Ngày xuân thăm “núi Tổ”

Công Phu| 11/02/2021 06:42

(HNNN) - Dọc theo triền sông Đà có ba ngọn núi xếp hàng. Trong đó, một núi ngọn thắt cổ bồng, đỉnh tròn như chiếc tán, được gọi tên là Tản Viên Sơn. Nơi đây thờ Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh), thần linh đứng đầu trong “tứ bất tử” của dân tộc Việt Nam.

Một đoạn sông Đà nhìn từ đỉnh Mẫu cao 1.227 mét. Ảnh: Nguyễn Thắm

“Nhất cao là núi Ba Vì”

Núi Tản Viên Sơn ở huyện Ba Vì (Hà Nội) được coi là “trấn sơn” của cả vùng Đồng bằng Bắc Bộ với đỉnh cao nhất là đỉnh Vua ở độ cao 1.296 mét so với mực nước biển. Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi trong tác phẩm “Dư địa chí” đã khẳng định: “Đó là núi Tổ của nước ta đó”. Còn vua Tự Đức (1829 - 1883) đã xếp Tản Viên Sơn vào hàng “danh sơn”, quy định hằng năm triều đình cử hành tế lễ thần linh cấp quốc gia ở núi này.

Ca dao xưa có câu: “Nhất cao là núi Ba Vì/ Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn”. Thực tế, đỉnh cao nhất của núi Ba Vì là 1.296 mét, đỉnh cao nhất của núi Tam Đảo là 1.591 mét, đỉnh cao nhất của núi Độc Tôn là 462 mét, nhưng Ba Vì được tôn “nhất cao” vì đó là nơi ngự của thần Tản Viên được xếp đứng đầu “tứ bất tử”. Đây là sự tôn vinh trong tâm thức, đời sống tâm linh, chứ không theo góc nhìn địa lý học. Về “thần núi”, theo thần phả đền Và thì thần Tản Viên tên là Nguyễn Tuấn, người ở động Lăng Xương (nay thuộc xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ), kề bên bờ sông Đà, có bố là Nguyễn Cao Hạnh và mẹ là Đinh Thị Duyên.

Ông Đoàn Công Hoạt, nguyên Trưởng phòng Văn hóa huyện Ba Vì cho biết thêm nhiều điều thú vị xung quanh truyền thuyết về “núi Tổ”. Thần Tản Viên nhận ngôi do vua Hùng truyền lại nhưng chỉ sau 3 năm đã nhường ngôi cho Thục Phán (An Dương Vương, 208 - 179 TCN) rồi đi khắp nơi dạy dân đắp bờ giữ nước, cày bừa, cấy lúa, trồng dâu nuôi tằm, săn bắt chim thú, mở hội hè... Hiện ở khu vực xung quanh núi Tản còn có một số lễ hội do ngài truyền lại như hội múa Gà Phủ, lễ cướp kén, đâm trâu, nấu cơm thi, bơi thuyền, đặc biệt là hội hát dô ở xã Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai). Cũng tại Ba Vì, An Dương Vương là người đầu tiên lập đền thờ thần Tản Viên, vừa tỏ ý kính trọng người có công đánh giặc cứu nước, vừa tỏ tình cảm cá nhân với người nhường ngôi cho mình.

Điểm du lịch sinh thái lý tưởng

Đền Thượng hiện nay. Ảnh: CP

Vùng đất dưới chân núi Tản còn nhiều dấu tích về cuộc chiến trường kỳ giữa Sơn Tinh - Thủy Tinh. Đó là núi Chẹ, núi Đùng, Đá Chông, Gò Chay, Ngòi Lạt, Ao Vua, Đầm Gà... và đặc biệt là Đầm Đượng, nơi có đến 16 đường nước chảy, minh chứng cho cuộc quyết đấu xa xưa. Thực chất đó là dấu tích công cuộc lao động kiến tạo của con người.

Thăm đền Hạ (xã Minh Quang), du khách chứng kiến những di vật quý còn lại là 48 tảng đá kê chân cột, qua đó có thể hình dung quy mô to lớn từng có của công trình này. Trong đền còn có một tấm bia đá 4 mặt là “Tản Viên từ ký” dựng năm 1848, ghi chép về đền thờ thần Tản Viên.

Trước kia, khi chưa có đường nhựa thì từ coste 400 mét (“cốt” 400) đi lên đỉnh núi du khách phải vượt quãng đường cả lên và xuống khoảng 15 - 16 kilômét, hiện nay các xe du lịch nhỏ có thể đưa khách lên đến “cốt” 1.200. Lên đến “cốt” 600, du khách thăm đền Trung được xây dựng từ đời Lý, ngôi đền được đánh giá có vị trí đẹp nhất trong các ngôi đền thờ thần Tản Viên ở Ba Vì. Lên đến “cốt” 1.200, du khách có thể nghỉ ngơi trước khi trèo lên đỉnh Mẫu cao 1.227 mét, nơi có đền thờ thần Tản Viên, ban thờ Mẫu và ban thờ Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn). Đứng ở đây có thể ngắm nhìn bốn phương tám hướng. Gặp buổi quang trời, có nắng thì là một dịp may hiếm có. Cảm giác có thể với tay chạm trần mây, đất đai dưới chân núi trải ra mênh mông, sông Đà xa xa uốn lượn hút tầm mắt...

Sau đó, du khách trở xuống “cốt” 1.200 để chinh phục đỉnh Vua cao 1.296 mét. Tuy chỉ cao hơn đỉnh Mẫu mấy chục mét nhưng do dốc đứng nên đường lên đỉnh Vua uốn lượn với 1.320 bậc đá. Tại đỉnh Vua có Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh với kiểu dáng kiến trúc truyền thống 2 tầng, 8 mái uốn cong ở bốn phía, mang ý nghĩa khẳng định sự tiếp nối truyền thống hào hùng của dân tộc. Sau khi thăm đền, du khách bước ra sườn núi, phóng tầm mắt nhìn quanh, bao quát nhiều vùng đất thuộc thành phố Hà Nội và tỉnh Phú Thọ.

Ngày xuân lên thăm “núi Tổ” Tản Viên Sơn, chiêm ngưỡng một vùng non nước ven sông Đà hùng vĩ, thăm các di tích đặc biệt được bảo tồn, gìn giữ cho muôn đời sau, du khách còn được tận mắt chứng kiến sự phong phú của thiên nhiên Ba Vì, nơi có nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Chắc chắn đó sẽ là một chuyến du xuân đầy ý nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày xuân thăm “núi Tổ”