Huyện Thanh Oai: Tạo dấu ấn bằng sản phẩm ''đinh''

Khánh Ngọc| 04/04/2021 05:35

(HNMCT) - Là huyện nằm ở phía tây nam Thủ đô Hà Nội, với lợi thế thuận lợi về giao thông, điều kiện tự nhiên và đặc biệt là sự phong phú của các loại hình di sản văn hóa đã tạo nên những thế mạnh riêng giúp Thanh Oai phát triển du lịch. Để khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Thủ đô, Thanh Oai đang tập trung phát triển các sản phẩm “đinh” nhằm tạo dấu ấn riêng và thu hút khách trong thời gian tới.

Bình yên làng cổ Ước Lễ (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai). Ảnh: Linh Tâm

Mảnh đất giàu truyền thống văn hóa

Thanh Oai là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống lịch sử lâu đời. Đây là mảnh đất khoa bảng với 46 vị được ghi danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Không những vậy, Thanh Oai còn bảo tồn, gìn giữ được những ngôi làng cổ điển hình của vùng Đồng bằng Bắc Bộ gắn với các nghề truyền thống như làng Cự Đà (xã Cự Khê) chuyên nghề làm tương và miến lớn nhất miền Bắc, làng Chuông (xã Phương Trung) có nghề làm nón lá, làng Ước Lễ (xã Tân Ước) với nghề làm giò chả, bánh chưng, bánh giầy nức tiếng hay làng nghề điêu khắc ở Võ Lăng (xã Dân Hòa) và Dư Dụ (xã Thanh Thùy), làng Vác (xã Dân Hòa) chuyên nghề làm quạt và lồng chim... Với 51 làng đã được công nhận là làng nghề và làng có nghề, đây là một trong những lợi thế nổi bật để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của Thanh Oai so với các địa phương khác.

Bên cạnh đó, Thanh Oai còn sở hữu 266 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 151 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và thành phố, tiêu biểu như: Đền Nội và đình Ngoại Bình Đà (xã Bình Minh), chùa Sổ (xã Tân Ước), đình - chùa - miếu Cự Đà (xã Cự Khê), đình - chùa Chuông (xã Phương Trung), Nhà lưu niệm Bác Hồ (xã Xuân Dương)... Đặc biệt, lễ hội Bình Đà (xã Bình Minh) đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (năm 2014).

Bên cạnh kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, phong phú ấy, Thanh Oai còn sở hữu tài nguyên du lịch sinh thái với các điểm đến có cảnh quan đẹp như: Khu đầm Thanh Cao và Cao Viên, những vườn cây ăn trái tại 7 xã ven sông Đáy, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng 12 con giáp (xã Cao Dương)... đáp ứng nhu cầu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần và vui chơi giải trí của du khách.

Người dân làng nón Tri Lễ (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) giữ gìn nghề truyền thống (ảnh chụp thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát). Ảnh: Linh Tâm

Tập trung vào các sản phẩm “đinh”

Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai, sau khi thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/HU ngày 30-5-2017 và Đề án số 01-ĐA/BCĐ ngày 15-12-2016 về phát triển du lịch huyện Thanh Oai giai đoạn 2017 - 2020 và những năm tiếp theo, lượng khách đến với huyện đã tăng lên đáng kể: Nếu như năm 2016, huyện đón khoảng 1.000 lượt khách thì đến hết tháng 7-2020, đã có gần 50.000 lượt khách đến với huyện. Nhưng từ đó đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách đến với Thanh Oai cũng bị sụt giảm như các nơi khác.

Bên cạnh đó, theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi, việc phát triển du lịch của Thanh Oai chưa tương xứng với tiềm năng do những hạn chế về cơ sở hạ tầng giao thông, bãi đỗ xe tại các điểm du lịch, nhà vệ sinh công cộng, điểm mua bán quà lưu niệm... Vì vậy, du khách đến với Thanh Oai chủ yếu là đi trong ngày, mức chi tiêu thấp nên doanh thu từ dịch vụ du lịch chưa cao.

Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, thời gian qua, Thanh Oai đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Phát triển thị trường, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch...

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình cho biết, trong năm 2021, huyện sẽ quyết liệt chỉ đạo việc phát triển các sản phẩm du lịch, tìm ra những sản phẩm “đinh” để thu hút du khách, trong đó, lấy du lịch văn hóa làm nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác như: Du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm.

Năm 2021, huyện sẽ tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư phát triển du lịch như: Xây dựng khu du lịch sinh thái tại khu đầm của 2 xã Thanh Cao và Cao Viên; các dịch vụ tham quan, vui chơi, giải trí ven sông Đáy; dự án mở rộng không gian du lịch Lễ hội Bình Đà; dự án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng cổ Cự Đà...

“Cùng với đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hợp tác với các công ty lữ hành để đưa du khách đến các điểm tham quan và liên kết với các huyện lân cận để kết nối các tuyến, điểm du lịch như Thường Tín - Thanh Oai, Mỹ Đức - Chương Mỹ - Hà Đông - Thanh Oai... nhằm tạo ra nhiều sản phẩm đặc sắc, hấp dẫn, đưa Thanh Oai trở thành một trong những địa phương trọng điểm về du lịch trên địa bàn Thủ đô”, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Thanh Oai: Tạo dấu ấn bằng sản phẩm ''đinh''