Bừng sắc xuân nông thôn mới

Nguyễn Mai - Ảnh: Trương Thế Cầu| 24/01/2020 08:02

(HNM) - Về với những miền quê Hà Nội, trong gió xuân, khí xuân phơi phới, mỗi người lại có những cảm nhận khác nhau. Vẫn những xóm làng bình yên, những mái đình cong cong ẩn chứa, lưu giữ giá trị văn hóa ngàn đời của người Việt nhưng xuân nông thôn mới Hà Nội hôm nay khác xưa nhiều lắm, hiện đại hơn, giàu đẹp hơn…

Làng quê giàu đẹp 

Làng Tranh Khúc, xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì) những ngày này như chộn rộn hơn. Trong vòng xoay công việc chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Canh Tý, người người, nhà nhà tất bật sửa soạn lá dong, gạo nếp. Khắp ngõ xóm là một mùi hương quen thuộc của những ngày “năm hết, Tết đến”. 

Tại gia đình ông Nguyễn Văn Lạc, thôi thì đủ loại lá dong, gạo nếp, đậu xanh… "Ngày thường, gói vài chục đến hơn trăm bánh nhưng từ sau rằm tháng Chạp, mỗi ngày gia đình tôi gói 3.000-4.000 chiếc bánh chưng. Cả nhà cùng làm, mệt nhưng vui. Những chiếc bánh chưng này sẽ được đưa vào nội thành, một số "lên" máy bay để theo bà con xa quê ra nước ngoài" - ông Lạc cho biết. 

Trong câu chuyện nối dài, Trưởng thôn Tranh Khúc Lý Thị Thiệp nói thêm: “Cả thôn Tranh Khúc có 341 hộ dân thì 80 hộ làm bánh chưng chuyên nghiệp. Nhờ nghề này, đời sống người dân ngày một nâng cao, nhà nào làm bánh cũng đều khá giả".

Tại xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng), trên cánh đồng Bãi Non,  rau đang mơn mởn vào vụ Tết. Nơi đây có nhiều loại rau đặc sản, giá thành cao như bắp cải tí hon, su hào ăn lá, măng tây, bông hẹ. “Hiện nay, rau của hợp tác xã đã có địa chỉ tiêu thụ ổn định tại các trường học và cửa hàng thực phẩm sạch. Doanh thu từ trồng rau đạt trên 1 tỷ đồng/ha/năm” - Giám đốc Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý Đặng Thị Quý cho biết.

Cuộc sống của người dân đang trên đà đổi thay mạnh mẽ cùng với làn gió mới đến từ chương trình xây dựng nông thôn mới của người Hà Nội. Khu vực ngoại thành khang trang hơn, sạch đẹp hơn từng ngày. Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Mai Nội (xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn) Nguyễn Việt Xô cho biết, thôn có 312 hộ dân, năm 2019 đã xã hội hóa được hơn 400 triệu đồng thảm bê tông 465m đường ngõ xóm. Người dân trồng hai đoạn đường hoa với chiều dài 550m và duy trì vệ sinh môi trường vào thứ bảy hằng tuần…

Người đi xa nhiều năm trở lại cảm nhận rõ nhất về những thay đổi trên quê hương. Anh Bùi Văn Hậu, Phó ban Thường trực Hội đồng hương làng Mai (xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai) xúc động: “Năm nay, đường xóm Thượng, đường lên Dộc 4 đã được mở rộng, nhà văn hóa thôn được đầu tư khang trang... Hiện đại hóa nông thôn nhưng quý là ngôi đình cổ hàng trăm năm tuổi của làng được bảo tồn nguyên vẹn".

Sau 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, đến nay thành phố đã có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm và Quốc Oai; 356/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới (vượt kế hoạch trước 2 năm so với mục tiêu đề ra là có 80% số xã hoàn thành đến năm 2020) và 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Mỗi người Thủ đô đều có thể tự hào về kết quả tích cực, toàn diện mà Chương trình số 02-CTr/TU đạt được. Mỗi xóm làng như được “thay áo mới”. Thu nhập của người dân ngày một nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm…

Miền quê đáng sống

Xây dựng nông thôn mới nằm trong lộ trình phát triển của Thủ đô, có thể nói có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Thành công hôm nay tiếp tục mở ra chặng đường mới để Hà Nội xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, hướng tới mục tiêu nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Với mỗi miền quê, sau lũy tre làng là phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa riêng. Những ngày giáp Tết, bà con đồng bào dân tộc Mường ở các xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (huyện Thạch Thất) lại tất bật với những phiên chợ bán bán, mua mua, gia đình thêm được đủ đầy khi Xuân về, Tết đến. Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Đinh Công Long cho biết, dẫu cuộc sống hiện đại, nhiều đổi thay nhưng đồng bào dân tộc Mường vẫn cố gắng gìn giữ những nét văn hóa truyền thống. Đó là ra chợ, mua dang về chẻ lạt, làm cặp nướng thịt, mua lá dong, lá chuối để gói bánh chưng, bánh gai, bánh ốc, bánh chéo kheo và nhiều loại bánh đặc trưng của người Mường... Tết về, khắp các xóm, thôn lại vang lên những âm thanh của cồng chiêng. Giờ các thôn đều được Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua cồng chiêng mới. Bà con rất vui, ngày đêm luyện tập, môn nghệ thuật truyền thống này đã được hồi sinh!

Tại xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng), Tết năm nào cũng vậy, tục giã bánh giầy và rước bánh từ Nhà canh điền về chùa diễn ra vào đúng mùng Ba Tết, kế đó là Hội vật mùa xuân. Nhưng trước đó, từ tháng Chạp, người dân trong làng, ngoài xóm đã rộn rã lựa chọn gạo ngon để làm bánh, tu sửa lại sới vật... Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà cho biết, từ khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, các thôn đều có nhà văn hóa, sân thể thao, người dân có thêm điều kiện để đẩy mạnh phong trào văn hóa văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần…

Tết năm nay, bà con ở những nơi xa trung tâm thành phố như Ba Vì, Mỹ Đức, Sóc Sơn... đã có thêm “bát ăn, bát để” bởi lẽ, cùng với việc đẩy mạnh các chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thu nhập người dân vùng sâu, vùng xa đã được nâng cao. Thôn xóm gọn gàng hơn, nền nếp, những ngôi nhà khang trang, bề thế được xây dựng ngày một nhiều hơn. Và hơn tất cả, trong tâm khảm mỗi người, nông thôn thật sự là những miền quê đáng sống, là nơi mỗi người lưu giữ những giá trị cốt lõi của văn hóa Việt. 

Bên thềm năm mới, trong nắng xuân ngập tràn, mỗi người đều có những cảm nhận, dự cảm, mong chờ mới. Nông thôn mới Hà Nội đang được thúc đẩy mạnh mẽ theo hướng xanh, sạch, đậm đà bản sắc, trở thành chốn đi về gần gũi, niềm tự hào của mỗi người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bừng sắc xuân nông thôn mới