Du lịch Đan Phượng: Bứt phá từ tiềm năng

Linh Tâm| 23/04/2021 06:20

(HNMCT) - Với lợi thế giao thông thuận lợi, chỉ mất khoảng 40 phút lái xe từ trung tâm Thủ đô Hà Nội là du khách đã về tới Đan Phượng. Nơi đây sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa - lịch sử. Với những lợi thế đó, Đan Phượng đã và đang tập trung đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp để đưa khách đến nhằm tạo đà bứt phá cho du lịch huyện trong thời gian tới.

Đền Văn Hiến (huyện Đan Phượng). Ảnh: Mỹ An

Đa dạng tiềm năng

Là huyện ven đô, nằm ở phía tây bắc Thủ đô Hà Nội, Đan Phượng là một vùng đất cổ, gắn liền với sự hình thành, phát triển của nhà nước Vạn Xuân và Thành cổ Ô Diên (xã Hạ Mỗ) vào thế kỷ VI. Đây cũng là vùng “địa linh nhân kiệt” - nơi sinh ra những nhân tài của quốc gia như Thái úy Tô Hiến Thành, Đệ nhị Tiến sĩ Đỗ Trí Trung, Đệ tam Tiến sĩ Đào Hoàng Thực...

Đan Phượng cũng là “cái nôi” của nghệ thuật chèo tàu, ca trù cùng các lễ hội đặc sắc như Lễ hội đền Sa Lãng (xã Liên Hà) với hội đua thuyền rồng và đánh cờ người, Lễ hội đền Bồng Lai (xã Hồng Hà) với tục rước nước thiêng, Lễ hội diều Bá Giang (xã Hồng Hà) thu hút du khách gần xa... Ngoài ra, Đan Phượng còn có những đặc sản độc đáo như cháo se, nem Phùng, rượu Bá Giang, đậu Hạ Mỗ, giò chả Tân Hội...

Không chỉ là vùng đất với bề dày văn hóa - lịch sử, Đan Phượng còn là địa phương đi đầu trong việc xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp mạnh nhất của Hà Nội. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, nơi sông Hồng, sông Đáy và sông Nhuệ đổ về nên đất đai nơi đây màu mỡ, góp phần định hình “vành đai xanh” gồm vùng trồng rau an toàn, vùng trồng hoa, cây cảnh lớn cho Hà Nội. Cùng với đó, xu hướng đô thị hóa nhanh cũng đã tạo ra nhu cầu về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần, các dịch vụ vui chơi giải trí, thương mại tại Đan Phượng.

Trẻ em vui chơi trong Khu du lịch sinh thái Đan Phượng (The Phoenix Garden).

Ưu tiên phát triển sản phẩm đặc thù

Tại buổi tọa đàm Liên kết hợp tác phát triển du lịch Đan Phượng mới đây, nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành đã bày tỏ mong muốn kết nối, xây dựng sản phẩm, góp phần giúp du lịch Đan Phượng bứt phá trong thời gian tới.  

Nhấn mạnh đến việc phải tạo ra được những sản phẩm khác biệt, Giám đốc Công ty Cổ phần Hanotours Hồ Xuân Phúc cho rằng: Đan Phượng có thể phát triển sản phẩm du lịch sinh thái học đường, xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp kết hợp tham quan các làng nghề trên địa bàn, trải nghiệm làm nem Phùng, hoặc tìm hiểu vòng đời khép kín của các loài gia súc, gia cầm từ khi sinh trưởng cho đến khi trở thành món ăn như cách Hàn Quốc đã làm khá thành công. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Ánh Dương Tours cho rằng, chỉ cần có “cầu”, các doanh nghiệp ắt sẽ có “cung”, sẵn sàng phối hợp với huyện để xây dựng những sản phẩm hấp dẫn, chuyên biệt cho học sinh các trường.

Là người am hiểu về địa bàn Đan Phượng, ông Bùi Duy Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) chia sẻ ý tưởng: “Đan Phượng cần nghĩ tới việc gia tăng chi tiêu của du khách bằng cách tăng số ngày lưu trú tại các cơ sở lưu trú cao cấp hoặc mô hình du lịch cộng đồng. Phải khiến du khách "rút hầu bao", kéo khách ngủ lại qua đêm để tăng doanh thu du lịch. Muốn vậy, cần phải có quy hoạch hoặc mạnh dạn đầu tư xây dựng các bungalow (những ngôi nhà nhỏ nằm cách biệt nhau) trong vườn bưởi của các gia đình để gia tăng trải nghiệm cho du khách”.

Đánh giá cao cơ sở hạ tầng, giao thông cũng như những thành công trong việc xây dựng nông thôn mới của Đan Phượng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho rằng, Đan Phượng cần tập trung phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, đặc biệt là vùng trồng hoa và bám sát Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng của Hà Nội nhằm phát huy lợi thế, xây dựng sản phẩm vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cuối tuần cho du khách nội đô Hà Nội.

Tiếp thu những ý kiến đóng góp của lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội và các doanh nghiệp lữ hành, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, thời gian tới, huyện sẽ đầu tư cho việc xây dựng các sản phẩm chuyên sâu nhằm thu hút đối tượng khách đến từ nội đô và học sinh các trường. Cùng với đó, huyện sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào công tác quảng bá, xúc tiến để lan tỏa thương hiệu du lịch Đan Phượng và gia tăng trải nghiệm cho du khách bằng công nghệ thực tế ảo tại các điểm tham quan, đồng thời phát triển du lịch cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân... “Nhưng để làm tốt những việc trên, cần có sự liên kết chặt chẽ của các doanh nghiệp lữ hành trong việc đưa khách về với huyện, từ đó tạo đà cho du lịch Đan Phượng bứt phá trong tương lai”, ông Hải bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch Đan Phượng: Bứt phá từ tiềm năng