Tết sớm ở làng bánh chưng xã Duyên Hà

Minh Phú| 12/01/2023 10:31

(NSHN) - Nằm ven sông Hồng, người dân các thôn Tranh Khúc, Tân Hà (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì) có nghề làm bánh chưng truyền thống. Ngày cuối năm, đến vùng quê này, khắp làng trên, xóm dưới mùi bánh chưng thơm phức xen lẫn không khí nhộn nhịp của xe chở nguyên liệu, xe chở bánh đi muôn nơi. Nghề này không chỉ mang ấm no đến cho hàng trăm hộ dân mà còn đưa Tết về Duyên Hà sớm hơn so với các vùng quê…

Những ngày này, các gia đình ở Duyên Hà huy động tối đa nhân lực, quây quần ngồi gói bánh chưng.

Cuối năm làm không hết việc

Người dân Duyên Hà làm bánh chưng quanh năm nhưng giáp Tết là thời điểm các gia đình sản xuất quy mô lớn nhất. Những ngày này, ngay từ đầu dốc đê sông Hồng rẽ xuống thôn Tranh Khúc, Tân Hà, những chuyến xe đã nối đuôi nhau chở lá dong, gạo nếp giao cho các gia đình và chở bánh vào nội thành Hà Nội tiêu thụ.

Trong sân nhà anh Nguyễn Duy Thành (chủ cơ sở sản xuất bánh chưng Thành Chung, thôn Tranh Khúc), toàn bộ thành viên trong gia đình đều xắn tay vào việc gói bánh. Anh Thành cho biết: "Gia đình làm bánh chưng bán đã hơn 30 năm nay. Ngày thường, chỉ làm vào dịp rằm và mùng một hay nhận đặt làm bánh cho các đám cỗ…, gần đến Tết Nguyên đán thì sản xuất hằng ngày. Từ trước Tết Quý Mão cả tháng, nhà tôi đã dự trữ sẵn gạo và đậu, lá dong và thịt sẽ lấy hằng ngày để nguyên liệu được tươi, ngon nhất. Dự kiến, dịp Tết này, chúng tôi cung cấp cho thị trường khoảng 30 vạn bánh chưng với mức giá từ 40 nghìn trở lên tùy theo trọng lượng"...

Nghề làm bánh chưng ở Tranh Khúc đã có từ rất lâu, đến năm 2008, thôn được thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống. Trưởng thôn Tranh Khúc Lý Thị Thiệp cho biết: Thôn có 320 hộ dân thì có 75 hộ làm bánh chưng bán ra thị trường. Đặc biệt, những năm gầy đây, các hộ đều đầu tư hệ thống lò hơi nên có thể luộc được số lượng bánh rất lớn. Nhờ nghề này, kinh tế của các hộ dân trong xã rất phát triển, các gia đình đều xây dựng được nhà cao tầng khang trang; thôn không có hộ nghèo.

Theo Chủ tịch UBND xã Duyên Hà Võ Hồng Hải, trước đây, nghề làm bánh chưng chỉ tập trung ở thôn Tranh Khúc nhưng đến nay đã nhân rộng ra cả xã. “Con gái làng Tranh Khúc đi lấy chồng mang theo nghề nên các làng khác của Duyên Hà cũng có nghề làm bánh chưng. Ngoài ra, riêng thôn Tân Hà có ½ số hộ dân là người Tranh Khúc chạy lụt vào từ năm 1971 nên hiện có 35 hộ làm bánh chưng. Dịp cuối năm, mỗi ngày, mỗi nhà ở Duyên Hà có thể làm được 2.000 bánh. Có những nhà làm quy mô lớn thì chỉ trong ngày 27, 28, 29 Tết có thể xuất đến 5.000 bánh/ngày".

Cụ già cũng tham gia các công đoạn làm bánh cùng các con cháu. 

Mang Tết đến muôn nơi

Bà Nguyễn Thị Hợi, người dân thôn Tranh Khúc năm nay 69 tuổi chia sẻ, để làm ra những chiếc bánh chưng ngon, nguyên liệu phải được tuyển chọn kỹ lưỡng. Lá dong xanh mướt, rửa sạch, dựng cho khô nước; gạo nếp cái hoa vàng hoặc nếp nhung dẻo và thơm vo sạch; đỗ xanh phải là loại hạt nhỏ, ruột vàng; thịt lợn nạc vai và ba chỉ làm nhân để bánh có vị béo ngậy. Người Duyên Hà thường nấu chín đậu rồi giã nhuyễn vo cùng thịt lợn ướp nước mắm, hạt tiêu khi còn nóng hổi… Nhờ vậy, khi gói rất nhanh và nhân nằm gọn trong chiếc bánh.

Nhân bánh là đỗ xanh được nấu chín rồi giã nhuyễn, vo cùng thịt lợn thành các nắm nhỏ khi còn nóng hổi.

Gói bánh chưng dù không khó, nhưng để bánh chắc tay, vuông vắn hoặc luộc không bị vỡ hay nhão thì là cả một nghệ thuật. Đôi tay thoăn thoắt, không cần cân đong cũng không cần khuôn, chị Trần Thị Vân Thuỳ (thôn Tranh Khúc) cứ 12 giây lại hoàn thành một chiếc bánh trọng lượng 1kg. Với tốc độ đó, mỗi ngày, chị Thuỳ có thể hoàn thành vài trăm bánh. Chị Thuỳ cho biết, những chiếc bánh này có giá 50 nghìn đồng, trong đó, chi phí nguyên liệu là 45 nghìn đồng, người làm bánh chỉ lấy lãi 5 nghìn đồng tiền công mỗi chiếc.

Cứ 12 giây, chị Trần Thị Vân Thùy (thôn Tranh Khúc) hoàn thành một chiếc bánh trọng lượng 1kg.

Trước đây, người xã Duyên Hà chỉ nấu bánh chưng bằng củi, bằng than; đến nay các hộ đều chuyển sang đun bằng điện với hệ thống nồi hơi nên nấu được nhiều hơn và bánh chín rền hơn. Khi bánh chín, các hộ sử dụng các túi hút chân không để bọc bên ngoài sản phẩm, nhờ đó thời gian bảo quản cũng được kéo dài hơn.

Nhân bánh là thịt lợn ba chỉ hoặc thịt vai, ướp hạt tiêu, nước mắm ngon.

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, làng nghề chuyên sản xuất bánh chưng của Hà Nội không chỉ cung cấp những chiếc bánh chưng Tết, để dâng cúng lên tổ tiên, mà còn nêu cao việc gìn giữ những đặc trưng văn hóa của người Việt trong việc đón Tết theo phong vị cổ truyền của dân tộc.

Hiện bánh chưng Duyên Hà được tiêu thụ khắp Hà Nội, các tỉnh thành phố trong cả nước và còn là hàng “xách tay” của nhiều người Việt Nam khi đi nước ngoài. Cũng vì thế mà người làng nghề làm không hết việc và bánh chưng như đang đưa Tết về Duyên Hà sớm hơn mọi nơi...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết sớm ở làng bánh chưng xã Duyên Hà