Du lịch làng nghề gắn trải nghiệm nông nghiệp: Định hình đường đi mới cho vùng trũng Phú Xuyên

Bạch Thanh| 24/02/2023 10:53

(NSHN) - Huyện Phú Xuyên được biết đến là đất trăm nghề ở phía Nam thành phố với rất nhiều làng nghề nổi tiếng như: Nặn tò he ở thôn Xuân La, xã Phượng Dực; khảm trai sơn mài ở xã Chuyên Mỹ; đan cỏ tế ở xã Phú Túc; giày da ở xã Phú Yên; may comple ở xã Vân Từ; mộc ở các xã Tân Dân, Nam Tiến… Bên cạnh đó, huyện còn có các vùng chuyên canh nông nghiệp tiềm năng lớn phát triển du lịch trải nghiệm, mở ra hướng mới cho vùng trũng.

Xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) thu hút nhiều người tham quan, trải nghiệm du lịch nông nghiệp nhờ cảnh đẹp, môi trường trong lành.

Đã 2 năm nay, khu chuyển đổi đa canh tại thôn Phú Túc (huyện Phú Xuyên) với những vườn cây, ao cá, kênh rạch đẹp như miệt vườn miền Tây, thu hút nhiều người thích thú tham quan, trải nghiệm. Chị Nguyễn Diệu Thúy, trú tại quận Long Biên (Hà Nội) chia sẻ: "Khi được xem những bức ảnh chụp vườn bưởi với ao cá, kênh rạch đẹp trên mạng, tôi quyết định đi xe buýt và đưa 3 con nhỏ về “miệt vườn” Phú Xuyên để cho con chơi và chụp ảnh. Chuyến đi trong ngày, vui hơn những gì mong đợi. Bọn trẻ không chỉ được hòa mình trong không gian thôn quê trong lành với vườn cây, ao cá, mà sau đó còn được đi thăm thú làng nghề cỏ tế, mua rất nhiều món đồ lưu niệm làm từ cỏ tế như giỏ, làn, túi xách... Bọn trẻ được thực hành đan lát như người làm nghề khiến chúng rất vui thích".

Bí thư Đảng ủy xã Phú Túc Bùi Hồng Luyến mong muốn, với cả hai thế mạnh vừa phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm cùng làng nghề cỏ tế độc đáo, địa phương sớm được Phú Xuyên nghiên cứu, kết nối vào tuyến du lịch của huyện. Qua đó, có quy hoạch và những định hướng phát triển chuyên sâu, bài bản hơn...

Nghề cỏ tế ở xã Phú Túc.

Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND xã Chuyên Mỹ Vũ Quốc Thương cho rằng, trên địa bàn xã có nhiều tiềm năng phát triển đa dạng loại hình du lịch, từ du lịch trải nghiệm nông nghiệp đến tham quan, khám phá làng nghề, nhà cổ. Hiện, xã có tới hàng trăm héc ta trang trại với đủ loại cây ăn quả, chăn nuôi đa canh, nuôi trồng thủy sản… với không gian sinh thái rộng lớn.

Tuy nhiên, để Chuyên Mỹ là điểm đến hấp dẫn của ngoại thành Hà Nội, còn rất nhiều việc phải làm, như định hướng sản phẩm du lịch nông nghiệp để trên nền tảng sản xuất hiện có, nông dân được tham gia chuỗi giá trị mới. Mặt khác, đối với khu vực làng nghề, cần quan tâm bảo tồn các ngôi nhà cổ gắn với không gian làng nghề để thu hút khách. Các vấn đề khác như hạ tầng giao thông kết nối, bãi đỗ xe, điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm… cũng cần được đầu tư, quy hoạch bài bản, khoa học hơn...

Đồng quan điểm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân cho hay, một trong các nhiệm vụ quan trọng của chương trình là nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đây không chỉ là chủ trương lớn của thành phố, mà hơn hết là đòn bẩy để nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch của Phú Xuyên hỗ trợ nhau cùng phát triển bền vững.

Độc đáo nghề sơn mài của xã Chuyên Mỹ.

Ông Nguyễn Xuân Thanh, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho rằng: Từ thực tiễn đời sống, đồng thời thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phú Xuyên khóa XXV, trên cơ sở những nghề có lịch sử lâu đời, đang phát triển, có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường, huyện dự kiến lựa chọn 6 nhóm nghề ở 7 xã để đầu tư phát triển thành sản phẩm chủ lực, đặc trưng, có thương hiệu đến năm 2025, gồm: Nặn tò he thôn Xuân La, xã Phượng Dực; khảm trai sơn mài xã Chuyên Mỹ; đan cỏ tế xã Phú Túc; giày da xã Phú Yên; may comple xã Vân Từ; nghề mộc tại các xã Tân Dân và Nam Tiến.

Về xây dựng các điểm du lịch làng nghề, ngoài 2 điểm Vân Từ và Chuyên Mỹ đã được thành phố công nhận, Phú Xuyên phấn đấu đến năm 2025, lựa chọn phát triển thêm ít nhất 2 điểm du lịch làng nghề nữa được thành phố công nhận. Cùng với đó, huyện cũng dự kiến hình thành các tuyến du lịch trên địa bàn theo phương án kết hợp giữa du lịch tâm linh và làng nghề truyền thống gắn với du lịch trải nghiệm nông nghiệp.

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Xuân Thanh nhấn mạnh: Để hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng điểm du lịch làng nghề mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra, trong năm 2023, các cơ quan cần quyết liệt hơn nữa trong tổ chức thực hiện; đồng thời, chủ động phối hợp với các xã xác định điểm đến, người giới thiệu, hướng dẫn, bán sản phẩm...

Một trong những điểm nghẽn để phát triển du lịch làng nghề gắn với trải nghiệm nông nghiệp ở Phú Xuyên chính là khâu hạ tầng giao thông, kỹ thuật và các dịch vụ du lịch chuyên nghiệp chưa được định hình. Thời gian tới, huyện cần đẩy mạnh cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ (giao thông, hệ thống điện và nước sạch, hạ tầng y tế và chăm sóc sức khỏe, nhà vệ sinh, điểm và bãi đỗ xe, hệ thống chỉ dẫn, chỉ báo, hạ tầng số và kết nối viễn thông, thu gom và xử lý rác thải, nước thải…) tại các điểm du lịch, phù hợp nhu cầu của khách du lịch, bảo đảm hài hòa với không gian, cảnh quan gắn với đời sống sinh hoạt của người dân… 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch làng nghề gắn trải nghiệm nông nghiệp: Định hình đường đi mới cho vùng trũng Phú Xuyên