Làng nghề Hà Nội mở rộng hợp tác để phát triển

Minh Phú| 25/11/2022 11:55

(HNMO) - Các làng nghề truyền thống tại Hà Nội dù rất lâu đời, giàu nét văn hóa và mang lại giá trị kinh tế cao cho người  dân nhưng quy mô sản xuất còn manh mún, thị trường tiêu thụ không ổn định, nguồn nguyên liệu sản xuất phụ thuộc vào các địa phương khác. Để phát triển bền vững, làng nghề Hà Nội cần có sự hợp tác liên kết các địa phương vừa để chủ động nguồn nguyên liệu, vừa tạo ra chuỗi các sản phẩm du lịch làng nghề...

 Làng Vạn Phúc (quận Hà Đông) đã tổ chức các tuyến phố kinh doanh lụa kết hợp với phố ẩm thực, khu sinh vật cảnh… để phát triển du lịch. Trong ảnh: Tuyến phố lụa ở làng Vạn Phúc (quận Hà Đông) luôn hấp dẫn khách tham quan.

Nhiều thuận lợi nhưng còn khó khăn

Thông tin tại Hội nghị Hợp tác phát triển sản phẩm làng nghề Hà Nội và các tỉnh phía Bắc do Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức ngày 22-11 mới đây, ông Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết, Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề lớn nhất trong cả nước với 1.350 làng nghề và làng có nghề. Các làng nghề Hà Nội hội tụ tới 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Tổng doanh thu hàng năm từ các làng nghề trên địa bàn Hà Nội ước đạt bình quân trên 20.000 tỷ đồng. Kinh tế làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm. Trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10-20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20-50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương.

Sự phát triển của các làng nghề cũng giúp cải thiện thu nhập cho người lao động, hiện đạt bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập này nhìn chung còn thấp và không đồng đều nhưng vẫn cao hơn so với lao động thuần nông. Đáng chú ý, lao động làng nghề tại một số quận, huyện đạt từ 60 triệu đồng/người/năm như: Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Thạch Thất…

Tuy vậy, các làng nghề Hà Nội vẫn đứng trước nhiều khó khăn và thách thức, như vật tư đầu vào còn phụ thuộc nhập khẩu, vùng nguyên liệu chưa tập trung, quy mô sản xuất còn nhỏ và manh mún. Đặc biệt thị trường tiêu thụ thiếu ổn định và chưa đa dạng trong lúc yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe.

Ông Phạm Khắc Hà - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho biết, làng nghề Vạn Phúc vẫn gặp khó khi nhập các nguyên liệu. Vạn Phúc không còn gia đình nào trồng dâu nuôi tằm. Nguyên liệu để sản xuất phải nhập từ rất nhiều nơi như Lâm Đồng, Hà Nam và nước ngoài. Do chưa xây dựng được vùng nguyên liệu bền vững cho làng nghề nên nhiều lúc phải nhập nguyên liệu giá cao và không ổn định. Đây cũng là khó khăn chung đối với ngành nghề khác ở Hà Nội.

Hà Nội thể hiện rõ vai trò “đầu tàu” trong hỗ trợ các tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP trên địa bàn Thủ đô. Trong ảnh: Nhiều sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền trên cả nước được giới thiệu, quảng bá tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (Hà Nội).

Phát triển chuỗi giá trị từ du lịch

Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam - Tôn Gia Hóa đề xuất, cần sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương để phát triển sản phẩm, hình thành chuỗi du lịch làng nghề. Đây là con đường tốt nhất để khắc phục những yếu điểm hiện tại của sản xuất làng nghề. Theo ông Hóa: "Du lịch làng nghề sẽ là cầu nối gắn kết giữa cơ sở sản xuất và tiêu thụ, thông qua các hoạt động hợp tác góp phần bảo tồn và phát triển các làng nghề một cách bền vững”.

Định hướng phát triển du lịch làng nghề cũng được nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn Hà Nội đặt ra. Theo ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), để phát triển du lịch bền vững, quảng bá sản phẩm, phường Vạn Phúc đã xây dựng các tuyến phố Lụa kết hợp với các ngành nghề phụ trợ để phục vụ khách du lịch như: Khu phố ẩm thực, phố sinh vật cảnh, trung tâm giao lưu văn hóa đồ cổ, phát triển loại hình lưu trú, mua sắm. "Ngoài việc phát triển các sản phẩm, làng nghề cũng đã đẩy mạnh việc tạo cảnh quan du lịch hấp dẫn, việc làm này đã mang đến không gian xanh, thoáng mát, thân thiện môi trường cho làng Vạn Phúc. Các hộ dân mở cửa hàng trên tuyến phố Lụa phải đăng ký gian hàng đạt chuẩn với Sở Du lịch thành phố về giá cả và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, bảo đảm chất lượng về hàng hóa cho người sử dụng", ông Hà nói.

Ngoài ra, người dân Vạn Phúc luôn ý thức và tự giác trong giữ gìn và tạo cảnh quan trên các tuyến phố, công tác bảo vệ môi trường được chú trọng để tạo không gian du lịch xanh, sạch, đẹp thân thiện cho du khách. Nhằm phát huy thế mạnh vốn có của làng nghề, địa phương đã tuyên truyền cho các hộ hoạt động kinh doanh, sản xuất lụa về cách ứng xử văn minh, lịch sự, không chèo kéo, ảnh hưởng đến hình ảnh của làng nghề và thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng văn minh, lịch thiệp.

Tương tự phát triển làng nghề kết hợp với du lịch cũng được triển khai tại làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái (huyện Thường Tín). Bà Nguyễn Thị Hồi, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề sơn mài Hạ Thái cho biết: Làng nghề này là 1 trong 7 điểm du lịch làng nghề của thành phố Hà Nội. Việc phát triển du lịch làng nghề chính là cơ hội để địa phương quảng bá, bán sản phẩm trực tiếp cho khách tham quan. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa phát triển làng nghề là một trong những chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội. Nhiều doanh nghiệp trong làng nghề mong thành phố Hà Nội tổ chức nhiều hội chợ thủ công mỹ nghệ mang tầm quốc tế, qua đó thu hút doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài giao thương”, bà Hồi kiến nghị.

Là doanh nghiệp sản xuất gốm, ông Nguyễn Hữu Thức, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần gốm Chu Đậu đề xuất giải pháp tăng cường liên kết các tour du lịch với các làng nghề. Theo ông Thức, tổ chức các chương trình trải nghiệm cho du khách đến tham quan trong các tour du lịch làng nghề sẽ tích cực quảng bá hình ảnh, nét văn hóa của làng các nghề truyền thống đối với bạn bè trong nước và quốc tế.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, nhiều sản phẩm làng nghề của Hà Nội và các tỉnh đã tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Với tinh thần “Hà Nội với cả nước”, Hà Nội đã, đang và sẽ thể hiện rõ vai trò “đầu tàu” trong việc hỗ trợ các tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề trên thị trường Thủ đô, tạo động lực để chương trình này phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng nghề Hà Nội mở rộng hợp tác để phát triển