Lễ cấp sắc của người Dao ở Ba Vì

Đông Chấn| 26/01/2020 08:09

(HNNN) - Lễ cấp sắc của người Dao là một hiện tượng văn hóa tổng hợp, bao gồm nhiều loại hình múa, nhạc lễ và những bài cúng được truyền qua nhiều thế hệ, có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống tinh thần của người Dao. Người Dao luôn tâm niệm rằng, giữ được lễ cấp sắc là giữ được bản sắc của dân tộc mình.

Một hiện tượng văn hóa tổng hợp

Trong chuyến về thăm xã Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội) để tìm hiểu về lễ cấp sắc, chúng tôi may mắn được gặp ông Triệu Tiến Nhàn, người Dao, cán bộ văn hóa xã, người đã nhiều năm tìm hiểu và mong muốn đóng góp bảo tồn phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình. Ông Nhàn cho biết, xã có 461 hộ người Dao với khoảng 1.900 người, chiếm đến 98% dân số toàn xã. So với các xã khác trên địa bàn huyện thì xã Ba Vì là nơi có cộng đồng người Dao sống tập trung đông nhất, là địa phương thể hiện rõ nét nhất bản sắc dân tộc Dao qua việc giữ gìn ngôn ngữ, phong tục, lễ hội... mà tiêu biểu là lễ cấp sắc (lễ lập tịch), lễ chẩu đàng (lễ cúng Bàn Vương - thủy tổ của người Dao)...

Cấp sắc là một nghi thức đặc trưng và không thể thiếu, được tiến hành một lần duy nhất trong đời người đàn ông Dao. Có thể tổ chức lễ cấp sắc cho con trai từ 10 tuổi trở lên nếu có điều kiện. Sau khi các thủ tục đã hoàn thành thì người được cấp sắc sẽ chính thức có tên âm và được công nhận đã trưởng thành.

Ngày xưa, các khâu phục vụ cho lễ cấp sắc gồm có việc chuẩn bị 4 con lợn, 20 xâu thịt chua, 200 chiếc bánh chưng để cúng thần linh, gia tiên và làm quà biếu những người dự lễ; ngoài ra còn có rượu, gạo nếp, 28 bát gạo tẻ, 36 đồng tiền cổ, 3,6m vải sợi trắng để cho người được đặt tên ngồi. Ngày nay, các lệ tục đã được tiết giảm.

Nghi lễ đầu tiên là lễ đón thầy. Thầy cả phải là người bên ngoại, thầy hai là người bên nội nhưng phải là chồng cô hoặc chồng bác gái, thầy ba là người có uy tín trong dòng họ. Gia đình mang một gói muối đến nhà các thầy, tổ chức uống rượu và giao ước mời thầy làm lễ. Người được đặt tên mới ra ngõ đón thầy. Thầy cả, thầy hai thắp một nén hương, làm lễ trình miên với ý nghĩa gọi người đã khuất về chứng giám lễ cấp sắc.

Tiếp đó là lễ báo tổ tiên (lễ khai tàn), cúng xong thì mọi người cùng xòe trong lễ xòe cộng đồng. Tiếp đó là lễ xin tên (sít kiêm chế miến). Người được đặt tên mặc áo dài to (tôm lui), đội mũ, ngồi trên ghế mới với tấm vải trắng, đối diện ban thờ. Thầy cả mặc áo đôi (púi lui họp), cầm gậy (ma pi) đuổi cái ác. Thầy hai mặc áo đôi, đội mũ. Thầy cả cầm bát hương lót một đôi lá dong riềng, đưa cho người đặt tên để làm lễ đặt đèn (qua tăng). Thầy cả đặt đèn lên đầu (ý nghĩa là soi đường chỉ lối), thầy hai đặt đèn lên vai phải (ý nghĩa là cầm tay dìu dắt), người cha đặt đèn lên vai trái (ý nghĩa là soi sáng, che chở).

Sau các thủ tục, người cha chọn một cái tên, thầy cả cúng và xướng lên cái tên đó. Sau 5 lần bắt quẻ, nếu thần linh và tổ tiên công nhận thì lễ thành công. Tiếp đó là lễ được tên (cho phát búa). Người được đặt tên ra nhận họ hàng, bái thần linh, tổ tiên về tên đã được chọn. Tiếp theo là lễ chỉ đường răn dạy. Cúng xong, mọi người cùng xòe để chào đón thành viên mới của cộng đồng. Sau đó là lễ tạ ơn thần linh (sẹ nhụn). Thầy cả cúng xong thì xòe đơn để tạ ơn thần linh, tổ tiên. Gia chủ mổ lợn, làm bánh cúng tổ tiên và chia cho mọi người ăn. Rồi đến lễ báo công tổ tiên (sít tôm miến, mùng phát búa).

Sau khi thầy cả cúng ở ban thờ xong, tốp hát 3 nam đứng ở trong nhà cửa chính, 3 nữ đứng ở ngoài hè sát cửa hát đối đáp chúc mừng người đặt tên và mong nhanh chóng học tập tiến bộ để trở thành người tốt. Thầy cả đứng bên phải, mở văn tự ra cúng với thầy ba và 3 người đàn ông giỏi chữ Nôm Dao để đọc văn tự (nêu ra các quy định, hương ước của dòng họ mà người được đặt tên phải tuân theo và học tập nghiêm túc). Đọc sách xong, 6 người cùng ăn uống.

Kết thúc là lễ tạ thầy (sít tiu hoa). Người được đặt tên chuẩn bị cho mỗi thầy 4 bát thịt (tiu hoa) tạ ơn thầy cả, thầy hai, thầy ba, thầy đến khấn sư phụ là công việc kết thúc tốt đẹp, người được đặt tên trao thịt cho các thầy, vái 12 vái để cảm ơn và ghi nhận công lao của các thầy. Gia đình tổ chức liên hoan chia phần cho thầy cả, thầy hai mỗi người một đầu và một vai con lợn, còn lại gia đình và cộng đồng liên hoan cũng như chia cho những người đến giúp việc cho gia đình và tổ chức tiễn thầy. Thầy về nhà lấy thịt lợn liên hoan trong gia đình...

Tổng cộng, một lễ cấp sắc có đến 11 lễ nhỏ (bước lễ).

Lễ cấp sắc của người Dao bao gồm nhiều loại hình múa, nhạc lễ và những bài cúng được truyền qua nhiều thế hệ, có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống tinh thần của người Dao.

Sợi dây kết nối cộng đồng

Chứng chỉ cấp sắc viết bằng chữ Nôm Dao trên giấy đỏ, chữ đen, có đóng triện, là một báu vật trong đời người đàn ông Dao. Lễ cấp sắc không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với một người đàn ông Dao mà còn là sợi dây kết nối giữa người với người trong cộng đồng dân tộc Dao. Qua lễ cấp sắc, mỗi người đều có cảm nhận như mình được nâng cao thêm về hiểu biết, về vị thế, về ý thức và trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng. Lễ cấp sắc thể hiện đạo lý làm người, hướng con người vào việc thiện, hướng tới cội nguồn và tổ tiên.

Các thế hệ người Dao nối tiếp nhau đã chắt lọc tinh hoa văn hóa trong lễ cấp sắc để lưu truyền mãi di sản quý báu của dân tộc. Lễ cấp sắc gồm nhiều nghi lễ phức tạp, chứa đựng phong tục, tín ngưỡng của dân tộc Dao, là một hiện tượng văn hóa tổng hợp gồm nhiều loại hình múa, nhạc lễ và những bài cúng truyền đời qua nhiều thế hệ, có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống sinh hoạt của người Dao. Nó mang giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống, có tính giáo dục cao trong cộng đồng người Dao. Qua lễ cấp sắc, người đàn ông như được sinh ra lần thứ hai, vì thế, nghi thức lễ được tôn trọng.

Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển, những mặt hạn chế trong lễ hội phải được xem xét để có thể xóa bỏ hủ tục, yếu tố mê tín dị đoan, bổ sung điều tốt đẹp và điều đó góp phần tô đẹp bản sắc văn hóa dân tộc. Một vấn đề nữa là về cơ bản, lễ cấp sắc vẫn chỉ là một tục lệ (dân tộc, địa phương) chứ chưa phát triển thành một sự kiện văn hóa, lớp trẻ có ít người yêu thích và am hiểu các nghi lễ, các điệu trống, chiêng, chuông và múa xòe... 

Theo Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chúng ta cần chú ý “biến di sản thành tài sản”, khai thác, phát huy các di sản văn hóa dân gian của cộng đồng các dân tộc để xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn. Việc bảo tồn, phát huy giá trị lễ cấp sắc của người Dao cũng cần được xem xét trong định hướng đó. Từ năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xúc tiến việc lập hồ sơ di sản đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có lễ cấp sắc của người Dao... Đó là cơ sở thuận lợi cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị của lễ cấp sắc trong tương lai.

Lễ cấp sắc cùng với các luật tục khác của người Dao ở Ba Vì là nơi ẩn chứa nhiều tầng văn hóa. Trong thời gian qua, đồng bào người Dao đã làm rất tốt việc giữ gìn hồn cốt văn hóa, giữ gìn bản sắc của dân tộc mình. Tâm thức dân gian, văn hóa dân gian là cội nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm người Dao, việc bảo tồn và phát huy thật tốt nét đẹp văn hóa truyền thống là một cách giúp họ cùng sống đoàn kết, lao động tích cực và hiệu quả trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ cấp sắc của người Dao ở Ba Vì