Chung tay phát triển du lịch xanh

Ánh Dương| 26/06/2022 05:55

(HNMCT) - Huyện Ba Vì là địa bàn cư trú của 3 dân tộc Kinh, Mường, Dao, là vùng đất sở hữu cảnh quan thiên nhiên phong phú với núi, rừng, thác, suối, sông, hồ... Những điểm đến quen thuộc gắn liền với thiên nhiên, đời sống con người nơi đây có thể kể đến như Vườn quốc gia Ba Vì, Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên, Thiên Sơn - Suối Ngà, Tản Đà... Hướng tới nền du lịch xanh, an toàn, Ba Vì đang từng bước chăm chút, làm đậm bản sắc miền núi trong hoạt động du lịch. Bà con dân tộc Mường, Dao nơi đây chung sức với địa phương phát triển ngành kinh tế đặc thù này và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng.

Người dân tộc Mường ở xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) làm mâm cơm cỗ lá. Ảnh: Ngọc Hà

Nguồn nước mát lành từ thiên nhiên, văn hóa

Khu vực sườn tây núi Ba Vì (huyện Ba Vì) có vùng đồi gò bao quanh chân núi, là nơi sinh sống của 3 dân tộc Kinh, Mường, Dao, tạo nên một không gian văn hóa có sự giao lưu của 3 dân tộc. Địa hình núi cao và có các dòng nước từ trên núi đổ về những khe suối lớn, nhỏ đã tạo nên cảnh quan tự nhiên đẹp mắt, thích hợp với việc phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa. Trưởng phòng Văn hóa huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu cho biết: Huyện đang đẩy mạnh phát triển du lịch tại các xã vùng núi, nhất là tập trung khơi dậy, gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Điển hình như đến với Bản Coốc xã Minh Quang, khách du lịch sẽ được trải nghiệm văn hóa dân tộc Mường - Dao Ba Vì với các hoạt động: Vác nước đầu xuân của già làng Mường; văn hóa chiêng Mường; tìm hiểu Bộ lịch cổ đại người Mường Việt Nam; “Lễ hội Cơm mới” vào dịp 10-10 âm lịch hằng năm, hội thi nấu cơm ngày mùa mừng cơm mới...

Ngoài xã Minh Quang, Ba Vì còn có nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn tại các xã: Khánh Thượng, Ba Vì, Vân Hòa, Yên Bài, Ba Trại. Khách du lịch có cơ hội tìm hiểu văn hóa cồng chiêng, trang phục dân tộc, thưởng thức ẩm thực dân tộc Mường; trải nghiệm các hoạt động trồng rau, hái chè, chế biến nông sản thủ công truyền thống gắn với hoạt động sản xuất các sản phẩm OCOP; tham quan, trải nghiệm thực tế tại vườn chè, vườn thuốc nam của dân tộc Dao xã Ba Vì...

Đến với xã Yên Bài một ngày giữa tháng 6-2022, chúng tôi được cán bộ xã đưa đi thăm mô hình du lịch cộng đồng đang được xã tập trung phát triển. Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài Nguyễn Đăng Bảy chia sẻ: Yên Bài có gần 50% dân số là người dân tộc Mường, Dao. Căn cứ đặc thù của từng thôn, xã khuyến khích xây dựng mô hình phát triển du lịch mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, toàn xã có hơn 200ha trồng chè theo hướng an toàn, chủ yếu tập trung ở thôn Phú Yên, trong đó có hơn 20ha được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây là lợi thế để hàng chục hộ trồng chè VietGAP ở Phú Yên phát triển du lịch cộng đồng. Du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động hái chè, sao chè, mua sản phẩm chè về sử dụng, làm quà... Ở các thôn Chóng, Quýt, Mít Mái nằm giáp chân núi Ba Vì, nơi có không khí trong lành với cảnh quan thiên nhiên núi, rừng, suối..., nhiều hộ dân trong xã phát huy hiệu quả mô hình du lịch mang hơi thở cuộc sống đồng bào vùng cao.

Chị Hoàng Thị Ánh, người dân tộc Mường, ở thôn Chóng, cho biết, chị và gia đình cùng 15 hộ dân của thôn, đều là người dân tộc Mường, đã đầu tư hàng chục tỷ đồng làm mô hình du lịch cộng đồng Thung lũng bản xôi ở thôn Chóng trên diện tích 40ha đất vườn, ao, đất khai hoang... Mô hình đáp ứng nhu cầu dã ngoại cho các đoàn du khách. Tại đây, khách du lịch được sống gần gũi với thiên nhiên, tận hưởng vẻ đẹp núi non hùng vĩ, phong cảnh hữu tình bên hồ nước trong xanh, đồi cỏ thoai thoải có nhiều tán cây bóng mát. Họ chơi các trò chơi dân gian như đu dây, kéo co...; thưởng thức đặc sản rau rừng, lợn rừng...

Trong khi đó, tại xã Vân Hòa, việc giữ lửa cho tiếng cồng chiêng âm vang đang được người dân địa phương, nhất là người dân tộc Mường, tích cực phát huy. Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa Nguyễn Thị Ngọc Hà cho biết: Vân Hòa có 11 đội cồng chiêng, thành lập từ năm 2015, được huyện Ba Vì đầu tư 4 bộ cồng chiêng và 20 bộ trang phục dân tộc nam, nữ. 7 bộ cồng chiêng còn lại có được từ nguồn kinh phí xã hội hóa, mỗi bộ có giá khoảng 20 - 30 triệu đồng. Các đội cồng chiêng của xã tham gia biểu diễn trong các dịp lễ hội, hoạt động phục vụ du khách...

Bà Nguyễn Thị Duyên, dân tộc Mường, ở thôn Muồng Phú Vàng, cũng chia sẻ, vì yêu tiếng cồng chiêng nên nhiều năm qua bà đã cùng người dân trong thôn vận động thành lập đội cồng chiêng với 25 thành viên. “Đội cồng chiêng thôn Muồng Phú Vàng và các thôn khác trong xã thường xuyên tham gia biểu diễn phục vụ khách du lịch, góp phần thu hút nhiều du khách đến tìm hiểu về đời sống văn hóa dân tộc Mường” - bà Nguyễn Thị Duyên vui vẻ kể.

Tương tự, xã Khánh Thượng cũng đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, thu hút du khách bằng những màn biểu diễn cồng chiêng, giới thiệu đặc sản dân tộc như mật ong, sữa ong chúa, miến dong... Xã có 12 đội cồng chiêng ở 12 thôn (từ 15 đến 25 người/đội), thành lập từ nhiều năm qua. Bà Vũ Thị Lâm, dân tộc Mường, ở thôn Gò Đá Chẹ, là người có công khơi dậy, truyền nghệ thuật đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ trên địa bàn xã. Bà Lâm cũng là thành viên tích cực cùng đội cồng chiêng tham gia biểu diễn phục vụ du khách đến với quê hương mình.

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch miền núi

Tập trung phát triển du lịch vùng núi, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, huyện Ba Vì đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư về du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, giới thiệu, quảng bá du lịch - lễ hội của huyện tới du khách trong nước và quốc tế... Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh cho biết: Huyện đang đầu tư xây dựng các tuyến đường Tản Lĩnh - Yên Bài, Vân Hòa - Khoang Xanh - Thiên Sơn - Suối Ngà, đường nối tỉnh lộ 414 - Ao Vua... phục vụ du lịch miền núi. Đồng thời, huyện khuyến khích các địa phương đa dạng hóa sản phẩm, loại hình du lịch, từng bước hình thành, phát triển các sản phẩm du lịch được xã hội quan tâm như du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp xanh, du lịch văn hóa - tâm linh gắn với bảo tồn lễ hội, di sản văn hóa và bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số..., góp phần thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương.

Là đơn vị tham gia phát triển du lịch nông nghiệp xanh trên địa bàn, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Yên Bài Nguyễn Văn Bảy chia sẻ: Địa phương đang triển khai thực hiện mục tiêu mỗi thôn, mỗi khu vực xây dựng một sản phẩm du lịch với câu chuyện riêng, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử dân tộc, đồng thời cải tạo, chỉnh trang các tuyến đường, nhà vườn đồng bộ, đẹp mắt để thu hút du khách.

Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa Nguyễn Thị Ngọc Hà thông tin thêm: Địa phương đang tuyên truyền, vận động các hộ dân khôi phục các món ăn dân tộc như mâm cơm cỗ lá, cơm lam, đầu tư làm mới những sản phẩm từ thịt bò, sữa bò, thịt đà điểu... để phục vụ du khách.

Theo Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh, thời gian tới, huyện ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch miền núi, như nâng cấp, mở rộng các tuyến đường đến các khu, điểm du lịch; triển khai các dự án bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường sống gắn với phát triển du lịch; quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có thương hiệu của huyện tại các khu, điểm du lịch, như chè Ba Trại, miến dong Minh Hồng, sữa Ba Vì, gà đồi Ba Vì... Toàn huyện phấn đấu mỗi năm đón từ 4 - 4,5 triệu lượt du khách, đạt doanh thu 480 - 500 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 5.000 lao động ở khu vực miền núi...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung tay phát triển du lịch xanh