Thu hút khách đến các di tích cách mạng kháng chiến tại Hà Nội: Cần một ''cú hích''

Bảo Khánh| 01/05/2021 06:04

(HNMCT) - Trong gần 6.000 di tích hiện có, hệ thống di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn Hà Nội chiếm số lượng khiêm tốn với khoảng 380 di tích và địa điểm lưu niệm sự kiện.

Những năm qua, dù ngành Văn hóa Thủ đô đã nỗ lực thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị của hệ thống di tích cách mạng kháng chiến nhưng phần lớn các di tích này vẫn chưa tạo được sức hút lớn với du khách. Do đó, rất cần một "cú hích" trong tư duy tổ chức, cách làm... để tạo bước chuyển cho hệ thống di tích quan trọng này, thu hút thế hệ trẻ đến với các địa chỉ văn hóa, lịch sử.  

Du khách tham quan di tích Nhà bà Hai Vẽ (quận Tây Hồ). Ảnh: Linh Tâm

Tiềm năng còn đó

Theo thống kê của Ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô hiện có 44 di tích cách mạng kháng chiến đã được xếp hạng, trong đó có 25 di tích cấp quốc gia và 19 di tích cấp thành phố. Ngoài ra, Hà Nội còn có hơn 300 địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến, trong đó có 277 địa điểm đã được gắn biển với 181 địa điểm được quản lý, bảo vệ, phát huy tốt giá trị và 10 địa điểm lưu niệm sự kiện không còn giữ được biển do nhiều nguyên nhân.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá: “Di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn Hà Nội là minh chứng cho các phong trào yêu nước, phong trào cách mạng của nhân dân Thủ đô và sự phát triển liên tục của các phong trào ấy mà đỉnh cao là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Minh chứng cho các sự kiện này là các di tích cách mạng kháng chiến như nhà số 5D Hàm Long, nhà số 75 Hàng Nón, căn hầm nhà số 90 Thợ Nhuộm, Nhà tù Hỏa Lò, Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, nhà số 48 Hàng Ngang, Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Vạn Phúc...”.

Nhưng, trong thực tế, phần lớn các di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn Hà Nội hầu như chưa phát huy được hết giá trị. Trong số 380 di tích loại này trên địa bàn thành phố, chỉ có Nhà tù Hỏa Lò thường xuyên có khách tham quan; nhà số 48 Hàng Ngang, Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Vạn Phúc thi thoảng đón các đoàn khách trong những dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước; số còn lại đều rơi vào cảnh thưa vắng khách. Như di tích nhà bà Hai Vẽ (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), mặc dù nằm gần đường An Dương Vương nhưng không mấy khi có khách nên thường xuyên “cửa đóng, then cài”. Hay như ngôi nhà 5D Hàm Long, mặc dù thường xuyên có các trưng bày chuyên đề nhưng thi thoảng mới có khách tìm đến để tìm hiểu thông tin.

Lý giải nguyên nhân, Trưởng ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn cho rằng: “Các di tích cách mạng kháng chiến ít nhiều chưa hấp dẫn, tư liệu trưng bày chưa đầy đủ nên chưa thu hút được khách tham quan. Các tài liệu, hiện vật trưng bày còn khuôn mẫu, tẻ nhạt, không phong phú như các bảo tàng, do vậy, chưa thu hút được du khách đến hoặc trở lại với di tích. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý di tích trực tiếp cũng chưa có sự đổi mới trong hoạt động chuyên môn và công tác tuyên truyền, quảng bá”.

Thay đổi để thu hút khách

Để các di tích cách mạng kháng chiến được bảo tồn song song với việc phát huy giá trị di tích, ông Trương Minh Tiến, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, cần đổi mới tư duy, cách tiếp cận và lắng nghe ý kiến của du khách để điều chỉnh kịp thời các hình thức phát huy giá trị di tích.

“Cần hỗ trợ công nghệ hiện đại trong việc trưng bày, thuyết minh và tăng cường các hoạt động tương tác, trải nghiệm để thu hút giới trẻ đến với di tích cách mạng kháng chiến. Song song đó, ngành Văn hóa cần kết hợp với các nhà trường, đưa học sinh đến các di tích cách mạng kháng chiến để tìm hiểu thực tế kết hợp với các bài học trong chương trình, giúp các em hiểu sâu, nhớ lâu hơn về các di tích”.

Nhằm tăng cường thu hút khách đến với hệ thống di tích cách mạng kháng chiến trong thời gian tới, ông Nguyễn Doãn Văn cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức sưu tầm tài liệu liên quan đến các sự kiện, nhân vật lịch sử; xây dựng video clip về các di tích tiêu biểu, hoàn chỉnh chương trình thuyết minh, giới thiệu nội dung di tích để bồi dưỡng năng lực hướng dẫn, thuyết minh cho cán bộ cơ sở; tổ chức các hoạt động mít tinh, hội thảo chuyên đề, trò chơi tìm hiểu kiến thức lịch sử cách mạng... cho các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố để tăng tính hấp dẫn, qua đó thu hút khách đến với các di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn Hà Nội...”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hút khách đến các di tích cách mạng kháng chiến tại Hà Nội: Cần một ''cú hích''