Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân: Điểm tham quan hấp dẫn

Bài và ảnh: Linh Tâm| 31/01/2021 06:06

(HNMCT) - Sau một năm ra mắt, Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) đã góp phần thay đổi môi trường, cuộc sống của người dân nơi đây đồng thời thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu văn hóa, giới mỹ thuật và người dân Thủ đô. Không dừng ở đó, từ tháng 6-2020, không gian sáng tạo này đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn đối với nhiều người Việt Nam và người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, mở ra cơ hội tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư Phúc Tân trong thời gian tới.

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn thuyết minh về nội dung các tác phẩm trưng bày tại Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân cho các du khách nước ngoài sinh sống, làm việc tại Hà Nội.

“Đánh thức” khu vực bị bỏ quên

Khi thành phố lên đèn cũng là lúc nhóm du khách Việt Nam và người nước ngoài đang làm việc, sinh sống tại Hà Nội tập trung để bắt đầu chuyến tham quan, tìm hiểu Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân. Chặng đường đi bộ từ phố Hồng Hà vào khu vực bãi Phúc Tân chỉ mất gần 10 phút nhưng cũng đủ để du khách hiểu được phần nào về cuộc sống của người dân nơi đây.

Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân gồm 16 tác phẩm nghệ thuật của 16 nghệ sĩ trong nước và quốc tế, được trưng bày trên một bức tường dài 200m vốn có chức năng chặn lũ sông Hồng và ngăn khu dân cư với nơi tập kết rác thải. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện phản ánh nhân sinh quan của từng nghệ sĩ về dòng chảy văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Đó là các tác phẩm: “Nhà nổi” của Lê Đăng Ninh; “Gánh hàng rong”, “Phù điêu Đông Dương” của Nguyễn Thế Sơn, “Voi” và “Sống xanh” của Goerge Burchett hay “The Red River’s Dragon” của Diego Cortiza... Đặc biệt, các tác phẩm đều được làm từ nguyên liệu tái chế do các họa sĩ và chính người dân nơi đây thu lượm, góp công sức để tạo nên.

Chị Nguyễn Thúy Hằng (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) chia sẻ sau chuyến tham quan: “Mặc dù sinh ra, lớn lên ở Hà Nội nhưng tôi chưa bao giờ đến khu vực này. Đây là tour rất thú vị, cho du khách thấy những khía cạnh khác của Hà Nội hiện đại, phát triển. Đó là một Hà Nội của những người lao động vất vả mưu sinh nhưng luôn lạc quan và yêu nghệ thuật”.

Là người trực tiếp tham gia cải tạo cảnh quan trong khu vực, bà Hoàng Thị Tâm (ngách 195/76 đường Hồng Hà, phường Phúc Tân) vui vẻ bày tỏ: “Từ lúc dự án được tuyên truyền, chúng tôi rất phấn khởi vì khu phố được cải tạo sạch, đẹp hơn. Vì thế, chúng tôi đã góp công sức, nhặt vỏ chai và thu lượm nguyên vật liệu tái chế để các nghệ sĩ sáng tạo nên các tác phẩm. Sau khi được cải tạo, người dân cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường hơn. Nhờ vậy, nơi đây đã được “đánh thức” sau thời gian dài bị lãng quên”.

Phát triển du lịch vì cộng đồng

Bà Stella Ciorra, Chủ tịch Hội Những người bạn Di sản Việt Nam (Friends of Vietnam Heritage - FVH) cho biết: “Chúng tôi là những người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam từ lâu. Khi dự án này được hoàn thành, tôi đã bàn với nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn xây dựng tour tham quan cho người nước ngoài sinh sống tại Hà Nội bởi rất nhiều người nước ngoài muốn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Ban đầu chúng tôi dự định chỉ làm một tour nhưng số lượng đăng ký ngày càng tăng nên chương trình được duy trì 1 tháng/lần (bắt đầu từ tháng 6-2020), mỗi tour chỉ từ 10 đến 15 người. Hy vọng khi dịch Covid-19 lắng xuống, đây sẽ là điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua của du khách khi đến Hà Nội”.

Đồng quan điểm trên, bà Dương Hồng Phương, Giám đốc bán hàng Công ty Du lịch Tầm nhìn Việt (Viet Vision Travel) cho rằng: “Với cách làm mới những góc rất riêng của Hà Nội, đây là điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Trước mắt, nơi đây có thể thu hút khách nội địa bằng một tour hoàn chỉnh với các trải nghiệm như tham quan Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân và phố đi bộ Phùng Hưng kết hợp khám phá ẩm thực đường phố, thưởng thức cà phê trứng... để thêm hiểu, thêm yêu Hà Nội”.

Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, Giám tuyển Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, sau Dự án Phố bích họa Phùng Hưng, nơi đây hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến du lịch nếu có sự đầu tư bài bản, kết nối với cầu Long Biên, chợ đêm Long Biên, bãi Phúc Xá và sông Hồng để trở thành tour tìm hiểu văn hóa, lịch sử hoàn chỉnh về Hà Nội. “Trên thế giới, việc đầu tư phát triển du lịch thành phố hai bên sông mang lại nguồn lợi không nhỏ. Nếu có thể kết nối các điểm đến nói trên, đây sẽ là tour trải nghiệm văn hóa kết hợp với du lịch sinh thái thú vị. Muốn vậy, chính quyền địa phương cần có sự đầu tư bài bản để cải tạo cảnh quan hai bên sông Hồng, biến khu vực này thành một công viên sinh thái giữa lòng Hà Nội. Không những thế, việc phát triển du lịch còn mang lại nguồn sinh kế ổn định cho người dân sinh sống trong khu vực này”, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân: Điểm tham quan hấp dẫn