Miền quê hiếu học

Nguyễn Mai| 27/01/2020 07:01

(HNM) - Nằm ven sông Tô Lịch, làng Thanh Liệt (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) là quê hương của nhiều danh nhân như lão tướng Phạm Tu, thầy giáo Chu Văn An… Từ năm 2015, Thanh Liệt được chọn làm nơi tổ chức lễ khai bút đầu xuân nhằm tri ân công đức của thầy Chu Văn An, tôn vinh truyền thống hiếu học của đất nước... Lễ khai bút diễn ra trang trọng tại đình thờ bậc Tiên triết.

"Địa linh, nhân kiệt"

Năm 2015, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Giáo dục - Đào tạo, UBND huyện Thanh Trì và xã Thanh Liệt tổ chức lễ khai bút đầu xuân tại đình thờ Tiên triết Chu Văn An. Lễ khai bút diễn ra ngày mùng 5 Tết. Trong ngày này, làng quê Thanh Liệt vui như hội. Ban Tổ chức mời các “thầy đồ” về khai bút, “cho” chữ... Không chỉ học sinh, sinh viên “người làng” mà cả du khách khắp nơi cũng về làm lễ, xin chữ, cầu mong một năm học hành tấn tới.

Thanh Liệt là quê của hai bậc danh tướng, hiền Nho. Có lịch sử hình thành, phát triển gần 2000 năm, trên mảnh đất "nhất làng, nhất xã" này, người dân sống quần tụ, đoàn kết. Làng thờ đồng thời hai vị thành hoàng, đó là lão tướng Phạm Tu và thầy giáo Chu Văn An. Đó là chuyện hiếm nhưng cũng dễ hiểu…

Lần hồi câu chuyện, lật giở những trang sử làng mà cũng gắn bó thật chặt với bao thời vận đất nước, chị Nguyễn Thị Thanh Ngân, cán bộ văn hóa xã Thanh Liệt nói: Người làng Thanh Liệt tự hào nơi đây là đất “địa linh, nhân kiệt”. Có thể thấy rõ những “chứng cớ” cho sự tự hào của chị. Lão tướng Phạm Tu (476-545), người con của làng, có công phò tá Lý Nam Đế đánh tan giặc Lương, lập nên Nhà nước Vạn Xuân năm 544. Khi qua đời, lão tướng được nhà vua ban sắc phong là Bản cảnh Thành hoàng. Dân làng lập đền thờ ngài ở cánh đồng thôn Trung (gọi là Đình Ngoài). Ngoài ra, Thanh Liệt còn có miếu thờ lão tướng tại thôn Vực, dân làng quen gọi là miếu Vực.

Thầy giáo, bậc hiền giả Chu Văn An (1292-1370), "học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa", thẳng thắn, cương trực, là tấm gương sáng cho hậu thế. Thầy Chu với mảnh đất này ăm ắp những câu chuyện. Sử còn ghi: Thời đó, trường học rất ít và chủ yếu để dạy học cho con vua, quan, thầy Chu Văn An đã mở Trường Huỳnh Cung trên cánh đồng làng Văn nơi quê nhà (nay thuộc xã Tam Hiệp) dạy học cho người  dân trong vùng. Học trò theo học khá đông, có người đỗ Thái học sinh (tương đương học vị tiến sĩ ngày nay). Danh tiếng của thầy Chu Văn An và Trường Huỳnh Cung vang khắp cả nước, thầy được vua Trần Minh Tông mời làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, trông coi việc học. Thầy được hậu thế tôn vinh là "vạn thế sư biểu" -  người thầy của muôn đời. Còn người làng Thanh Liệt gọi thầy là "Đức Thánh Chu", "Đức Thánh Văn", tôn thầy là Thành hoàng làng và thờ tại Đình Nội.

Tiếp nối truyền thống, các thế hệ người làng Thanh Liệt đều ham học và trọng sự học. Hậu duệ đời thứ tư của thầy Chu Văn An là Chu Đình Bảo đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn đời Lê Thánh Tông (1484)... 

Tôn vinh truyền thống hiếu học

Gia đình ông Vũ Hồng Việt, xóm chùa Nhĩ, thôn Thượng, là một trong những gia đình có truyền thống hiếu học ở làng Thanh Liệt. Ông Việt kể: “Khoảng năm 1955, bố tôi đã được học ở Trường Chu Văn An trên phố. Anh em chúng tôi phát huy truyền thống gia đình cũng học hành tiến bộ, công tác trong nhiều lĩnh vực...”.

Còn bà Đặng Thị Thanh Liêm (Hiệu trưởng Trường Mầm non B, xã Thanh Liệt) cho biết: Năm 2019, gia đình có hai con gái song sinh đỗ đại học - Nguyễn Phương Linh đỗ Đại học Ngoại thương và Nguyễn Ngọc Linh đỗ thủ khoa Đại học Sư phạm Hà Nội. “Đạt kết quả cao trong học tập phần lớn do ý thức và nỗ lực của các con. Tôi chỉ nhắc con truyền thống của làng để soi mình, phấn đấu...” - bà Liêm chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt Nguyễn Văn Phong, những năm gần đây, tỷ lệ học sinh của xã đỗ vào các trường đại học luôn đạt hơn 60%... Hiện, xã Thanh Liệt có hàng nghìn cử nhân, kỹ sư, hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ... Thể hiện tinh thần “tôn sư, trọng đạo”, hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), xã Thanh Liệt lại tổ chức Ngày hội khuyến học với nhiều hoạt động như: Lễ dâng hương tại đình thờ Tiên triết Chu Văn An, lễ báo công của thầy cô và học sinh các nhà trường, rồi tuyên dương, khen thưởng thầy cô có thành tích trong công tác giáo dục và các học sinh giỏi, các em đỗ thủ khoa và tốt nghiệp đại học loại giỏi…

Tôn sư trọng đạo, đề cao sự học, chăm lo sự nghiệp “trồng người”, xã Thanh Liệt luôn quan tâm đến công tác giáo dục. Hiện nay, xã có 3/5 trường đã đạt chuẩn quốc gia. Thanh Liệt đã thành lập Hội Khuyến học của xã và cả 5 thôn, 4 tổ dân phố cũng như các trường học trên địa bàn đều có chi hội khuyến học. Các dòng họ trong làng có quỹ khuyến học riêng để khen thưởng, khích lệ tinh thần học tập của con em. Ông Vũ Hồng Việt, Trưởng họ Vũ làng Thanh Liệt cho biết: “Họ Vũ có hơn 200 gia đình. Vào dịp giỗ họ, các gia đình đều tự nguyện đóng góp để gây quỹ. Năm học vừa qua, họ Vũ có 178 học sinh, sinh viên được dòng họ khen thưởng”.

Trong thời đại kinh tế tri thức hiện nay, nguồn lực quý nhất, quan trọng nhất, quyết định cho sự phát triển và phồn thịnh của các quốc gia là trí tuệ, tinh thần sáng tạo. Thế nên tinh thần trọng học, hiếu học rất cần được động viên, vun xới và lan tỏa. Và cũng vì thế, lễ khai bút đầu xuân ở Thanh Liệt thật đặc biệt và mang nhiều ý nghĩa.

“Những nét bút đầu tiên của năm mới như sự khởi đầu tốt đẹp về sự học hành, đỗ đạt để góp phần phục vụ công cuộc phát triển của đất nước; đồng thời tô đậm truyền thống tốt đẹp của Thanh Liệt trong lòng Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến đáng tự hào” - Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt Nguyễn Văn Phong nói như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miền quê hiếu học