Ba Vì thúc đẩy du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng

Bạch Thanh| 01/05/2022 08:39

(NSHN) - Với lợi thế thiên nhiên ưu đãi cùng nhiều giá trị văn hóa bản địa được lưu giữ và phát huy, những năm qua, huyện Ba Vì chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng... qua đó, tạo thêm nhiều nguồn lực để vùng quê miền núi ngày càng phát triển...

Cảnh sắc tươi đẹp là lợi thế để huyện Ba Vì phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Nhiều tiềm năng, lợi thế

Chiếm phần lớn diện tích của huyện là dãy núi Ba Vì, tạo nét đặc trưng riêng của địa hình, địa chất và khí hậu nơi đây. Trên nền địa hình đa dạng, phong phú ấy, đã hình thành quần thể núi, rừng, thác, suối, thung lũng, hồ nước... Bên cạnh các khu du lịch có tiếng như: Ao Vua, Đầm Long, Thiên Sơn - Suối Ngà..., du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái của huyện đang có nhiều mô hình, sản phẩm mới đặc sắc.

Là một trong những người tham gia làm du lịch cộng đồng tại huyện Ba Vì, bà Ngô Kiều Anh - chủ trang trại Đồng Quê chia sẻ: "Khi tìm hiểu về vùng đất Ba Vì, tôi đã nhận thấy nguồn tài nguyên vô giá cho phát triển du lịch nông nghiệp, đó là các làng nghề chăn nuôi, trồng trọt. Người nông dân tham gia vào các khâu phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái một cách rất tự nhiên như họ vẫn làm, chỉ là được đào tạo, tập huấn thêm kỹ năng phục vụ du lịch".

Hơn chục năm trước, xã Vân Hòa thuần túy là làng thuần nông, người dân sống chủ yếu nhờ chăn nuôi bò sữa. Nay, nơi đây, nhà nhà tham gia vào chuỗi phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn. Vân Hòa thực sự lột xác trở thành một trung tâm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng có tiếng ở Ba Vì với hơn 300 điểm du lịch có quy mô khác nhau. Diện mạo làng quê thay đổi nhanh chóng, xóm làng dần sạch sẽ, văn minh hơn, nhiều homestay xuất hiện. Văn hóa bản địa được bồi đắp, cảnh sắc thiên nhiên được tôn tạo với những đường hoa rợp bóng mát, nhà cửa ngăn nắp, sạch đẹp...

Tương tự, các xã: Ba Trại, Tản Lĩnh, Minh Quang nổi tiếng với nghề trồng và chế biến chè; chăn nuôi bò sữa, đà điểu, trồng mai trắng..., người dân sống trong môi trường trong lành, thu nhập ổn định từ phát triển làng nghề gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Thành, lão nông đã sống hơn 80 năm ở vùng núi xã Tản Lĩnh chia sẻ: Cuộc sống nay khác nhiều rồi. Bà con trước đây vốn chỉ biết trồng chè, nuôi bò..., thị trường nông sản năm được, năm mất, nay gắn với du lịch, làm ra tới đâu tiêu thụ với giá tốt tới đó nên nông dân càng có động lực đầu tư phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi mới...

Phát triển du lịch thúc đẩy các mô hình nông nghiệp tại huyện Ba Vì phát triển bền vững.

Gìn giữ, lan tỏa cuộc sống tươi đẹp

Lý giải về sức bật của du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng của Ba Vì, ông Nguyễn Tiến Tha, Chủ tịch UBND xã Minh Quang cho biết, với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp cùng các nguồn lực mà thành phố đầu tư cho các xã miền núi, việc hình thành mô hình nông nghiệp gắn với dịch vụ du lịch... khiến những mảnh đất nghèo khó có thêm sinh lực mới để phát triển. Mong rằng thời gian tới, thành phố tiếp tục quan tâm, đầu tư hạ tầng hơn nữa để du lịch Ba Vì ngày càng phát triển.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Ngô Văn Tiếp, chủ khu du lịch bản Coốc, xã Minh Quang cho hay: "Đã có lúc tôi nghĩ, có được nhà ở phố, có việc làm tốt ở phố là điều may mắn, nhưng hóa ra lại thua xa mảnh vườn nhìn ra cánh đồng, nhìn dãy núi Tản phủ đầy mây trắng đón khách tới thăm, ăn bữa cơm quê. Chúng tôi luôn tâm niệm rằng, dù cuộc sống có phát triển đến đâu cũng không bao giờ được quên gốc rễ, cội nguồn, văn hóa đặc sắc của người Mường, người Dao...

Ba Vì có truyền thống của người dân bản địa, là hồn cốt cho phát triển du lịch. Nếu đánh mất thì chúng ta sẽ chẳng còn gì. Vì thế, chúng tôi luôn gắn việc giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng".

Nét văn hóa độc đáo của người Mường, xã Minh Quang, thu hút nhiều người tham quan, trải nghiệm

Đánh giá việc biến nội lực của huyện Ba Vì là các sản phẩm du lịch để làm động lực cho sự phát triển của địa phương, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua Nguyễn Mạnh Thản khẳng định, Ba Vì thực sự là "mỏ vàng" đầy tiềm năng của du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng với đa dạng loại hình, dịch vụ từ nghỉ dưỡng, trải nghiệm, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh...

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh, những năm qua, du khách đến với Ba Vì không chỉ được sống trong môi trường sinh thái, xanh, sạch, thiên nhiên tươi đẹp, mà còn được trải nghiệm cuộc sống sôi động, vui tươi cùng đồng bào người Dao, người Mường... Du khách cũng có thể thưởng thức và mua sắm nhiều đặc sản, vật phẩm đặc trưng như thuốc Nam của người Dao Ba Vì, sữa dê, sữa bò, thịt, giò đà điểu, hay chè Ba Trại, măng, miến Minh Quang...

Ông Nguyễn Đức Anh cho biết, để du lịch gắn với nâng cao đời sống người dân ở các xã miền núi một cách bền vững, UBND huyện Ba Vì tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng khảo sát, đánh giá, hỗ trợ nhiều mô hình phát triển du lịch hiệu quả tại địa phương, đặc biệt là xây dựng, lan tỏa mô hình điểm du lịch cộng đồng gắn với sản xuất nông nghiệp theo hộ hoặc nhóm hộ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba Vì thúc đẩy du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng