Huyện Quốc Oai: Tạo đột phá bằng du lịch cộng đồng

Bài và ảnh: Thiện - Hà| 16/04/2023 15:30

(HNNN) - Vị trí thuận lợi khi cách trung tâm Thủ đô không xa, với “vốn” lịch sử, văn hóa vùng miền đặc sắc, huyện Quốc Oai đã định hướng phát triển du lịch cộng đồng ở các xã miền núi nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân.

Homestay Homely Land ở thôn Viên Nam, xã Đông Xuân.

“Kích hoạt” du lịch cộng đồng

Đông Xuân là một trong hai xã miền núi của huyện Quốc Oai. Xã có 7 thôn, trên 1.500 hộ với khoảng 5.600 nhân khẩu, trong đó có khoảng 80% là đồng bào dân tộc Mường. Là vùng đồi gò, khí hậu mát mẻ, trong lành, Đông Xuân mang nét đẹp riêng trời phú. Men theo những con đường quanh co, thấp thoáng trên sườn đồi thoai thoải là những nếp nhà. Bên vệ đường là bức tường đá uốn lượn, lộ vẻ cổ kính... Có lẽ, vẻ hấp dẫn riêng có này đã thu hút sự chú ý của nhiều người sành sỏi du lịch tìm về khai mở tiềm năng phát triển kinh tế.

Khởi nguồn công cuộc này là một số hộ dân ở ngoài Đông Xuân về mua đất, xây dựng nhà ở kết hợp làm nơi lưu trú cho khách du lịch (homestay). Đến nay, tại thôn Đồng Bèn và thôn Viên Nam đã có 10 hộ xây dựng homestay. Từ đây, ý tưởng về du lịch cộng đồng được nhen nhóm và ngày càng được chính quyền địa phương quan tâm. Nói về mô hình du lịch cộng đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân Bùi Văn Sâm cho biết, từ năm 2020 trở lại đây, du lịch cộng đồng tại xã bắt đầu được “kích hoạt”. Như để chứng minh cho những đổi thay này, Phó Chủ tịch UBND xã hồ hởi dẫn chúng tôi đi thăm thôn Đồng Bèn và Viên Nam - hai thôn được chọn làm điểm mô hình du lịch cộng đồng. Thấp thoáng trên những quả đồi hay ven chân núi Vua Bà là những ngôi nhà sàn, nhà kiên cố xây dựng kiểu cách, hiện đại. Trong khuôn viên các homestay, chủ nhân trồng nhiều loại hoa, tạo khung cảnh rất thơ.

Nằm cuối thôn Đồng Bèn, dưới vạt đồi bạt ngàn hoa trẩu cùng những chấm đỏ tươi của hoa gạo là homestay của gia đình Trưởng thôn Đồng Bèn Bùi Văn Quyền. Con đường dẫn vào homestay nép dưới vòm cây đào, mai vừa thay hoa, ra lá. Leo kín nóc nhà sàn và rủ xuống mái hiên là những đóa hồng thiên hương tím nên thơ... Trong câu chuyện cùng chúng tôi, anh Quyền giới thiệu: “Đến với homestay, du khách được ở trong nhà sàn sát vách núi, suối chảy róc rách, được hòa mình vào thiên nhiên với nhiều trải nghiệm thú vị như cắm trại, leo đồi, núi, ngắm thác, lội suối... Để làm đẹp thêm vùng đất này, ngoài các loại cây sẵn có, gia đình tôi đã trồng thêm 100 gốc mận, 200 gốc đào và nhiều loài hoa khác để có khung cảnh bốn mùa hoa nở...”.   

Cách đó không xa, homestay mang tên Homely Land ở thôn Viên Nam do anh Mai Văn Đoàn làm chủ được xây dựng trên một khu đồi cao hướng ra hồ Đồng Bồ. Mang nét kiến trúc hiện đại, trên diện tích khoảng 4.000m2, Homely Land được gia chủ thiết kế khá đẹp, gồm 11 phòng kiên cố cho du khách thuê và 6 lều lớn nhỏ. “Đến Homely Land, ngoài leo núi, lội suối, ngắm hồ Đồng Bồ..., du khách còn có không gian rộng để tổ chức các trò chơi tập thể. Đặc biệt, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn đặc sản dân tộc Mường như mâm cỗ lá, gà nấu măng chua, trâu nướng lá bưởi, cá suối hấp, rau rừng xào, uống rượu cần...” - anh Đoàn cho biết.

Rời Đông Xuân, chúng tôi tới xã Phú Mãn - nơi có một số homestay đã và đang thu hút khá đông du khách. Nổi bật trong số này là homestay Little Bee House ở thôn Cổ Rùa. Tới đây, ai cũng cảm thấy được hòa mình vào thiên nhiên khi ở trong những ngôi nhà, công trình làm bằng tre nằm giữa khu vườn ngập tràn cỏ cây, hoa lá. Đến với Little Bee House, ngoài nghỉ dưỡng, câu cá, dạo chơi quanh khuôn viên, thưởng thức ẩm thực địa phương, du khách được ăn rau sạch do chủ nhà trồng, hòa mình cùng người dân bản địa tham gia các trò chơi truyền thống của dân tộc Mường, thưởng thức tiết mục biểu diễn trang phục Mường, múa cồng chiêng... Dù mới đưa vào khai thác khoảng 2 năm nay nhưng Little Bee House đã thu hút được lượng khách khá ổn định vào dịp cuối tuần, lễ tết.

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mãn Đinh Công Nhật chia sẻ: Xã luôn quan tâm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Dù còn khá mới mẻ, dịch vụ chưa nhiều, song mô hình này thực sự đã thổi luồng gió mới vào miền quê thuần nông như Phú Mãn và mang theo niềm hy vọng tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

Du khách tham gia các hoạt động trải nghiệm tại homestay.

Khai thác tốt tiềm năng hiện có

Địa hình bán sơn địa đã tạo cho Quốc Oai một diện mạo riêng. Chia sẻ với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng tự hào kể, huyện có đến 220 di tích, trong đó, có 2 di tích quốc gia đặc biệt (gồm: Quần thể Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách; Di tích quốc gia đặc biệt Đình So, xã Cộng Hòa); 29 di tích xếp hạng cấp quốc gia; 64 di tích xếp hạng cấp thành phố. Ngoài ra, Quốc Oai cũng có nhiều loại hình văn hóa phi vật thể như hát dô ở xã Liệp Tuyết, múa rối nước ở xã Sài Sơn, văn hóa cồng chiêng ở hai xã Phú Mãn và Đông Xuân... Biến tiềm năng thành sức bật, huyện định hướng phát triển du lịch dựa theo thế mạnh từng khu vực, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề. Đặc biệt, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh du lịch cộng đồng gắn với tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của địa phương...

Phát huy thế mạnh du lịch hiện có, cùng với việc đầu tư cải tạo, sửa chữa, chỉnh trang khu Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Thầy, huyện Quốc Oai đã khảo sát và xây dựng tour, tuyến tại khu vực này. Theo đó, huyện sẽ kết hợp với tổ hợp khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Nội khai thác các sản phẩm du lịch vui chơi, giải trí hấp dẫn tại đây; đưa văn hóa cồng chiêng, múa rối vào biểu diễn tại tổ hợp này. Huyện cũng sẽ kết nối với các đơn vị lữ hành để đưa khu Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Thầy vào bản đồ du lịch thành phố...

Song song đó, huyện sẽ xây dựng các tuyến du lịch trải nghiệm gắn với tiêu thụ nông sản đặc sản của các xã miền bãi sông Đáy như nhãn muộn, bưởi Diễn... Để thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn, huyện Quốc Oai đã thành lập ban chỉ đạo, ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện; lãnh đạo huyện thường xuyên về cơ sở để nắm bắt tình hình, chỉ đạo trực tiếp. Bên cạnh đó, UBND huyện và các xã nghiên cứu, tìm hiểu và học cách làm du lịch cộng đồng từ các địa phương khác để áp dụng vào thực tế địa bàn; tổ chức tập huấn và hướng dẫn người dân làm du lịch cộng đồng; tiếp tục khảo sát sản phẩm du lịch ở các xã vùng đồi gò và miền núi, từ đó kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhằm thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển. Và thêm một phương án nữa là huyện sẽ triển khai thí điểm mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với tham quan các di tích của huyện và mô hình du lịch trải nghiệm ở các xã ven sông Tích...

“Khai thác tốt tiềm năng hiện có, lấy đó làm bàn đạp để mở rộng, phát triển các mô hình mới, phát triển du lịch một cách có trọng tâm, trọng điểm..., đó là mục tiêu huyện đang từng bước triển khai thực hiện, qua đó xây dựng Quốc Oai trở thành điểm đến an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”. Đó là lời khẳng định đầy tin tưởng của Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng về một vùng quê giàu bản sắc đang từng ngày đi lên...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Quốc Oai: Tạo đột phá bằng du lịch cộng đồng