Về Cổ Loa xem tục ăn sêu bà chúa

Bài và ảnh: Ngọc Huân| 16/02/2021 06:05

(HNMCT) - Sêu là tục lệ có từ xưa của người Việt. Sau khi nhà trai đến nhà gái làm thủ tục dạm ngõ thì từ lúc đó, tuy chưa cưới nhưng chàng trai đã được xem là thành viên trong gia đình nhà gái. Vì vậy, trong các dịp lễ tết, chàng trai có bổn phận mang lễ vật đến biếu và giúp đỡ khi nhà gái có việc. Sêu là việc mang đồ lễ đến biếu để thể hiện lòng thành kính, tôn trọng của chàng rể đối với người sinh ra vợ mình. Đó cũng là thử thách đối với chàng rể tương lai.

“Tưởng rằng em chửa có chồng
Để anh mang cốm mang hồng sang sêu”


Tại xã Cổ Loa (huyện Đông Anh), tục ăn sêu bà Chúa nhằm tưởng nhớ ngày “đính hôn” của công chúa Mỵ Châu - con gái duy nhất của đức vua An Dương Vương, với Trọng Thủy - con trai của Triệu Đà, vua nước Nam Việt. Tục ăn sêu bà Chúa bắt đầu từ ngày 13 (ngày chính) đến hết rằm tháng Tám âm lịch. Trong ngày này, con cháu ở xa về nhà sum họp bên mâm cơm gia đình. 

Tượng đá công chúa Mỵ Châu (bà Chúa) trong am Mỵ Châu (Khu di tích Cổ Loa).

Ăn sêu bà Chúa, bữa cơm nhất định phải có thêm bún riêu cua và bún xào cần. Sở dĩ bún trở thành món ăn chính trong ngày sêu bà Chúa là bởi chuyện xưa kể rằng: “Từ ngàn năm trước, trong lúc chuẩn bị yến tiệc cho lễ dạm hỏi công chúa Mỵ Châu, người đầu bếp nọ chẳng may làm đổ bột gạo vào vạc nước sôi. Hốt hoảng, anh vội vàng nhấc chiếc rổ lên thì thấy bột gạo kết thành những sợi dây dài màu trắng. Tiếc của, lại không biết làm gì với những sợi bột trắng kia, sẵn có rau cần, anh bèn xào cả hai thứ với nhau. Tiệc được bày lên, vua An Dương Vương hết lời khen ngợi. Món bún xào rau cần ngẫu nhiên trở thành món ăn đặc biệt trong thực đơn đãi khách của nhà vua”.

Nghề làm bún Mạch Tràng được người dân giữ gìn đến ngày nay.

Bún của vùng Cổ Loa không mềm và trắng như nơi khác. Vì là bún dùng để xào nên có độ cứng vừa phải để khi xào không bị nát. Chính vì vậy nên bún ở Cổ Loa, mà tiêu biểu là bún của thôn Mạch Tràng, được làm với quy trình khác với cách làm bún thông thường. Nếu như bún thông thường được làm bằng bột gạo, sau khi xay được ủ chua rồi làm bún, thì bún xào được làm từ gạo ủ chua rồi xay, khi làm ra hơi đen và dai hơn so với bún thường.

Theo lời các cụ cao niên, vài chục năm trước cuộc sống còn khó khăn, cứ gần đến 13 tháng Tám âm lịch, người dân Cổ Loa lại mang gạo sang thôn Mạch Tràng đổi lấy bún, đồng thời ra đồng bắt cua để chuẩn bị món bún xào cần, bún riêu cua trong ngày ăn sêu bà Chúa. Ngày nay, tục ăn sêu bà Chúa vẫn được nhân dân Cổ Loa duy trì.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về Cổ Loa xem tục ăn sêu bà chúa