn An Vọng