Chuyện từ một trang trại học đường

Bài và ảnh: Nguyễn Mai| 19/03/2023 21:24

(HNNN) - Là một trong những địa chỉ du lịch nông nghiệp quen thuộc ở Hà Nội, Trang trại học đường Vạn An (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì) đang thu hút nhiều học sinh tới tham quan. Mô hình vừa tạo ra giá trị kinh tế lớn cho chủ trang trại, vừa tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, vừa là điểm đến lý thú cho du khách... Tuy vậy, giống như nhiều mô hình du lịch nông nghiệp khác, để phát triển bài bản, đơn vị này vẫn đang gặp vô vàn khó khăn, đặc biệt là về cơ chế, chính sách.

Học sinh tham quan trải nghiệm tại Trang trại học đường Vạn An.

Nhân đôi giá trị nhờ du lịch

Đã ngoài 60 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Vạn An vẫn nhanh nhẹn, hết quán xuyến công việc của nhà nông lại sắp đặt việc đón khách tham quan. Là người Yên Mỹ, nhận thấy đất bãi ven đê sông Hồng ở xã mình phù sa màu mỡ nhưng lại để hoang, năm 2004 bà Hằng nhận thầu gần 7,4ha để xây dựng trang trại chăn nuôi. Những năm 2004 - 2006, trang trại Vạn An đã cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn thịt và hàng chục nghìn con giống gà, vịt, dê, bò, thỏ, lợn... Nhưng chăn nuôi cũng đầy rẫy rủi ro. Đầu năm 2007, đàn gia súc, gia cầm gặp dịch bệnh khiến bà Hằng mất trắng.

Trong lúc tưởng chừng như tuyệt vọng, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng đã chuyển sang nuôi ngựa bạch. Ngựa bạch Việt Nam sinh sản tốt nhưng tầm vóc nhỏ, ngựa Tây Tạng có tầm vóc to nhưng sinh sản chậm hơn. Với sự hỗ trợ của các nhà khoa học, bà Hằng đã lai tạo giống ngựa bạch của các tỉnh miền núi Việt Nam với ngựa bạch Tây Tạng để cho ra giống ngựa bạch tốt hơn, đưa Vạn An trở thành địa chỉ cung cấp ngựa bạch giống lớn cho các trang trại của cả nước. Với những con ngựa không còn khả năng sinh sản, trang trại cho sản xuất cao ngựa bạch làm thực phẩm chức năng. Hiện Vạn An có 40 con ngựa bạch nuôi trực tiếp tại trang trại và 10 trang trại chăn nuôi ngựa “vệ tinh” tại các tỉnh, thành phố khác.

Sau thành công từ việc nuôi ngựa bạch, trang trại Vạn An tiếp tục được đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các loại nấm dược liệu như đông trùng hạ thảo, linh chi; các loại hoa lan như thạch hộc tía, lan kim tuyến... đã được trồng với số lượng lớn để cung cấp giống ra thị trường. Trang trại cũng quy hoạch khu trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh, tưới nhỏ giọt..., vừa để đón khách tham quan trải nghiệm, vừa tạo thực phẩm sạch cung cấp cho bếp ăn của trang trại...

Để làm chủ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Vạn An đã hợp tác với hơn 30 nhà khoa học. Trang trại đang tạo việc làm ổn định cho 30 lao động địa phương và gián tiếp tạo việc làm cho hàng chục hướng dẫn viên du lịch. Riêng doanh thu từ sản xuất nông nghiệp tại trang trại ước đạt hơn 2 tỷ đồng/năm. Với thành tích trong sản xuất nông nghiệp và những đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, năm 2020, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng đã được nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

Yên Mỹ chỉ cách trung tâm Thủ đô Hà Nội hơn 10km, đó là lợi thế rất lớn để thu hút khách du lịch nội đô. Hơn nữa, mô hình trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, bảo tồn nguồn gen quý của trang trại cũng rất phù hợp để đón học sinh đến trải nghiệm, đón các đoàn nông dân đến chuyển giao khoa học kỹ thuật... Từ năm 2013, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng đã liên kết với các công ty lữ hành, đón khách. Mô hình ngày một phát triển, đến nay, mỗi năm Trang trại đón tiếp hàng vạn học sinh đến tham quan trải nghiệm.

Tháo gỡ khó khăn

Một ngày đầu tháng 3, hàng trăm học sinh của Trường Tiểu học Hồng Dương (huyện Thanh Oai) đã có buổi trải nghiệm thú vị tại Trang trại học đường Vạn An. Em Nguyễn Minh Hiếu, học sinh lớp 4A4 cho biết: “Đến đây, em được chơi các trò chơi vận động như vượt chướng ngại vật, thử thách bức tường mạng nhện, trượt cỏ, đu dây, bật cao gõ chiêng... Rất thú vị. Nhiều bạn còn tham gia trồng rau, hái cà chua, cho cá, gà ăn...”.

Quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, ngoài những mô hình vườn, ao, chuồng thì các trò chơi dân gian như nặn tò he, kéo co, vẽ màu, làm tranh dân gian... cũng thu hút các em tham gia sôi nổi. Học sinh được trải nghiệm thực tế lao động sản xuất, tham gia những trò chơi vận động bổ ích. Đây chính là cầu nối gắn lý thuyết với thực tiễn đời sống, giúp học sinh củng cố và khắc sâu kiến thức đã học, mở rộng và nâng cao hiểu biết.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, mỗi năm có 2 đợt Trang trại Vạn An thu hút đông học sinh tới tham quan, đó là giữa học kỳ II (từ tháng 3 đến hết tháng 4) và giữa học kỳ I (từ tháng 10 đến tháng 12). Không chỉ thu hút học sinh trên địa bàn thành phố, trang trại còn đón học sinh từ nhiều tỉnh, thành phố lân cận với Hà Nội. “Buổi sáng, các công ty lữ hành tổ chức cho học sinh tham quan trong nội thành; sau đó, đoàn sẽ về trang trại ăn trưa, nghỉ ngơi và tiếp tục trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ngoài đón học sinh, trang trại còn đón các đoàn của Hội Nông dân thành phố Hà Nội và các tỉnh đến tham quan, học tập...

Quá trình tham quan, khám phá, trải nghiệm tạo ra hứng thú mới cho khách, giúp họ hiểu hơn về cuộc sống của người nông dân và được hòa mình với thiên nhiên. Hơn nữa, du lịch nông nghiệp còn góp phần đa dạng hóa ngành nghề nông thôn; tạo việc làm tại chỗ; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng địa phương. Ngày 2-8-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg ban hành Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là một hướng đi mới, giải pháp quan trọng nhằm phát triển kinh tế nông thôn.

Thế nhưng để khai thác hiệu quả, phát triển bài bản, Trang trại học đường Vạn An cũng đang gặp vô vàn khó khăn. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, để có vùng sản xuất nông nghiệp đủ rộng, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Vạn An phải thuê quỹ đất công của xã. Tuy nhiên, thời gian hợp đồng thuê đất chỉ 5 năm nên doanh nghiệp rất khó để đầu tư hệ thống nhà màng, nhà lưới, nhà sơ chế, nhà bảo quản hiện đại phục vụ sản xuất. Thêm nữa, theo Luật Đất đai, đất nông nghiệp thì phải sử dụng đúng mục đích để sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, muốn đón khách tham quan lại phải có hạ tầng như đường giao thông, bãi đỗ xe, nhà ăn, nhà nghỉ trưa, nhà vệ sinh... nên việc đầu tư xây dựng các công trình này gặp rất nhiều khó khăn. “Liên quan đến đất đai, tôi mong muốn Nhà nước cho kéo dài thời hạn hợp đồng cho thuê đất lên 10 năm, 20 năm để người dân yên tâm đầu tư. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có quy định cụ thể cho phép được xây dựng một số công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp để phục vụ du lịch. Chúng tôi cũng mong muốn sớm được thành phố Hà Nội công nhận Trang trại học đường Vạn An là “điểm du lịch” của thành phố để mô hình đi vào hoạt động bài bản hơn, tạo ra giá trị kinh tế cao hơn” - bà Hằng bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện từ một trang trại học đường