Sóc Sơn chú trọng nâng cao giá trị nông sản

Ánh Dương| 31/01/2020 07:32

(HNM) - Quan tâm nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản, huyện Sóc Sơn đã hỗ trợ nông dân xây dựng thành công nhiều thương hiệu tập thể, nhiều sản phẩm được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ… Qua đó, cung cấp cho thị trường nhiều nông sản bảo đảm chất lượng, đạt giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Nhiều năm trước, nông dân thôn Bái Thượng (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn) chủ yếu trồng rau theo phương pháp truyền thống nên sản phẩm chưa đạt chất lượng và thu nhập không ổn định. Năm 2008, thông qua Hội Nông dân huyện Sóc Sơn và chính quyền địa phương, thôn được triển khai 2 dự án trồng rau hữu cơ của Trung tâm hành động Vì sự tiến bộ đô thị (Australia) và ADDA (Đan Mạch). Theo đó, một số hộ nông dân tham gia dự án được tập huấn, hướng dẫn kiến thức trồng, chăm sóc rau trên diện tích 7.000m2 theo hướng hữu cơ (bón phân ủ hoai, đậu tương ngâm...), không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. 

Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ kinh doanh nông nghiệp hữu cơ Hoàng Văn Hưng, sản phẩm rau của dự án bảo đảm chất lượng và sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng... nên nông dân Bái Thượng nhiệt tình hưởng ứng. Từ năm 2010 đến nay, thôn mở rộng diện tích trồng rau hữu cơ lên 6ha với các loại rau ăn lá, củ, quả, rau gia vị… Nhờ tích cực luân canh, xen vụ, mỗi sào rau cho thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng/năm. Đặc biệt, thôn còn phối hợp với cơ quan chức năng hoàn thiện thủ tục chứng nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường, tạo niềm tin với nhiều người tiêu dùng… Đến nay, xã Thanh Xuân đã phát triển được 30,5ha rau trồng theo phương pháp hữu cơ, tập trung tại các thôn: Thanh Nhàn, Bái Thượng, Trung Na…

Cũng với mô hình sản xuất hữu cơ, Hợp tác xã Nấm Hiền Ninh (thôn Thái Đường, xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn) sử dụng nguyên liệu là bông và thân cây bông, mùn cưa, cám ngô, cám mỳ... để sản xuất nấm sò nâu trên diện tích 3.500m2. Bà Lê Thị Minh Phương, thành viên hợp tác xã cho biết: Nấm sản xuất trong nhà lạnh quanh năm, chỉ sau 50 ngày là cho thu hoạch một lứa; bình quân mỗi tháng, hợp tác xã thu hoạch khoảng 6 tấn nấm, doanh thu 2-3 tỷ đồng/năm. Khu trồng nấm của hợp tác xã còn tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2019, sản phẩm nấm sò nâu của hợp tác xã được cơ quan chức năng công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2020, hợp tác xã tiếp tục được Phòng Kinh tế huyện hỗ trợ xây dựng truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng thông tin, đến nay, toàn huyện có hơn 100 sản phẩm nông sản được truy xuất nguồn gốc QRcode; 6 sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ; 27 sản phẩm được đánh giá xếp hạng 4 sao theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... Để nâng cao hơn nữa chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo đầu ra ổn định cho nông sản, huyện tập trung xây dựng thành công nhiều thương hiệu tập thể: Rau hữu cơ Sóc Sơn, chè an toàn Bắc Sơn, bưởi sạch Sóc Sơn, nếp cái hoa vàng Sóc Sơn, gà đồi Sóc Sơn…

Ngoài ra, một số công ty, hợp tác xã đã xây dựng thành công thương hiệu hàng nông sản của đơn vị, như: Đu đủ Nam Sơn, dưa, dược liệu, thảo dược... Huyện cũng tập trung quản lý tốt các thương hiệu nông nghiệp trên địa bàn nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm nông sản, đồng thời giới thiệu sản phẩm qua nhiều kênh, giúp nông sản có thương hiệu ngày càng khẳng định vị thế tại thị trường…

“Thời gian tới, huyện tập trung hỗ trợ các địa phương xây dựng liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã để hình thành chuỗi bao tiêu sản phẩm cho nông dân; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; đặc biệt là triển khai tốt OCOP; đẩy mạnh việc ứng dụng QRcode; thêm nhiều loại nông sản được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ...”, ông Hoàng Chí Dũng cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sóc Sơn chú trọng nâng cao giá trị nông sản