Huyện Thanh Trì: Phát huy hiệu quả vai trò hợp tác xã

Đỗ Minh| 22/05/2019 07:43

(HNM) - Thời gian qua, các hợp tác xã trên địa bàn huyện Thanh Trì đã đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, từng bước khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân thông qua các mô hình sản xuất.

(HNM) - Thời gian qua, các hợp tác xã trên địa bàn huyện Thanh Trì đã đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, từng bước khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân thông qua các mô hình sản xuất.

Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì) là một trong những điển hình của Hà Nội trong việc ứng dụng quy trình sản xuất rau sạch theo công nghệ tiên tiến của Israel. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát Nguyễn Mạnh Hồng cho hay, xã Yên Mỹ có thế mạnh về trồng rau xanh, nhưng lâu nay vẫn trồng theo phương thức truyền thống. Để phát huy lợi thế của địa phương, ông Nguyễn Mạnh Hồng và các xã viên đã mạnh dạn liên kết, thành lập hợp tác xã, cùng xây dựng thành công mô hình trồng rau sạch ứng dụng công nghệ cao của Israel. Theo đó, các vùng trồng rau của hợp tác xã được thiết kế rất khoa học như mỗi luống trồng cây rau xà lách có diện tích 6 x 1,5m, trồng 210 gốc cây/luống... Nhờ phương pháp sản xuất hiện đại, thời gian thu hoạch các loại rau ăn lá như: Muống, cải… chỉ 23-25 ngày, rau xà lách 30-35 ngày. Trung bình mỗi năm, xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát thu hoạch từ 12 đến 15 lứa rau các loại. Do sản xuất quay vòng nhanh nên hiệu quả kinh tế tăng cao, góp phần cải thiện đáng kể thu nhập của xã viên, người lao động trong hợp tác xã…

Nhờ những định hướng đúng, trên địa bàn huyện Thanh Trì đã xuất hiện nhiều hợp tác xã tiêu biểu trong các lĩnh vực khác nhau. Đơn cử, Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Ninh (xã Vĩnh Quỳnh), đã đầu tư mua 7 máy nông nghiệp để thực hiện việc cơ giới hóa trên đồng ruộng, hỗ trợ nông dân từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch. Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Ninh đang quyết tâm xây dựng những cánh đồng chuyên canh, khẳng định thương hiệu và trở thành hợp tác xã tiêu biểu của thành phố Hà Nội.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Thanh Trì còn có nhiều hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ tích cực hỗ trợ nhân dân trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất rau, trồng cây ăn quả tập trung với diện tích hàng chục héc ta… Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh cho biết, trung bình các mô hình do hợp tác xã tổ chức sản xuất cho thu nhập bình quân từ 300 đến 500 triệu đồng/ha/năm…

Để phát huy vai trò kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã, thời gian qua, huyện Thanh Trì cũng đã tập trung thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Đến nay, toàn huyện có 65 hợp tác xã, trong đó có 41 hợp tác xã nông nghiệp, còn lại là hợp tác xã công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ… Hiện nay, tổng số vốn hoạt động của các hợp tác xã là hơn 34,7 tỷ đồng với 2.865 thành viên tham gia. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Anh, các hợp tác xã đã duy trì hoạt động thực hiện đúng theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Các hợp tác xã đã giúp nâng cao thu nhập cho nông dân, phát triển kinh tế địa phương, góp phần hoàn thành tiêu chí 13 trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Thanh Trì tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nâng cao vai trò, vị trí của các hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã. Huyện cũng tiếp tục đẩy mạnh hợp nhất, sáp nhập các hợp tác xã cùng ngành nghề và địa bàn hoạt động để tăng tiềm lực tài chính, quy mô hoạt động của hợp tác xã; giải thể các hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả. Ngoài ra, huyện sẽ hỗ trợ, đưa các dự án khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Thanh Trì: Phát huy hiệu quả vai trò hợp tác xã